Sự tàn phá nặng nề của trận sóng thần xảy ra năm 2011 tại Nhật Bản đã cho thấy một tinh thần đoàn kết, ý thức sống vô cùng tốt đẹp của người dân đất nước mặt trời mọc. Mới đây, siêu bão Haiyan, một trong 4 siêu bão lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đã cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người dân Philippines và gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất cho đất nước này.
Trong cơn đại nạn đó, bên cạnh những tấm lòng cao đẹp thì chúng ta cũng không khỏi đau lòng khi chứng kiến cảnh hỗn loạn, tranh giành, cướp bóc thực phẩm, tiền...Thậm chí, một số kẻ còn sẵn sàng bắn vào người dân ở một số địa phương của đất nước này.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, bất cứ dân tộc, đất nước nào cũng đều phải chống lại những thảm họa từ thiên nhiên mà không thể khống chế được.
Và trong quá trình ứng phó đó thì sẽ xuất hiện những hành động có thể cao thượng hoặc chưa được tốt đẹp.
"Sau trận sóng thần ở Nhật Bản chúng ta thấy rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, sự tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ với nhau rất tốt đẹp của người dân. Những hình ảnh đó đã khiến cả thế giới phải cảm động, khâm phục.
Mới đây, theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng thấy rõ sự tàn phá nặng nề của siêu bão Haiyan đối với đất nước, nhân dân Philippines. Khi cơn bão đã đi qua, theo dõi tình hình, chúng ta thấy cũng có xuất hiện một số hình ảnh chưa đẹp trong cách đối xử với nhau của người dân Philippines nhưng tôi nghĩ đó chỉ thiểu số, không phải bản chất mà chỉ là hiện tượng. Tôi tin chắc chắn một điều rằng, người dân các nước và người dân Philippines nói riêng đều có truyền thống dân tộc rất cao đẹp, bản chất của họ vẫn là đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau", trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Trước câu hỏi, nếu trong tương lai, Việt Nam không may phải chịu sự tàn phá của siêu bão hoặc sóng thần như ở Nhật hay Philippines thì cách ứng xử của người dân sẽ ra sao, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh: "Nếu chẳng may ở Việt Nam có xảy ra siêu bão như ở Philippines vừa qua hay sóng thần trước đây ở Nhật Bản thì tôi tin chắc rằng, với truyền thống của dân tộc, chúng ta sẽ đoàn kết nhau để vượt qua.
Lịch sử dân tộc ta suốt mấy nghìn năm qua đã cho thấy, không có thời đại nào là không có chiến tranh, không có thiên tai. Từ việc phải sống trong đau thương nên nhân dân luôn có tinh thần cố kết rất bền vững. Lúc bình thường có thể có vấn đề này, vấn đề khác với nhau nhưng lúc đã có sự cố thì có thể nói người dân của chúng ta sẵn sàng bỏ qua tất cả để cưu mang, đùm bọc lấy nhau.
Chính tinh thần đoàn kết đó mà trong thời đại Hồ Chí Minh, qua hai cuộc chiến tranh, nhân dân đã cùng đồng tâm, hiệp lực bảo vệ quyền sống, quyền tự do của mình. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta là sức mạnh hết sức tuyệt vời...".
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng chia sẻ: "Sự ích kỷ, nhỏ nhen, sống vì cá nhân hơn vì cộng đồng là một hiện tượng xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội. Và ở đây, khi chúng ta đi vào cơ chế thị trường, cuộc sống bon chen thì dễ nảy sinh ra những tiêu cực trên. Nhưng khi đất nước gặp phải nguy nan hay có sự kiện gì ảnh hưởng đến tâm can người dân thì chắc chắn sự cố kết, đoàn kết, tinh thần yêu nước của người dân sẽ trào dâng rất mạnh mẽ.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua chính là một sự kiện điển hình cho chúng ta tự nhận thức về sự gắn kết, sát lại cùng nhau, tinh thần yêu nước của nhân dân ta...".
Cùng với đó, vị tướng già cũng bày tỏ: "Trong nền kinh tế thị trường, khi lợi ích vẫn còn tồn tại thì việc xảy ra những hiện tượng tiêu cực là khó tránh khỏi.
Tuy vậy, đứng về mặt lãnh đạo, một mặt chúng ta vẫn động viên người dân làm giàu nhưng cũng cần làm thế nào để giáo dục cho nhân dân thấy được lợi ích chung và lợi ích riêng phải luôn luôn hòa quyện với nhau. Vì lợi ích riêng mà để mất lợi ích chung thì cái riêng đó không bền vững và sẽ sớm bị tiêu vong.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần tự ý thức lại chính mình, hãy luôn sống vì cộng đồng chứ đừng có bon chen, đừng có ích kỷ, được mình, được người là được tất cả.
Còn vì cái riêng mà để mất đi cái cộng đồng thì sẽ mất tất cả mà trước hết là mất đi tính nhân văn, bản sắc dân tộc...".