Không biết từ bao giờ, nhiều người nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh. Có lẽ với 17 năm làm lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, dấu ấn của ông Thanh đối với Đà Nẵng đã quá sâu đậm.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho hay: “Ông Nguyễn Bá Thanh ra đi đã để lại 3 “di sản” lớn”.
Theo tướng Thước, “di sản” thứ nhất chính là một Đà Nẵng phát triển mạnh.
“Từ một thành phố kém phát triển trở thành thành phố phát triển mạnh, sự bứt phá của Đà Nẵng là hàng đầu so với các tỉnh, thành khác. Trong đó có công lao rất lớn của ông Nguyễn Bá Thanh.
“Di sản” thứ hai là những công việc đã làm được cho người nghèo và người cực khổ. Những người nghèo, những người oan sai, khó khăn khi đến gặp, ông Nguyễn Bá Thanh đều gặp và giúp đỡ.
Ông ấy rất thích tiếp cận với người nghèo khổ có những vấn đề khúc mắc cần được giải quyết”, tướng Thước nói.
Tướng Thước cho rằng chưa khi nào một Bí thư Thành ủy nào như ông Thanh dám đối thoại trực tiếp với những người dân đấu tranh về vấn đề đất đai vốn rất phức tạp.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã chủ động ngồi đối thoại chứ không phải người dân buộc ông ấy ngồi đối thoại. Việc đó nói lên cái tâm của ông Thanh đối với dân.
Dân còn bức xúc thì ông Thành sẽ chủ động tiếp cận. Việc này đã góp phần rất lớn vào việc ổn định chính trị Đà Nẵng.
“Di sản” thứ ba chính là sự nghiệp chống tiêu cực, tham nhũng.
Việc ông Thanh làm Phó Ban thường trực ủy ban phòng chống tham nhũng thể hiện niềm tin rằng ông Thanh đã là người phòng chống tham nhũng trong Đà Nẵng được thì những chỗ khác ông Thanh cũng làm được.
Tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ về câu chuyện khi ông Nguyễn Bá Thanh nhận quyết định làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.
“Tôi nói với ông Thanh: Đồng chí có công lớn đối với Đà Nẵng. Đồng chí ra đây nhận nhiệm vụ nặng nề trong thời kỳ cực kỳ khó khăn.
Muốn làm được việc đó thì đồng chí thế chấp trước “cái đầu” của mình trước Đảng và nhân dân khi vào cuộc chiến đấu một mất, một còn đi”.
Ông Thanh nói với tôi rằng: “Cảm ơn bác. Rất cảm ơn bác. Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích của nhân dân”, tướng Thước nhớ lại.
Trong niềm thương tiếc lớn đối với ông Nguyễn Bá Thanh, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay:
“Đồng chí Bá Thanh đã xây dựng một Đà Nẵng văn minh, hiện đại với nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và tạo điểm nhấn cho thành phố”.
Theo ông Tiến, một trong những di sản mà ông Bá Thanh để lại chính là những cuộc đối thoại “có một không hai”. Đó là các cuộc đối thoại với những thanh thiếu niên chậm tiến, với những ông chồng vũ phu, những lái xe taxi và xe ôm…
Và một “di sản” khác không thể không nhắc tới chính là công tác cải cách hành chính. Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc cải cách hành chính.
Không chỉ như vậy, ông Lê Như Tiến cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh là người dám làm, dám chịu.
“Anh Thanh đã xây dựng được sự đoàn kết và thống nhất cao trong tập thể Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phát huy ý chí chung của tập thể.
Còn có rất nhiều đóng góp của anh Thanh cho Đà Nẵng có thể kể nhưng chỉ chừng đó cũng đủ để mọi người khi nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến tên anh Nguyễn Bá Thanh rồi”, ông Tiến cho hay