Thời điểm được người Huế lựa chọn để đưa ông Táo thường là sau 12h đêm 22, khi vừa bước sang ngày 23. Lý do là vì người ta cho rằng, các ông bà Táo phải mất bảy ngày bảy đêm mới lên đến thiên đình, nên đưa càng sớm càng tốt, tránh việc các Táo Quân trễ nải công việc.
Từ gần 1h sáng cho đến 6h ngày 23 tháng Chạp, các gốc cây cổ thụ, vỉa hè, bờ tường quanh thành phố Huế dày đặc các tượng Táo làm bằng đất nung, với đủ hình dáng, màu sắc nằm la liệt. Kèm theo đó là hoa tươi cùng những bó nhang khói nghi ngút.
Theo người dân, lễ vật đưa tiễn ông Công ông Táo rất đơn giản, gồm một mâm xôi chè, bộ quần áo giấy (có khi là 3 bộ cho 2 ông 1 bà). Nhưng quan trọng hơn cả là phải có chút tiền vàng với ngụ ý làm lộ phí cho ông Táo đi đường.
Ông Công- ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc, do vậy người đảm nhiệm việc đưa tiễn Táo Quân thường là phụ nữ - người nội trợ trong gia đình.
Nhiều tượng ông Táo còn được đặt lên một gốc cây cổ thụ và được thắp hương liên tục trong 7 ngày. Đến tối 30, trong mâm cúng Giao thừa, người ta lại thắp hương mời các Táo trở về coi sóc việc bếp núc của gia đình, đón năm mới.
Nhiều gia đình có đủ điều kiện sẽ đốt đầy đủ cho Táo Quân 3 bộ quần áo giấy, gồm cân, đai, mão, giày, chia đều cho 2 ông, 1 bà.