Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Tôi cũng có lần được gặp Đại tướng tại binh chủng đặc công nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập của Binh chủng đặc công,nhưng chưa một lần nào gặp riêng. Đó là lần duy nhất.
Gặp rồi thì thấy đây đúng là người thầy của Quân đội nhân dân Việt Nam: Sống chân thành, thân thương với anh em, nhẹ nhàng, giọng nói có tính thuyết phục lòng người làm cho lòng tin của tôi cũng như anh em càng vững vàng hơn.
Tôi luôn mong một ngày được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thăm anh, thăm người cha già của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mọi thành công của đặc công chính là lời nói của Đại tướng năm xưa và đã tạo thành sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ thắng lợi.
Tôi nhớ nhất là câu nói: “Thần tốc, thần tốc”, và đây cũng là điều chúng tôi cùng đồng đội đã đi nhanh và thực hiện thắng lợi giải phóng Trường Sa góp phần cùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng
Nguyễn Ngọc Linh - Nữ 24 tuổi
Thưa Thiếu tướng, khi chỉ thị ông ra giành lại chủ quyền Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói gì với ông và câu nói nào khiến ông ghi nhớ nhất?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Tôi không được nghe trực tiếp mà qua Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân có nhắc lại chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.
Sau khi nghe chỉ thị này, anh em mới bàn nhau: “Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đến là đánh và quyết đánh thắng ngay trận đầu”.
Có cái khó là anh em hầu hết là dân không đi biển, xuống say sóng. Nhưng khi có lệnh chuẩn bị chiến đấu, tất cả đều vùng dậy và muốn được tham gia và đi đánh ngay trận đánh.
Có một câu nói mà khiến tôi nhớ nhất đó là: “Đặc công là công tác đặc biệt, nhưng trước hết là đặc biệt trung thành với Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng hoàn thành đặc biệt cao”.
Đây là câu nói của Bác Hồ và được đại tướng truyền Võ Nguyên Giáp “truyền lửa” cho anh em đặc công trong trận giành lại chủ quyền Trường Sa tháng 4/1975. Và chính câu nói đó đã trở thành tiềm thức, suy nghĩ, lý trí và quyết tâm của mỗi người - luôn luôn suy nghĩ và sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ thắng lợi.
Trần Thái - Email: [email protected]
Nếu có thể, xin ông chia sẻ những gì mà ông biết về quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về chủ quyền biển đảo: "Đây là vùng lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, không chỉ hôm nay mà từ xa xưa đã có".
Đại tướng là người thầy của quân đội, cũng là lãnh tụ của lực lượng quân đội. Đây là lời nói chân tình nhất và có sức mạnh tạo niềm tin cho anh em khi tiến quân giải phóng Trường Sa.
Với quan điểm riêng của tôi: Chủ quyền biển đảo do ông cha để lại và đã thành di chúc. Muốn hay không muốn thì cũng phải giữ lại. Và giữ lại cũng là giữ cho chính mình, cho quê hương, đất nước mình.
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng và vợ
Mai Đức Tiến - Nam 30 tuổi
Xin hỏi vị Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại Thiếu tướng Mai Năng, khi quân đội ta vào giải phóng quần đảo Trường Sa, quân trang của chúng ta có những gì khiến cho đế quốc Mỹ phải đầu hàng?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Khi đánh vào đó, chủ yếu mình có nội dung kĩ thuật đặc biệt của bộ đội đặc biệt: Trung với Đảng hiếu với dân cũng là ở đây.
Khi tiến quân giải phóng Trường Sa chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ: súng chỉ có tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công.
Trang phục chủ yếu là quần áo lót để tiện cho bơi. Phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên.
Hải quân đưa vào chiến trường miền Nam trên 5000 quân được huấn luyện ngoài Bắc chi viện chiến trường sông biển miền Nam. Đây cũng là thành công của Bộ tư lệnh đặc công đã suy nghĩ, nghiên cứu và xây dựng lực lượng đặc công của Hải quân.
Nguyễn Quang Thuận - Email: [email protected]
Thưa ông, được biết ông là người trực tiếp thực hiện mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân ra giải phóng Trường Sa tháng 4/1975. Xin ông cho biết mệnh lệnh đó, trận đánh đó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời binh nghiệp của ông?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Mệnh lệnh của Đại tướng khi đó để lại suy nghĩ rất lớn trong tôi: Đây là chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là chiến dịch cuối cùng của Tổ quốc, được tham gia trận đánh này cũng là vinh dự nhất của cuộc đời binh nghiệp, góp phần cùng nhân dân giải phóng đất nước.
Đánh vào Trường Sa là tạo ra vùng lãnh hải lớn. Đây là vùng kinh tế mới, vùng kinh tế lớn có nguồn tài nguyên phong phú dưới đáy biển. Mệnh lệnh của Đại tướng có ý muốn ba vấn đề lớn:
- Tạo khả năng của quốc phòng có điều kiện phòng thủ đất nước từ xa.
- Về mặt kinh tế: Trường Sa là vũng lãnh hải tài nguyên phong phú tạo nền kinh tế mới của Tổ quốc.
- Mình cũng có cơ sở chính trị, có tiếng nói với cả quốc tế đặc biệt là vùng Châu Á -Thái Bình Dương.
Nhận được mệnh lệnh của Đại tướng, anh em không sợ và cảm thấy vui vì được tham gia vào trận đó, trận chiến quyết định của Tổ quốc.
Mai Ngọc Long - Email: [email protected]
Thưa Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng chắc hẳn bây giờ những ký ức về đoàn tàu không số vẫn còn trọn vẹn trong suy nghĩ của ông. Ông có thể chia sẻ lại những kỷ niệm sâu sắc nhất của mình về trận chiến đấu tại sân bay Cát Bi oai hùng được không ạ?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Khi được Đảng và Trung ương khen ngợi các “dũng sỹ Cát Bi” có những anh em được huân chương nhưng cũng có những anh em phục vụ không được gì. Tôi cũng có băn khoăn, nhưng họ nói chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, không vì ợi ích riêng của mình nên không có gì phải ân hận. Giành thằng lợi là mừng lắm rồi.
Tôi còn nhớ những kỉ niệm đẹp về lòng dân. Có những lúc tưởng như thiệt hại nặng nề, nhưng còn dân là còn tất cả. Như câu chuyện ở nhà bà Can, khi địch vây càn tới nơi bà bảo anh em lên nóc bếp để bà ra tiếp đãi ngụy quân, ngụy quyền. Khi chúng đi ta lại sống. Lòng dân quý hóa, còn dân là còn tất cả.
Hay như bà Sàn từng nói với tôi: Bây giờ địch càn quét nhiều, các con phải ra vùng tự do 1 thời gian rồi mới vào. Nhưng tôi nói: Con là con của mẹ, của Bác Hồ, vào đây làm nhiệm vụ giải phóng nhân dân nên không bỏ đi được. Bà Sàn khóc và nói: Nếu như thế các con cứ về đây đi. Sau 1 thời gian bà bảo, nếu cứ đi lại như thế này dễ bị lộ và bà cho đào hầm ngay nhà bà, rồi ngày đêm canh gác để đảm bảo an toàn cho lực lượng.
Có dân là có tất cả.