Tại sao việc trảm một quan chức nhỏ như Phó Trưởng công an phường lại có thể gây xôn xao không khác nào việc Tổng thống nước ngoài cách chức một Thủ tướng như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản: Việc “rất bình thường ở nước người” đó thực sự là "của hiếm" ở Việt Nam.
Thái độ của tướng Chung khiến nhiều người nghĩ đến vụ trảm tướng của Bộ trưởng Thăng ngay khi thị sát công trình nhà ga cảng hàng không Đà Nẵng.
Tướng Nguyễn Đức Chung.
Hiệu quả của vụ trảm tướng quyết đoán đó cao đến nỗi, dù ông Thăng chưa cần ra uy, thì ngay sau đó đã có 2 tổng giám đốc ngành giao thông tự nguyện đem chức vụ của mình đánh cược với Bộ trưởng: Nếu không hoàn thành tiến độ làm đường, họ chấp nhận mất chức.
Khi đi trên những chiếc cầu vượt, đường trên cao thông thoáng ở Hà Nội, không ít người đi đường sẽ nhớ tới ông Thăng.
Nhưng không chỉ đến thời Bộ trưởng Thăng và tướng Chung, thì mới xuất hiện những “tư lệnh” quyết liệt đến như vậy.
Ông Trương Đình Tuyển, khi rời ghế Bộ trưởng Thương mại về Nghệ An nắm chức Bí thư Tỉnh ủy, chỉ trong 3 năm, đã kịp “trảm” đến 9 Bí thư Huyện ủy quan liêu, năng lực kém. Sự thanh liêm, giản dị và quyết đoán ấy của ông Tuyển đã trở thành những giai thoại sống mãi trong lòng không chỉ người Nghệ An.
Một người Nghệ An khác, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu 4, cũng là một người quyết liệt đến độ không ngại va chạm nảy lửa ngay cả với thượng cấp.
Trong kỳ họp Quốc hội, tướng Thước đã nói những lời gần như không ai dám nói với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười.
Khi ông Đỗ Mười than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có Bộ trưởng không nghe”, tướng Thước đã đứng lên: “Kính thưa anh Mười, tôi làm tư lệnh quân khu, tôi nói mà các sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư trưởng, thì tôi sẽ xin từ chức. Anh nên cách chức Bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được, thì anh nên từ chức”.
Ông Thước đã “không gặp vấn đề gì” vì những lời nói khó nghe ấy đã được ông Đỗ Mười lắng nghe trọn vẹn và vì những lời nói ấy xuất phát một cách chí công vô tư từ gan ruột chứ không vì mưu cầu lợi ích cá nhân. Sự quyết liệt và tấm lòng của tướng Thước cũng đã giúp ông trở thành một đại biểu Quốc hội được nhân dân và báo chí kính phục.
Tướng Chung cũng đã bắt đầu ghi điểm theo cách ấy. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói về một biểu tượng.
Không một biểu tượng nào được tạo dựng chỉ bằng vài hành động lẻ tẻ.
Vì vậy, cái được đón chờ nhiều nhất sẽ là những hành động nhất quán trong “thì tương lai” của tướng Chung.
LTS: Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!