Các thông tin về vấn đề một số thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như những thông tin trên nhiều diễn đàn bày cách trốn nghĩa vụ quân sự đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sau ý kiến tâm huyết của thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ - người từng bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh ngày 30/4/ 1975 về vấn đề này.
Trung tướng, AHLLVTND Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh quân khu I
"Nghe những thông tin như thế này, tôi rất đau lòng"
Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: “Nếu quả thực có nhiều thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự thì đáng báo động, một điều rất bất bình thường. Thời của chúng tôi khác, thời nay khác.
Ngày nay những điều kiện về sức khoẻ, vật chất, tinh thần hơn ngày trước rất nhiều nhưng ý chí thì không thể bằng được. Con em của chúng ta ngày nay đang có xu hướng hưởng thụ.
Khi nói đến người lính là nhắc đến môi trường rèn luyện khắc nghiệt, 'quân lệnh như sơn', giờ nào việc ấy, cuộc sống gò bó khiến cho một số thanh niên quen hưởng thụ sợ hãi. Những thanh niên quen hưởng thụ sẽ nghĩ rằng việc này là việc của nhiều người, không có họ cũng chẳng sao, chẳng dại gì mà phải vào môi trường như thế.
Suy nghĩ này xuất phát từ việc giáo dục về tình yêu đất nước, nghĩa vụ với quốc gia không đến nơi, đến chốn. Họ thờ ở với những công sức, xương máu của ông cha ta đã hy sinh để có cuộc sống yên bình như hôm nay”.
“Trong việc này, có trách nhiệm từ những bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và cả của những lớp người đi trước như chúng tôi. Nếu nhiều thanh niên tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự thì khi không may đất nước có hoạ xâm lăng, sẽ khó giữ được đất nước.
Quả thực khi nghe những thông tin như thế này, tôi rất đau lòng. Tình trạng này phải được ngăn chặn để tránh trở thành trào lưu làm cho “méo mó” cả một thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc.
Vào bộ đội trong thời bình thì chỉ có gian khổ mà đã không chịu được thì khi có chiến tranh, ai dám chắc những thanh niên đó sẽ không bỏ tổ quốc ra đi”, tướng Thệ nói.
Ảnh tư liệu
Liên hệ việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự với việc không thích học lịch sử, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng chính hậu quả sâu xa của việc học sinh không thích học sử, học lịch sử kém sẽ dẫn đến tình trạng giới trẻ không biết được truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, không biết được sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cho đất nước hoà bình như ngày nay.
Và đó cũng chính là lý do tại sao có một số thanh niên ngoài sự ích kỷ còn rất thiếu hiểu biết nên mới tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta phải biết sử ta”. Một người không biết lịch sử của nước mình thì sẽ không bao giờ trân trọng công lao của những người đi trước và không biết giữ gìn những thành quả lịch sử để lại.
Nhớ về một thời hào hùng của dân tộc, tướng Thệ tâm sự: “Thời của tôi hầu hết mọi người đều tìm cách lên đường ra trận chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Phong trào thanh niên nô nức lên đường, nếu không được đi đợt này thì cảm thấy thất vọng và sẽ quyết tâm tìm mọi cách để đi đợt sau.
Các phong trào viết tâm thư bằng máu là có thật chứ không phải là một sự việc được thêu dệt để cho nghe cho oai. Tuy nhiên, những sự thật như vậy lại chưa đi được vào lòng của thế hệ trẻ bây giờ.
Còn khi ở chiến trường, trong lúc ác liệt cũng có người đào ngũ. Hành động đó bị coi như tội phản quốc và những người đào ngũ sẽ bị khinh rẻ đến mức không dám về quê.
Nếu ở quê, gia đình nào có con đào ngũ sẽ không dám ngẩng mặt lên nhìn hàng xóm và gia đình đó sẽ phải ra khỏi hợp tác xã. Người đào ngũ sẽ không chỉ làm nhục mình mà còn nhục cả gia đình, cả dòng họ”.
"Tôi tin thanh niên ngày nay cũng sẽ làm được những điều như các thế hệ cha anh"
Dù bày tỏ sự đau lòng khi tiếp nhận những thông tin về việc một số thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng Trung tướng Phạm Xuân Thệ vẫn thể hiện sự tin tưởng:
“Tôi vẫn tin rằng nếu không may đất nước có hoạ xâm lăng thì thanh niên ngày nay cũng sẽ làm được những điều như các thế hệ cha anh đi trước làm được bởi hào khí dân tộc, truyền thống dân tộc đã ngấm vào máu của mỗi người Việt Nam.
Có thể khi đất nước hoà bình thì một số thanh niên nhìn nhận vấn đề chưa được đúng nhưng khi đất nước có hoạ xâm lăng, động chạm đến quyền lợi và mạng sống thì các thanh niên sẽ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Tôi cũng tin và mong rằng những thanh niên bây giờ đang có suy nghĩ thoái thác nghĩa vụ quân sự khi được truyền hào khí dân tộc thì họ cũng sẽ đi theo tiếng gọi của tổ quốc”.
“Khi đất nước không may có hoạ xâm lăng thì không chỉ thế hệ trẻ mà những người như chúng tôi cũng sẽ tham gia công việc bởi đó là lương tâm và trách nhiệm. Trong thời kỳ chống Mỹ, đã có không ít chiến công được lập nên bởi các cụ già.
Bác Hồ đã nói rồi: 'Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh'. Mọi người đều phải có trách nhiệm với Tổ quốc, già làm việc già, trẻ làm việc trẻ.
Chúng tôi tuy đã về hưu nhưng trong các bài tham luận hay ở hội thảo, tôi vẫn thường nói rằng: dù là được nghỉ hưu theo luật, theo tuổi nhưng khi đất nước cần, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ đất nước, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc”, tướng Thệ khẳng định.
LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: [email protected] hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!