Tướng 89 tuổi “đòi” ra Trường Sa cùng 3 vị khách đặc biệt

B.H |

Sau khi từ Trường Sa về ít ngày, ông phải nhập viện một tuần. Nhưng ông khẳng định sẵn sàng trở lại quần đảo tiền tiêu bất cứ lúc nào nếu “quân đội cần”.

Vị tướng đó chính là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4.

Tiếp chúng tôi khi vừa ở viện về mấy ngày, ông bảo: “Mình có ảnh thực địa ở Trường Sa trong chuyến đi vừa rồi, nhưng giờ vẫn thấy mệt nên chưa tìm cho các cậu được.

Hôm rồi, cũng có cậu phóng viên đến, thấy mình ốm, không dám phỏng vấn, mình phải bảo: Cứ hỏi về chủ quyền biển đảo thì mình lại như có thuốc bổ, nói say sưa cả buổi. Lạ thế đấy!”.

Để có chuyến đi Trường Sa ở tuổi cận kề 90, tướng Thước đã chính thức có lời đề nghị với Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

“Tôi nói với anh Thanh: Hơn hai chục năm trước, sau khi xảy ra vụ Trung Quốc chiếm Gạc Ma, nhận chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê, tôi cùng tướng Nguyễn Chơn – Phó Tổng tham mưu trưởng – đã ra khảo sát toàn bộ các đảo ở Trường Sa.

Sau đó, về báo cáo Bộ trưởng để hoạch định lại chiến lược phòng thủ.

Bây giờ, mặc dù đã nghỉ hưu lâu, nhưng anh cho tôi ra lại một lần nữa để xem lại và về sẽ tiếp tục có những báo cáo, đóng góp cho các anh”, tướng Thước cho hay.

Trước lời đề nghị của tướng Thước, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đồng ý về chuyến đi, nhưng lại không đồng ý về... phương tiện.

Tướng Thước muốn được đi tàu Hải Quân để đến nhiều đảo hơn, khảo sát dài ngày hơn, nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ chuẩn y cho ông đi… trực thăng để đảm bảo sức khỏe.

Ông sợ sóng to gió lớn có thể làm khó vị tướng cao tuổi. Những người trẻ khỏe cũng còn vật vã mật xanh mật vàng trước sự "đỏng đảnh" của Biển Đông.

Ít ngày sau, tướng Thước bước lên trực thăng, đi khảo sát Trường Sa cùng ba vị khách đặc biệt.

Đó là ông Phan Diễn, 78 tuổi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, 76 tuổi, nguyên Ủy viên BCT, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Nguyễn Đức Soát, 69 tuổi, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng.

“Sau hơn hai mươi năm, Trường Sa hoàn toàn khác. Bây giờ khắp đảo đều là màu xanh, còn trước đây chỉ có vài cây phong ba và bàng vuông trơ trọi.

Bộ đội ngày trước, nhiều buổi phải nằm dưới gầm giường tránh nóng, bây giờ thì ở trong nhà mát rượi.

Khi ấy, ban ngày chúng tôi làm việc trên đảo, ban đêm phải về tàu, vì đảo làm gì có chỗ ngủ.

Còn hôm nay, đảo có chùa, có sư, có nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm liệt sĩ, có các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại”, tướng Thước nói.

Chuyến đi để lại cho 3 vị khách và vị tướng già nhiều ấn tượng, nhưng ông Thước nhớ nhất buổi làm việc với đảo trưởng.

Bằng giọng nói chắc nịch, vị đảo trưởng hứa với các thủ trưởng và những vị khách đặc biệt là: “Thủ trưởng và các bác hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi luôn sẵn sàng với phương châm: Còn người thì kiên quyết còn đảo”.

Nghe thế, tướng Thước nhắc ngay: “Nói như vậy là được chứ chưa đủ. Phải bằng mọi giá còn người, giữ vững trận địa và giữ vững đảo".

Khi được hỏi, ông có an tâm về thế trận phòng thủ ở Trường Sa, tướng Thước nói:

“Anh em ngoài đảo thì quyết tâm sắt đá lắm, nhưng như tôi đã phát biểu nhiều lần: Để giữ vững được tiền đồn Tổ quốc, nếu chỉ có những người lính trên đảo, thì sẽ không làm nổi.

Phải là 96 triệu người Việt cùng chung sức, chung lòng, chung sức mạnh giữ đảo.

Mấy chục năm trước, chúng ta ăn bo bo, mặc quần đùi, nhưng vì chung sức chung lòng, vẫn tạo nên nguồn lực khổng lồ để đánh Mỹ.

Hôm nay, thế và lực có nhiều điều khác thời chống Mỹ, nhưng phương châm xuyên suốt thì vẫn không thay đổi: Giữ toàn vẹn lãnh thổ cần cương quyết, nhưng phải khôn khéo, không bị khiêu khích".

Trước khi quay vào phòng chăm sóc người vợ nằm một chỗ vì tai biến 10 năm nay - vị cựu ĐBQH được xếp thứ nhất trong danh sách những vị đại biểu quyết liệt, hiệu quả trên nghị trường "nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc" - khẳng định:

"Nếu lúc nào Trường Sa cần, Biển Đông cần, quân đội và nhân dân cần, tôi sẵn sàng đi tàu biển ra Trường Sa nhiều ngày để làm nhiệm vụ. Thần kinh tôi vững lắm, chả sóng gió nào đánh gục".

Nguyên GĐ Bảo tàng Lịch sử quân sự VN
Thiếu tướng Lê Mã Lương
"Tướng Lý Thường Kiệt khi xưa 75 tuổi còn lên mình ngựa ra trận thì tuổi 63 của tôi đã ăn nhằm gì. Nếu có hoạ xâm lăng, tôi sẵn sàng tham gia chiến đấu và đó là chuyện bình thường. Tôi cũng tin rằng sẽ có hàng trăm tướng lĩnh như tôi sẵn sàng lên đường ra trận. Vì luật mà chúng tôi nghỉ thôi chứ tâm và sức chúng tôi chưa nghỉ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại