Cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Tác giả của cuốn sách - giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey - đã dành nhiều năm dày công nghiên cứu và trò chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để có được những tư liệu quý giá, chân thực nhất về ông. Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá!
"Ông Cửu Nghiêm dạy con từ lúc lên 4, lên 5 đọc chữ Nho, thứ chữ phiên âm tiếng Việt bằng chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức trước khi người Pháp tới. Tuổi nhỏ nhưng Giáp rất thích học. Cha ông khuyến khích cổ vũ ông bằng cách để bên cạnh một lọ thủy tinh đựng đầy các thứ kẹo mà trẻ con thích. Mỗi khi học có kết quả tốt, lại được ông lấy kẹo để trong lọ đặt gần đó để thưởng. Cuốn sách đầu tiên bằng mẫu tự la-tinh là cuốn ấu học tập thư, có nhiều ảnh minh họa gợi lại chủ nghĩa yêu nước trong quá khứ của người dân Việt. Cuốn sách được vua Duy Tân cho phép ấn hành gần đây. Chính nhà vua sau này ngầm kêu gọi binh lính phản đối việc đưa đi Pháp tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng như chống lại sự đô hộ của người Pháp ở Việt Nam nên ông bị Paris truất ngôi và đưa đi biệt xứ ở đảo Réunion.
Giáp nhớ lại ảnh hưởng của cuốn sách đó đối với thời thơ ấu của ông: “Tôi đã khám phá ra các bậc cha ông đã anh dũng hy sinh rửa nhục cho đất nước”. Ông được biết đất nước đã bị cắt làm ba miền với chế độ cai trị khác nhau nhưng tất cả đều đặt sự thống trị thực dân và như César đã viết: “Tổ tiên của chúng ta không phải là người Gaulois”".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cũng như bọn trẻ tinh nghịch trong làng, Giáp lúc bé cũng ham chơi, đi chân đất chạy khắp làng để đánh đáo, đánh bi, chơi quay, đánh lộn nhau, đi theo đàn ngỗng, đàn vịt rồi lấy sỏi ném vào chúng cho chúng chạy tán loạn rồi reo ầm lên và cười ngặt nghẽo…
Những đứa trẻ lớn hơn thì thi nhau đá cầu. Chúng dùng chân, cả ngón lẫn gót và mắt cá chuyền cho nhau quả cầu làm bằng đồng xèng buộc vài túm lông hay túm dây, ai không đỡ kịp hoặc đá trượt để cầu rơi xuống đất là thua cuộc. Chúng còn tổ chức thi đấu bóng đá với số lượng người chơi không hạn chế, càng đông càng vui, luật chơi đơn giản, quả bóng chỉ là quả bưởi xanh, to, bọc ngoài bằng những mụn vải hay manh áo rách.
Mỗi tuổi mỗi lớn chúng tham gia công việc đồng áng với cha mẹ, anh chị lớn trong gia đình. Giáp cũng vậy, cậu đi chăn vịt ngoài ruộng, cưỡi trâu gặm cỏ quanh gốc đa, đến mùa gặt thì đập lúa, hát “hò giã gạo” để giữ nhịp đập cho đều.
Từ lúc lên 5 đến khi lên 8, Giáp đi học ở trường làng ở An Xá. Tuy đã già những mỗi khi nhắc lại những ngày đầu đến trường, ông hạ giọng nhẹ nhàng nói: “Đó là lần đầu tiên xa mẹ, cả hai mẹ con đều khóc”.
Quần áo mặc đi học là chiếc áo dài, dài quá đầu gối, mùa nóng là màu trắng, còn thu đông là áo thâm, bên trong áo dài là chiếc quần trắng chỉ dài đến mắt cá chân quanh năm xuân hạ thu đông đều màu trắng, đi giày đen, đầu quấn khăn đen.
Buổi sáng lớp học bắt đầu từ 7h30 và tan học lúc 11h30 để đến chiều lại học từ 2h30 đến 5h. Buổi trưa Giáp trở về nhà ăn cơm với gia đình và mặc dù còn bé cũng làm một giấc ngủ trưa trước khi đi học buổi chiều. Hôm nào không thuộc bài, thầy giáo lấy roi bằng thanh tre dài và mỏng lúc nào cũng lăm lăm trên tay quật vào đít, vào lưng hoặc bàn tay úp sấp của học trò. Lớn hơn một chút, sau giờ học, Giáp cũng chơi nhiều hơn với bọn trẻ trong làng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có tuổi thơ như thế!