Liên quan đến thông tin về hai phụ nữ tung tin đồn thất thiệt về dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường – Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho hay: “Ban đầu, nghe có dịch Ebola ở Hà nội, tôi rất bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện tin đồn về dịch Ebola, chúng tôi đã cho xác minh và biết đó là thông tin thất thiệt. Từ cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị vào cuộc".
"Những thông tin thất thiệt đó đã làm hoang mang dân chúng, gây mất trật tự trị an. Hành vi tung tin thất thiệt đó cần được chấn chỉnh, răn đe và xử lý theo pháp luật”, vị Chánh Văn phòng Bộ Y tế này khẳng định.
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Nếu như quá trình điều tra xác minh được rằng bản thân hai cô gái kia khi phát tán cũng không xác định được thông tin đó là không đúng sự thật, và mục đích phát tán trên mạng cũng chỉ là để cảnh báo những người khác biết và đề phòng, hậu quả cụ thể cũng chưa xảy ra thì không nên, và cũng chưa đủ căn cứ để khởi tố, xử lý về hình sự. Trong trường hợp này, có thể nhắc nhở, áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Còn trong trường hợp xác minh đủ cơ sở kết luận họ cố tình đưa thông tin sai sự thật nhằm mục đích gây sự hoang mang trong xã hội nhằm mục đích để trục lợi về kinh tế, gây ảnh hưởng xấu cho cá nhân, tổ chức khác, hay có động có mục đích khác, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng ... thì tùy trường hợp cụ thể có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. Ví dụ như tội Sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính...”.
Khi được hỏi về việc đối tượng tung tin đồn rằng bệnh viện đã ém tin, không công bố tin, Luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng: “Đối với trường hợp tung tin đồn không đúng sự thật về việc bệnh viện đã “ém tin”, không công bố thông tin làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của tổ chức, nếu tổ chức đó có đơn đề nghị xử lý thì các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý.
Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự theo tội danh “Vu khống” được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, nếu tổ chức có chứng cứ chứng minh việc tung tin đồn sai sự thật đã gây thiệt hại về uy tín, vật chất cho họ thì có thể yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
Luật sư Cường khẳng định: “Đối với việc hai cô gái đưa tin không đúng sự thật về dịch Ebola tại Việt Nam gây hoang mang dư luận, về hướng xử lý cần phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, sau khi xem xét, đánh giá hành vi, ý thức chủ quan, hậu quả xảy ra ... thì mới có thể quyết định được. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học đối với toàn xã hội, mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với các thông tin mà mình đưa ra”.
Liên quan đến sự việc này, trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã triệu tập 2 đối tượng gồm Vũ Hương Thảo (23 tuổi, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nghiêm Thùy Trang (30 tuổi, trú tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tại cơ quan điều tra, hai người này đã thừa nhận những thông tin do mình đưa lên mạng về dịch Ebolo là sai sự thật và việc làm đó hoàn toàn sai, gây hoang mang dư luận.
Và chính một lãnh đạo trong ngành công an cũng đã nhận định đây là sự việc nguy hại đến an ninh trật tự quốc gia, khiến dư luận xôn xao. Việc các đối tượng nêu đích danh tên Bệnh viện Bạch Mai và cho rằng thông tin đang được bệnh viện ‘ém’ để làm bằng chứng sống… không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành y tế của nước ta và toàn thế giới nói chung.
Xem thêm clip Cảnh tượng bên trong bệnh viện giữa đại dịch Ebola
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA