Những trường hợp "đột biến" trong tính cách
Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ sau vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước nhưng dư âm của vụ án khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ), Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai ông Mỹ), Dư Thị Tố Như (18 tuổi), Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cả hai là cháu bà Nga) là các nạn nhân của vụ án.
Duy nhất chỉ có bé Na 18 tháng tuổi (con út vợ chồng ông Mỹ) còn sống sót.
Sau khi gây án vài ngày, hai đối tượng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (22 tuổi, quê Bình Phước) bị bắt.
Dương và Tiến thừa nhận hành vi giết người, cướp tài sản, động cơ do Dương mâu thuẫn tình cảm với Lê Thị Ánh Linh.
Xuất phát từ động cơ gây án của Dương là vì “tình”, nhiều người giật mình đặt ra câu hỏi, làm thế nào để tránh yêu nhầm "sát thủ"?
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa xếp các loại tội phạm làm 2 dạng:
Một dạng thuộc về tính cách của đối tượng mà có thể nhận biết được qua ứng xử của họ trong giao tiếp.
Một dạng khác là những người rất bình thường nhưng đột xuất có hành vi hung hãn nên không thể nhận biết được. Nguyễn Hải Dương chưa có tiền án, tiền sự nên được chuyên gia Trung Hòa xếp vào dạng thứ 2.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa.
Ông phân tích, không phải trường hợp nào cũng nhận biết được những kẻ tội phạm ấy. Tội giết người, trộm cắp, hiếp dâm... vẫn có thể rơi vào những người xưa nay chưa bao giờ có hành động như thế, nên rất khó đề phòng.
Với những kẻ có tiền án, tiền sự hay những người trong cuộc sống thường xuyên biểu hiện các hành vi thô bạo sẽ dễ cảnh giác hơn.
"Trong tâm lý học tội phạm cũng có 2 dạng tội phạm như thế.
Ngay cả trong lĩnh vực ngoại tình, có những người tính trăng hoa, cứ gặp ai cũng tán tỉnh. Nhưng có những người đứng đắn, nghiêm túc trong tình yêu, tới một lúc nào đó họ lại ngoại tình làm cho chính người bạn đời của mình bị sốc nặng.
Có nhiều sinh viên tôi dạy, xưa nay ngoan ngoãn nhưng tự nhiên có một hành vi xấu. Điều đó không ai biết trước được, ngay cả cha mẹ cũng ngạc nhiên vì chuyện này.
Trường hợp như thế được gọi là đột biến trong tính cách con người”, ông Hòa phân tích.
Vị này nhấn mạnh, chúng ta chỉ có thể nhận biết được dạng thứ nhất như đã nói ở trên.
Đồng thời, chuyên gia cũng đưa ra quan điểm của mình trong việc tìm hiểu người bạn đời của mình để tránh tới mức tối đa hiện tượng “yêu nhầm”:
“Yêu một ai thì nên biết quan hệ của họ với những người thân, hàng xóm...
Cũng có thể quan sát và đoán biết tính cách của người này qua cách họ ứng xử với những người xa lạ, với con vật, họ có thể nổi nóng trong bất cứ trường hợp nào.
Người như thế biểu hiện tính hung hãn tiềm ẩn trong con người họ.
Tôi nhấn mạnh, yêu một ai thì nên quan sát tất cả những quan hệ của người đó”.
Quay trở lại câu chuyện của Nguyễn Hải Dương vì hận tình nên mới gây ra vụ thảm án kinh hoàng này, ông Hòa cho rằng, có một điều chúng ta cần lưu tâm hơn việc nhận biết những kẻ máu lạnh trước khi yêu.
Đó là “nghệ thuật” ngăn cấm tình yêu của những người làm bố, làm mẹ và “nghệ thuật” chia tay để tránh kích thích lòng thù hận của đối phương.
Bởi lẽ khi yêu, con người ta thường “quáng gà”. Theo đó, khi bố mẹ ngăn cấm con mình yêu một người nào đó thường phải có lý do chính đáng.
“Nếu là 1 mối tình đẹp của con mà cha mẹ ngăn cấm thì cha mẹ vô lý.
Cha mẹ muốn ngăn cấm thì phải ngồi nói chuyện với con và đưa ra lý do thuyết phục với người con”, ông Hòa nói thêm.
Khó để nhận biết!
Với chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, để nhận biết được hung thủ trước khi yêu là điều rất khó.
“Chuyện tình cảm là do trái tim mách bảo. Chúng ta phải biết từ chối những gì mình không rung động mà chỉ là những sự đụng chạm thể xác.
Kẻ thủ ác rất khôn ngoan, nó nhắm trước đống tài sản kếch xù rồi nên sẵn sàng giăng thiên la địa võng”, ông Bình cho hay.
Cùng bàn về lĩnh vực này, Tiến sỹ Tâm lý học Chu Văn Đức (hiện đang công tác tại trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng:
Con người chỉ có thể phán đoán được hung thủ chứ không nhận biết được qua những phương pháp quan sát, trò chuyện, tìm hiểu... . Bên cạnh đó, cũng không có phương pháp nào chính xác vì nó rất phức tạp.
Cùng một hiện tượng có thể có nhiều biểu hiện khác nhau và ngay cả chuyên gia cũng khó nhận biết được chứ chưa nói gì tới người bình thường.
“Con người trở thành người phạm tội khi những yếu tố khuyến khích tâm lý phạm tội mạnh hơn những yếu tố khuyến khích xu hướng cản trở.
Yếu tố nào khuyến khích, yếu tố nào cản trở thì rất khó xác định nên lý thuyết đó chỉ vận dụng khi con người ta phạm tội rồi.
Hiện nay, những người sinh ra về mặt bẩm sinh có khả năng phạm tội cao hơn người khác. Còn có phạm tội hay không lại là chuyện khác vì không phải ai cũng phạm tội.
Ví dụ, có những người hung hăng, hiếu thắng nhưng cũng có có những người nhu mì”, TS. Đức chia sẻ.
2 nghi can Hải Dương và Vũ Văn Tiến.
TS. Đức cũng đặt ra câu hỏi: Nguyễn Đức Nghĩa có phạm tội không nếu anh ta không thiếu tiền, Lê Văn Luyện có giết người cướp của không nếu anh ta đủ tiền tiêu?
Hải Dương nếu không bị thất tình hoặc được giáo dục khác đi, biết tôn trọng người khác, biết cảm ơn người đối xử tốt với mình và hiểu rằng chia tay là quyền của mỗi người... liệu anh ta có “máu lạnh” như thế?
“Nó có nhiều vấn đề nên chúng ta không thể kết luận một tình huống nào, nguyên nhân nào mà phải nghiên cứu, phân tích.
Có thể những hành vi ấy liên quan tới một dấu ấn nào đó từ thời thơ ấu của Nguyễn Hải Dương. Khi anh ta chưa xấu, chưa thể hiện gì thì chúng ta chỉ có thể đoán và quyền phán đoán là của mỗi người.
Nhiều bố mẹ còn bất ngờ khi con mình bỏ học, hút thuốc, chơi bời...”, TS. Đức phân tích.
Được biết, hiện tại, vụ thảm sát đang trong giai đoạn tố tụng. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Dương và Tiến.