Từ vụ Hào Anh: “Đừng cho con cá, hãy cho chiếc cần câu”

H.Mai (Tổng hợp) |

18 tuổi, Hào Anh đang ở trước ngưỡng cửa cuộc đời - từ một cậu bé bước vào thế giới của những con người trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về chính bản thân mình.

Trong một loạt vụ việc gây chấn động dư luận thời gian gần đây, báo giới trong nước vẫn dành sự quan tâm cho nhân vật Hào Anh (còn gọi Nguyễn Hoàng Anh) từng bị chủ trại tôm bạo hành dã man vốn đã làm xôn xao dư luận trước đó. “Hào Anh đã tiêu hết 50 triệu tiền đi chữa bệnh”; “Nhiều người lo Hào Anh sẽ phải bán nhà vì ăn chơi”; “Hào Anh tiêu hết 50 triệu đồng trong 4 ngày”… - Đó là những dòng title người đọc dễ dàng nhận thấy trên các trang tin điện tử.

Mong manh chữ tín

Năm 2010, dường như cả xã hội không thể ngồi yên khi chứng kiến những hình ảnh bé Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) ngược đãi, bạo hành dã man. Hào Anh từng phải sống những ngày tháng như địa ngục trần gian khi bị chủ bắt ép uống nước tiểu, dùng búa đập vào đầu gối và dùng kìm kẹp sứt môi, gây đau đớn và thương tích nghiêm trọng.

Xót thương Hào Anh, các nhà hảo tâm đã quyên góp được số tiền gần 800 triệu đồng, những mong em có chút vốn để gây dựng cuộc đời khi đã đủ 18 tuổi. Dư luận hẳn đã từng rất ấm lòng khi được nghe cậu bé khốn khổ trải lòng về những mơ ước của mình trên tờ Đời sống & Pháp luật: “Nếu lấy tiền xong thì em sẽ mua một căn nhà vừa ở lại có thể làm cửa hàng mộc. Phát triển kinh tế để gia đình đỡ khổ hơn trước...”.

Thế nhưng không lâu sau đó, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi có thông tin Hào Anh đuổi cha mẹ ra đường khi có nhà mới. Công an TP Cà Mau đã lập hồ sơ xử lý hành vi ngược đãi cha mẹ của Hào Anh.

Theo đó, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 30/8/2014, sau khi đi chơi cả ngày về nhà, Hào Anh xin tiền mẹ ruột là bà Phạm Thị Thoa (sinh năm 1972) để đi chơi tiếp. Do lúc sáng bà Thoa đã đưa Hào Anh 120.000 đồng nên không đồng ý đưa thêm nữa. Sau khi bị từ chối, Hào Anh dùng chân đá bể hai cây quạt bàn, dùng những lời lẽ xúc phạm bà Thoa và ông Nguyễn Xuân Hùng (cha dượng của Hào Anh), đồng thời đuổi hai người ra khỏi nhà. Cũng theo lời kể của bà Thoa thì từ ngày có nhà mới (đứng tên Hào Anh, được làm từ số tiền các nhà hảo tâm trao tặng), Hào Anh liên tục đổi xe máy, điện thoại, mua máy tính bảng… Em cũng có bạn gái và lén lút rút toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm của mình cho gia đình bạn gái mượn. Khi mẹ Hào Anh phát hiện, gặng hỏi và khuyên Hào Anh nên chí thú làm ăn, không nên sa đà chuyện tình cảm sớm thì Hào Anh không nghe, tỏ thái độ giận dữ.

Thông tin trên tờ Người đưa tin cho hay, những ngày gần đây, sau khi nhận lại 50 triệu đồng từ gia đình bạn gái, Hào Anh lại mua xe tay ga mới, tiêu xài hoang phí, tụ tập bạn bè rồi về xin tiền mẹ. Trang tin này dẫn lời bà Thoa, mẹ Hào Anh: “Sau khi nhận 50 triệu đồng từ gia đình người yêu cũ, con đưa 5 triệu cho tôi nhờ trả nợ mua máy tính bảng. 45 triệu còn lại Hào Anh mua điện thoại, xe tay ga xịn rồi giao du với bạn bè toàn thanh niên xăm đầy người”.

Hào Anh ở trong ngôi nhà mới cùng mẹ, cha dượng và 2 em. (Ảnh: Zing)

Đừng cho con cá, hãy cho… chiếc cần câu!

Trang mạng Saoonline dẫn nguồn từ một người dùng facebook có tên là Phan Anh bày tỏ những dòng cảm xúc của mình trước vụ việc của bé Kim Ngân và Hào Anh. Người dùng mạng xã hội này băn khoăn, liệu xã hội chúng ta đang có quá nhiều những “Kẻ tốt… vô tâm”? Anh viết:

“Đầu tiên, tôi muốn nói rằng việc gom góp ủng hộ những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội là một việc nên làm. Nhưng liệu cách làm của chúng ta đã luôn đúng? Và, những hành động thiện tâm của chúng ta liệu có luôn mang tới một kết quả tốt đẹp? Từ câu chuyện của Hào Anh và câu chuyện của bé Kim Ngân mới đây, tôi cho rằng câu trả lời là “không” và một phần lỗi trong câu chuyện này, nằm ở những kẻ tốt... vô tâm.

Khi chuyện về “những hành động hư hỏng, mất dạy” của Hào Anh bắt đầu tràn lan trên báo, anh bạn bác sĩ tâm lý của tôi nói rằng anh không hề ngạc nhiên. “Hành động hiện tại của Hào Anh là sản phẩm của chính những người đã giúp đỡ cậu bé. Họ cho rằng một đống tiền quyên góp của mình sẽ giúp cậu sống tốt hơn, điều đó phần nào đúng nhưng không đủ. Cái Hào Anh cần nhất là những sự trợ giúp về tâm lý, chứ không phải là tiền bạc.

Nói nôm na như ngành y mà tôi từng học, chúng ta chỉ mới “cắt ngọn” chứ không “trừ tận gốc” cho nên bệnh sẽ luôn tái phát mỗi khi có cơ hội. Ở trường hợp của Hào Anh, những sang chấn tâm lý mà em đã gặp phải cách đây 4 năm chỉ có thể được chữa tận gốc bằng những sự chỉ bảo và yêu thương, không phải bằng sự thương hại (dẫn đến chiều chuộng) và xoa dịu bằng một đống tiền. (Chưa kể sự chiều chuộng và số tiền lớn “bỗng nhiên” có được đó còn góp phần làm Hào Anh hư hỏng.)”

18 tuổi, Hào Anh đang ở trước ngưỡng cửa cuộc đời - từ một cậu bé bước vào thế giới của những con người trưởng thành, tự chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Sự cảm thông, xót xa của xã hội trước những hình ảnh thương tâm về cậu bé Hào Anh bị hành hạ hôm nào vẫn còn nguyên đó. Những vết thương da thịt rồi cũng sẽ lành lặn theo thời gian, nhưng những vết thương lòng, những tổn thương về mặt tinh thần mà Hào Anh phải chịu đựng và cả niềm hi vọng mong manh vào một mảnh đời bất hạnh biết rũ bùn đứng dậy - tất cả phụ thuộc vào cái gọi là giá trị nhân văn, cách cho và nhận trong xã hội chúng ta. Khi tiền bạc không thể bù đắp tất cả những mất mát của Hào Anh, có lẽ, nên đưa cho em một “chiếc cần câu” thay vì những con cá to đẹp lấp lánh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại