Phút kinh hoàng của những người thân trong gia đình
“Hùng đi vắng rồi, nó sang bên ngoại ở Cái Dăm (TP. Hạ Long – PV) với bố. Chiều muộn mới về”, tiếng bà Đán, bà nội của Hùng vang lên khi có tiếng người gọi tên Hùng kèm ngay sau đó là tiếng chó sủa dồn. Sau vụ tai nạn “bất khả kháng” ấy, rời khỏi nhà là Hùng đều được bố “kèm cặp”, đưa đi đón về.
Khi biết có người hỏi thăm về chuyện của cháu mình, bà Đán vồn vã: “Chuyện cũng chẳng có gì, cũng chỉ là một vụ nhảy cầu như bao vụ nhảy cầu khác ở đây mà chúng tôi biết tới. Nhưng có cái may mắn cho gia đình, cháu nó không bị sao. Giờ nó khỏe mạnh, tôi mừng lắm. Gia đình cũng không muốn nhắc lại những gì đã qua vì đó chỉ là chuyện đau lòng”.
Ở cái tuổi gần 80 nhưng nom bà Đán vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Chẳng thế mà, mọi bữa cơm trong gia đình đều có bàn tay của bà chăm bẵm. Anh Châu, chị Huệ (bố mẹ của Hùng) đi làm cả ngày, bữa cơm trưa thường chỉ có hai bà cháu. Bà chính là người gần gũi Hùng nhất nên việc chỉ tích tắc nữa phải “đầu bạc tiễn đầu xanh” luôn khiến bà day dứt.
“Bình thường, con trai tôi thường mua cho cháu rất nhiều bút để viết dần. Hôm đó, Hùng xin tôi mấy nghìn để đi mua bút. Bình thường nó đi đâu cũng chỉ một lát là về vì nó vốn là đứa “hiền như cục đất”, bảo gì làm nấy, tiền thừa mang trả bà, trả bác. Nó dắt xe đạp đi nhưng đi hơn một tiếng không thấy đâu, tôi sốt ruột đứng ngồi không yên. Trước đó nó chỉ gọi điện về báo: “xe cháu hỏng cháu về muộn!”. Một lúc sau thì có ai đó gọi điện tới báo: Hùng nhảy cầu rồi. Tôi nghe mà toàn thân bủn rủn, không biết họ đang đùa hay là nói thật. Tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần vẫn nhận được câu trả lời ấy”, bà Đán thở dài nghĩ về giây phút kinh hoàng đã qua.
“Lúc ấy, tôi chỉ kịp bảo con dâu ra xem thực hư thế nào thì đúng là nó nhảy cầu rồi. Mà có ai mắng chửi gì nó đâu, nó cũng không gây sự với ai. Tự nhiên nó thế đấy. Con dâu tôi cũng hốt hoảng báo cho bố mẹ cháu đang đi làm. Rồi tụi nó vào bệnh viện. Còn tôi ở nhà mà ruột gan nóng như lửa đốt”, bà Đán chia sẻ thêm.
Sau khi phát hiện Hùng nhảy cầu, những người làm nghề chài lưới ở đó đã vớt Hùng lên bờ rồi nhanh chóng gọi cấp cứu đưa Hùng vào bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
“Lúc ấy, dù xác định cả rồi vì tất cả những vụ nhảy cầu ở đây chẳng có ai sống sót nhưng tôi vẫn cầu Trời khấn Phật cho phép màu xảy ra với gia đình mình. Phép màu ấy đã tới khi cháu may mắn thoát nạn. Có lẽ đó cũng là cái phước của gia đình và cái mạng cháu lớn. Khi biết tin cô giáo chủ nhiệm cũng gọi điện tới hỏi xem có ai mắng mỏ gì cháu không mà cháu lại có những hành động dại dột như thế. Nhưng nó ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi như thế, ai nói gì cũng chỉ cười thì sao ai mắng nó được”, bà Đán vẫn tiếp tục câu chuyện trong dòng kí ức.
Sự trở về “ngoạn mục” của một tuổi trẻ bồng bột
Hơn 6h tối, Hùng mới trở về nhà cùng anh Châu. Nom nhìn Hùng, không ai nghĩ đó là cậu học sinh sắp bước sang lớp 8 và vừa trải qua cơn kinh hoàng của lần nhảy cầu bất thành để rồi bị tràn máu và tràn khí màng phổi trái và não bị tổn thương nặng nề như lời bác sĩ Hà Mạnh Hùng, phó khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cho biết.
Tôi hỏi gì, Hùng cũng chỉ cười và nhường mọi câu trả lời lại cho bố. Tính cách ấy của Hùng trái ngược hoàn toàn với đứa em trai năm nay mới lên 4 đang luôn miệng nói cười phía ngoài sân.
Xoa đầu con trai, anh Châu ân cần: “Sau khi đưa vào bệnh viện, các bác sỹ đã tiến hành đặt ống nội huyết quản, cho thở bằng máy với nồng độ oxy cao, truyền dịch kịp thời nhằm ổn định quá trình tuần hoàn và hô hấp cho cháu.
Các bước kiểm tra tiếp theo như chụp kiểm tra CT sọ não, chụp X - quang cột sống, chụp cắt lớp lồng ngực... cũng đã được thực hiện. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe của cháu đã dần ổn định và không nghiêm trọng đến tính mạng. Lúc ấy gia đình tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Và một tuần sau nữa, Hùng xuất viện”.
Rồi anh nói tiếp: “Sau đó, cháu cũng bị ảnh hưởng vùng hậu môn nên gia đình cũng phải mất một khoản tiền khá lớn để chạy chữa. Nhưng bây giờ, cô nhìn xem, cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Nội tạng không có vấn đề gì, trái gió trở trời cháu cũng không bị sao. Đó liệu có phải là sự kì diệu không?”.
Giải thích về nguyên nhân khiến con trai mình hôm đó có hành động “kì lạ” mà ngay bản thân Hùng cũng không lý giải được, anh Châu cười: “Đó có lẽ là sự bồng bột của tuổi trẻ. Hùng nhìn to cao thế này nhưng suy nghĩ còn trẻ con lắm. Có chuyện gì cháu cũng rất ít khi tâm sự với bố mẹ. Trong khi tôi cũng tạo mọi điều kiện để cháu bằng chúng bằng bạn và cũng cố gắng gần gũi, tâm sự với cháu để cháu cởi mở hơn. Nhưng theo tôi, chính vì cháu không có ý định nhảy cầu nhưng trong phút bồng bột lại phát sinh hành động ấy nên mới thoát chết một cách “ngoạn mục” như thế. Còn như nhiều trường hợp, họ chủ định hành động của mình nên mới…”, rồi anh lại nhìn con đầy trìu mến.
Tôi quay sang hỏi Hùng, em cũng lại chỉ cười như lúc tôi mới bước vào. Hùng chỉ lí nhí vài ba câu: Em học tốt môn toán và sau này thích làm những gì liên quan tới công nghệ thông tin. Rồi lại ngồi và thỉnh thoảng mỉm cười.
Anh Châu cũng cho tôi biết, sau hôm xảy ra tai nạn với Hùng, hiệu trưởng trường THCS Kim Đồng – nơi Hùng đang theo học, cũng gọi điện tới hỏi thăm. “Sự việc không may xảy ra với Hùng, có lẽ cũng là tiếng chuông về phương pháp giáo dục tâm sinh lý các em học sinh đang ở lứa tuổi trưởng thành”, anh Châu nói.
Cái điều kì diệu ấy, gia đình anh Châu không bao giờ lấy nó làm niềm tự hào. Bởi lẽ, tự hào gì khi nhà có người tự tử trong khi ở cây cầu Bãi Cháy đó đã có bao tiếng khóc chia ly cũng bởi hai chữ “tự tử”.
Sự việc xảy ra với Hùng khi kì thi học kì đang tới gần. Hùng đã từng khẳng định với bố mẹ: “Con không chắc thi được điểm xuất sắc nhưng để được lên lớp thì bố mẹ hoàn toàn yên tâm” khi đang nằm điều trị trên giường bệnh. Những câu nói trong sự tỉnh táo hoàn toàn khiến ai chứng kiến cũng rưng rưng trong sự mừng tủi. Chính những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột ấy, càng khiến bố mẹ Hùng tin vào sự may mắn đang mỉm cười với gia đình mình. Năm học 2012 – 2013 kết thúc, Hùng còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Điều cả gia đình anh Châu mong mỏi nhất bây giờ là hãy để mọi chuyện qua đi để Hùng được hòa đồng cùng tất cả bạn bè cùng trang lứa. Bởi từ sau khi sự việc xảy ra, Hùng trở về nhà không còn mang theo đau đớn, cả trong những cơn mộng mị hay kí ức của Hùng cũng không bao giờ tồn tại điều đó. Mọi người hỏi, Hùng chỉ cười và lắc đầu.
Bà Hoa, hàng xóm và cũng là thông gia của bà Đán khi thấy tôi dắt xe ra về, cũng vội kéo tôi sang một bên thì thầm: “Đúng là kì diệu thật đấy cháu. Ngày nghe tin nó bị thế, ai ở xóm này cũng bàng hoàng. Ai ngờ được một thằng “hiền như cục đất”, ngoan ngoãn, học giỏi như thằng Hùng mà lại có cái gan làm thế. Nhưng nó là trường hợp hi hữu nhất đấy. Chúng tôi ở đây, chúng tôi rõ nhất, có ai sống sót khi đã nhảy cầu đâu”.
Những đứa trẻ con ở xóm vẫn nghịch chơi ở khoảng sân ngay trước nhà Hùng. Dường như câu chuyện mang màu sắc “huyền thoại” mà Hùng lập nên không chạm vào được kí ức tuổi thơ của chúng. Vì những vụ tự tử ở đây, các em đã nghe nhiều nhưng cái chết lại nhiều hơn cả sự sống.
Và đâu đó, trong câu chuyện sự trở về “ngoạn mục” của Hùng còn được thêu dệt nên bởi yếu tố thần thánh…
Kì sau: “Giải oan” cho cầu Bãi Cháy