Dù chưa thể có lại cái không khí bầu cử sôi động như Quốc hội khóa 1 năm 1946, nhưng kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 năm nay cũng là một sự kiện đầy hào hứng khi có trên 100 người tự ứng cử trong toàn quốc.
Nhiều nhân sĩ, trí thức đã quyết định tự ứng cử chỉ ít ngày trước khi kết thúc thời hạn đăng ký, khi đã trút bỏ được sự e dè về sự được, mất.
Và quan trọng hơn, những ứng cử viên có một công cụ tuyệt vời để thực hiện việc tranh cử. Đó là facebook.
Ngay trước khi thời hạn đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 kết thúc, nhà báo Trần Đăng Tuấn thông báo trên trang facebook cá nhân về quyết định tự ứng cử của mình.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, quyết định ứng cử của ông Tuấn nhận được sự ủng hộ của hơn 20.000 người thông qua nút like của facebook.
Trước đó, nhà hoạt động xã hội kỳ cựu như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một cách đầy quyết liệt và tự tin đã công bố kế hoạch tranh cử qua facebook.
Từng bước đi trong quá trình hoàn thiện thủ tục của ông Quang A, được cập nhật hàng ngày, chắc chắn là một sự khích lệ không nhỏ đối với những mong muốn góp sức mình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng còn e dè bởi sự khó khăn trong việc tiếp cận các kênh vận động.
Sau ông Quang A, những nghệ sĩ như Công Vượng, Mai Khôi, Kim Tiến cũng xuất hiện trên facebook trong vai trò là ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội.
Người dân lần đầu tiên biết đến họ không chỉ bởi quá trình hoạt động biểu diễn, mà bởi các mục tiêu, chương trình hành động mà họ hứa hẹn sẽ làm vì dân, cho dân.
Với facebook, không chỉ những người nổi tiếng, những nhân vật của công chúng mới sẵn sàng và tự tin để ứng cử.
Mọi công dân, khi thấy mình có đủ điều kiện cùng với một chương trình hành động cụ thể đều dễ dàng tiếp cận với công chúng, tương tác với công chúng.
Nguyễn Đình Nam, một kỹ sư tin học trẻ tuổi công bố kế hoạch ứng cử cách đây hai tháng. Ban đầu, tuyên bố tự ứng cử của Nam giống như một thái độ quan tâm của một trí thức trẻ đối với những vấn đề của đất nước.
Quá trình tương tác với công chúng qua facebook khiến mục tiêu ứng cử của anh trở nên rõ ràng, và chi tiết hơn sau mỗi ngày, sau mỗi dòng comment.
Hơn 100 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đó là những con số mang đến cái nhìn lạc quan cho công chúng về một cuộc bầu cử sôi động và có chất lượng hơn.
Bản thân việc tình nguyện trở thành đại biểu Quốc hội của mỗi ứng cử viên đã là một sự cam kết đối với quốc dân đồng bào.
Là sự sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về những điều họ cam kết với nhân dân trong chương trình hành động mà họ công khai trên facebook của mình.
Những lời hứa có thể thành sự thật, có thể không. Song, điều trước tiên mà những ứng cử viên tự nguyện này mang lại, chắc chắn sẽ là một cú hích về nhận thức xã hội đối với hoạt động quan trọng này.
Trước những hồ sơ tự ứng cử, cử tri nhận ra quyền lực lá phiếu trong tay mình, sự lựa chọn của mỗi người dân sẽ quyết định khuôn mặt chính sách trong một nhiệm kỳ 5 năm trước mắt.
Với những ứng cử viên được giới thiệu bởi các cơ quan, tổ chức vốn được hỗ trợ từ quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký, đến các chương trình vận động tranh cử, họ chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan tổ chức, của đơn vị giới thiệu họ.
Còn với các ứng cử viên tự ứng cử, họ tự nguyện chọn làm đại diện cho một cộng đồng cụ thể, tự cam kết những hành động mà họ cho rằng đem lại lợi ích cho cộng đồng đó, tự giới thiệu và chịu trách nhiệm trước công chúng về những lời hứa của mình.
Tự ứng cử, vì thế là một hành động dũng cảm, và đầy trách nhiệm, thể hiện ý thức công dân với cộng đồng của mỗi ứng viên. Chính xuất phát điểm đó đã là một sự đảm bảo về chất lượng của đại biểu tương lai.
Trở lại với quyết định ứng cử của nhà báo Trần Đăng Tuấn, ông là một trong những người cuối cùng đăng ký ứng cử. Quyết định muộn mằn này cho thấy ông đã suy nghĩ rất kỹ càng trước khi vượt qua sự e ngại về cơ hội thành công.
Trong thông báo trên facebook về quyết định ứng cử của mình, ông Tuấn viết: “Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn.
Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiên thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ. Thiết nghĩ: Cơ hội bao giờ cũng có, quan trọng là thái độ của chúng ta với các cơ hội mà thôi.”
“Quan trọng là thái độ của chúng ta đối với cơ hội mà thôi!” – Điều đó đúng, không chỉ với quyết định của một ứng cử viên. Nó còn đúng với tất cả chúng ta, những cử tri sẽ quyết định bầu ai tháng 4 này.
Nếu chúng ta muốn có những người đại biểu xứng đáng, muốn có một quốc hội sáng suốt để quyết định những vấn đề quan trọng đối với vận mệnh của mình, chúng ta hãy thể hiện trách nhiệm của bản thân thông qua từng lá phiếu.
Thái độ của bạn như thế nào? Bạn hãy bày tỏ ngay từ bây giờ bằng việc nghiên cứu chương trình hành động của mỗi ứng cử viên.
Nếu như facebook đã tạo nên động lực ra ứng cử của các ứng cử viên, thì facebook cũng là một công cụ để bạn dễ dàng dõi theo từng hành động của họ trước khi đưa ra quyết định cho lá phiếu của mình.