Tử nạn trên đường phượt - Những ai sẽ khóc nếu ta không trở về?

Long Nguyễn |

Trước khi cơn say mạo hiểm đẩy chúng ta vào một hành động điên rồ và bất cẩn nào đó, hãy nghĩ đến những ai sẽ khóc nếu ta không trở về...

“Núi rừng, thác nước và bao la mây trời sẽ ôm trọn giấc ngủ dài các bạn. Nhưng nỗi đau đớn của những người đang sống thì vẫn còn đó, thổn thức mãi khôn nguôi.

Vết sẹo lại một lần nữa tấy đỏ, ước mơ chinh phục đất Mẹ vĩ đại của những người con trẻ tuổi đầy nhiệt huyết lại gặp phải sự cố đáng tiếc…”

Mong manh như sương khói

Lòng tôi như bị ai vò làm mấy nắm, đến rỉ máu, khi buộc phải để lại những dòng trĩu nặng dưới một thông báo buồn, về vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra hôm 7/11, tại huyện Y Tý, tỉnh Lào Cai.

Nạn nhân lần này tên Trần T. còn trẻ quá, mới 19 tuổi, là con trai độc nhất trong gia đình và cũng là sinh viên một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. Đau đớn hơn, đây là lần đầu tiên em được tham gia một đoàn đi “phượt” đúng nghĩa, gồm 25 thành viên và 13 xe máy.

Thế nhưng, những bánh lốp nặng nề vun vút lao đi trên cung đường đèo gồ ghề và cheo leo của xã Dền Sáng (Y Tý) đã không cho em bất cứ một cơ hội nào để viết tiếp những khát khao chinh phục.

Em nằm xuống khi các thành viên còn lại chỉ còn biết rụng rời chết lặng, nước mắt theo mưa tuôn trào như thác đổ. Và lại một cuộc hành trình sẽ chẳng bao giờ đến đích, nó dang dở như chính cuộc đời của những phượt thủ bị tử nạn dọc đường.


Chân dung Trần T. - nam sinh viên 19 tuổi vừa bị tử nạn tại Lào cai hôm 7/11 (ảnh FB cá nhân)

Chân dung Trần T. - nam sinh viên 19 tuổi vừa bị tử nạn tại Lào cai hôm 7/11 (ảnh FB cá nhân)

Tiếc thay, trường hợp tai nạn dẫn đến vong mạng như của Trần T. không phải là cá biệt trong cộng đồng phượt Việt, thậm chí, đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây bởi nhiều lý do.

Còn nhớ mới hồi giữa tháng 6, một vụ tai nạn xảy đến với hai phượt thủ trên tuyến đường 723 nối liền Nha Trang và Đà Lạt, đoạn thuộc xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã khiến 1 người tử vong.

Cách đây chưa lâu, cư dân phượt cũng bàng hoàng đau xót khi nghe tin vụ tai nạn trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn khiến bạn trai cầm lái tử nạn, còn bạn gái ngồi sau bị chấn thương sọ não nặng. Lúc xảy ra tai nạn, cả 2 đều mới 21 tuổi.

Hay chuyện một nữ sinh ở Phú Thọ, Đặng Thị Thu H., 21 tuổi, cũng gặp nạn ngay trong lần đầu đi phượt tại quốc lộ 6, đoạn Tân Lạc, gần đèo Thung Khe (Hòa Bình) do va chạm với xe tải. Bạn nam cầm lái, 19 tuổi, cũng bị chấn thương sọ não nặng.


Những vòng hoa trắng xót xa trên mộ thiếu nữ Đặng Thị Thu H.

Những vòng hoa trắng xót xa trên mộ thiếu nữ Đặng Thị Thu H.

Những câu chuyện đớn lòng này như một nhát cắt, xé toang vết sẹo tưởng chừng đã kéo da non vẫn âm ỉ nhói buốt trong giới mê phượt: Tai nạn trong mỗi chuyến đi, nơi con người thật nhỏ bé và sinh mạng cũng thật mong manh như sương khói.

Sau mỗi vụ việc đáng tiếc, nhiều lời cảnh báo lại được đưa ra nhưng dường như mọi việc ít thay đổi, con người dường như vẫn quá bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ bao la.

"Đi không phải để đến, đi để trở về"

Phượt ám chỉ kiểu du lịch tự túc, du lịch “bụi”. Trong đó điểm đến yêu thích của những phượt thủ thường là những nơi hang cùng ngõ hẻm, những nơi cảnh đẹp còn hoang sơ để tạo nên được những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ nhất.

Góp công lớn nhất truyền bá phượt phải kể đến box Du lịch của diễn đàn Trái tim Việt Nam. Ngay từ những năm 2000, box này đã có rất nhiều bài viết hay, hình ảnh đẹp của chính những người đã trực tiếp đi phượt làm nức lòng giới trẻ.

Sau đó, lần lượt những diễn đàn có nội dung tương tự như phuot.com, taybacgroup.com.vn, các hội nhóm trên facebook... lần lượt ra đời như một tất yếu trong sự phát triển mạnh mẽ của phượt tại Việt Nam.

Được xem là một “thú vui không xa hoa”, hình ảnh một thanh niên ăn vận giản dị, ngồi trên xe máy với chiếc ba lô cồng kềnh buộc sau yên, đang rong ruổi trên những cung đường dài đã trở thành biểu tượng hằn sâu vào trong trí óc những người mê phượt.


Hình ảnh như đã thành biểu tượng của dân phượt

Hình ảnh như đã thành biểu tượng của dân phượt

Thế nhưng, ẩn chứa bên trong sự “không xa hoa” đó là biết bao câu chuyện cảm động đầy nhân văn.

Những chàng trai cô gái tạm quên đi phố phường náo nhiệt để đến những chân trời mới, những cung thác gập ghềnh, để mong tìm lại chính mình, để đối diện với thử thách, khám phá sự hùng vĩ của thiên nhiên hay để đồng cảm với những khó khăn nơi rừng sâu núi thẳm...

Hàng năm cứ mỗi dịp đông về, hàng ngàn phượt tử từ nhiều nhóm quy tụ nhau lại, quyên góp quần áo, chăn màn... Và lại phượt không phải chỉ để khám phá, mà là mang hơi ấm lên vùng cao.

Thế nhưng, thời gian gần đây gắn liền với sự phát triển nóng của thú đam mê này, có quá nhiều bạn trẻ vội vã lên đường đi phượt như một cách thể hiện cá tính của mình đến thế giới.

Song do chưa trang bị đầy đủ về kỹ năng, sự chuẩn bị sơ sài mà mọi việc xấu nhất đều có thể xảy ra.


Nhiều chương trình thiện nguyện được các phượt thủ kết hợp trong hành trình của mình

Nhiều chương trình thiện nguyện được các phượt thủ kết hợp trong hành trình của mình

Nguyễn Bắc, người có kinh nghiệm phượt lâu năm chia sẻ: 

"Trên đường phượt điều gì cũng có thể xảy ra, mỗi người chúng ta hãy luôn cẩn thận, ngoài sống vì đam mê của mình cũng cần sống vì niềm vui của những người xung quanh nữa, có biết bao người mà niềm vui của họ chỉ đơn giản là thấy chúng ta luôn mạnh khỏe...

Trước khi cơn say mạo hiểm đẩy chúng ta vào một hành động điên rồ và bất cẩn nào đó, hãy nghĩ đến những ai sẽ khóc nếu ta không trở về. Hãy nhớ: Đi không phải để đến, đi để trở về....

Thiên nhiên hùng vĩ vẫn luôn ẩn chứa những mối hiểm họa khôn lường. Chỉ một chút sơ sảy nhỏ mọi nỗi khát khao sẽ theo cát bụi lại trở về với cát bụi. Hãy luôn làm chủ lấy chính mình, trước khi muốn đi xa hơn nữa, làm chủ thiên nhiên".

Bài viết thể hiện quan điểm, cảm xúc riêng của tác giả

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại