“Từ mẫu” “bật mí” “chiêu trò” móc túi người bệnh

Có tiếp xúc nhiều với “người trong cuộc”, có người quen làm bác sĩ, nhân viên y tế mới biết người bệnh bị “móc túi” trắng trợn như thế nào. "Gi gỉ gì gi", cái gì họ cũng có thể kiếm lợi được từ… người bệnh.

Ngàn lẻ kiểu “móc túi”…

Một việc tưởng chẳng bao giờ có trên đời nhưng lại có thật 100%, đó là việc “ăn bớt” vắc-xin vừa mới xảy ra tại Thủ đô Hà Nội mà ai ai cũng đã biết.

Sau khi sự việc xảy ra, y tá trực tiếp thực hiện hành vi này đã bị xử lý. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh vụ việc. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiến hành ngay việc rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động tiêm chủng trên địa bàn thành phố. Tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát để đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình về quản lý, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị đúng quy định.

Động tác này là không thừa, tuy nhiên nó được triển khai một cách quá muộn. Bởi ai cũng biết những chiêu trò này không hề mới trong ngành, chỉ có điều giờ nó mới bị phanh phui mà thôi.

Thực tế, một bác sĩ sản khoa có thâm niên trong nghề cho biết, là bác sĩ ai chẳng biết tiêm không đủ liều sẽ không có tác dụng phòng, chữa bệnh. Tuy nhiên, để có tiền chia chác, họ vẫn tiêm không đủ thuốc, vắc-xin cho người bệnh.

b
Hình minh họa.

Bản thân ông cũng đã nhiều lần chia đôi một ống Dolacgan (một loại thuốc tiền mê dành cho bệnh nhân đình sản) tiêm cho hai người để hưởng lợi. Việc làm này tuy hậu quả không lớn bằng việc “ăn bớt” vắc-xin, song nó cũng làm bệnh nhân đau đớn hơn, bác sĩ phẫu thuật vất vả hơn.

Một chiêu thức “móc túi” người bệnh khác mà các bác sĩ, dược sĩ vùng sâu, xa hay làm là xé lẻ các vỉ thuốc ra để bán cho bệnh nhân sau khi khám. Như thế người mua sẽ không biết được tên thuốc cũng như giá cả thực của các loại thuốc.

Vị bác sĩ này tiết lộ: Thường thì một số loại thuốc tránh thai được phát không hoặc bán trợ giá, nhưng bác sĩ, dược sĩ xé lẻ ra bán với giá rất cao với tên gọi thuốc nội tiết (thực chất ngoài phòng tránh thai, thuốc này còn có tác dụng trị mụn trứng cá, cân bằng nội tiết…).

Tóm lại, làm ngành nào “ăn” ngành ấy. Người biết bài này đã từng được nghe một bác sĩ ngoại khoa chia sẻ về việc ông đã từng nhiều lần tận dụng lại ốc vít của bệnh nhân trước để sử dụng lại cho bệnh nhâ sau, thậm chí nhiều lần sau đó. Trong khi đó, khi kê khai để thanh toán với cơ quan BHYT, thiết bị đó vẫn được coi như mới và chỉ dùng một lần.

Lĩnh vực chấn thương thì vậy, trong chuyên khoa tim mạch, thiết bị tạo nhịp tim cũng thường được tái dùng nhiều lần. Thuốc BHYT, bông băng, cồn, gạc… thì họ mang về nhà sử dụng miễn phí. Cũng chính vì “không có chuyên môn sẽ không thể biết” nên sự “nhập nhèm” về giá cả cũng diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực mắt, răng…, còn bác sĩ, nhân viên y tế thì vô tư hưởng lợi.

Biết kêu ai?

Cũng vì những lẽ trên, việc phẫu thuật viên cắt nhỏ 1 fim XQ ra thành 2, 4 cái để “kiếm lời” là chuyện rất bình thường. Thậm chí còn có chuyện giả vờ chụp XQ rồi lấy fim của người khác trả cho người vừa chụp. Cũng giống như chuyện “ăn bớt” vắc-xin mà cơ quan chức năng đã xử lý vừa qua, một vài vụ “ăn” fim XQ đã bị phát hiện và bị xử lý.

Nhưng nó chỉ là số ít trong vô số các chiêu trò, thủ đoạn mà nhân viên y tế diễn xuất và thực hiện. Bằng mắt thường và không có chuyên môn chúng ta sẽ khó lòng mà phát hiện. Cho dù có bị phanh phui, nhưng cũng rất ít vụ việc bị xử lý, vì bằng cách này hay cách khác họ cũng sẽ lấp liếm và bao che cho nhau.

Thời gian qua, báo chí cũng đã đưa tin khá nhiều về các tiêu cực, vi phạm xảy ra tại các phòng khám tư nhân. Không chỉ hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn cho phép, quảng cáo quá mức, sử dụng nhân viên y tế không giấy phép hành nghề…, các cơ sở y tế này còn “tận thu” hết cỡ tiền túi của bệnh nhân bằng cách thực hiện triệt để các xét nghiệm.

Để thu được nhiều tiền, tất nhiên họ sẽ chỉ khám xét, chụp chiếu qua loa, vì biết thừa người khám không mắc cùng lúc nhiều bệnh như thế và bệnh của họ không cần thiết phải thực hiện các xét nghiệm này.

Hậu quả của những việc làm này là tìm không ra bệnh, chẩn đoán không đúng bệnh, chữa không khỏi bệnh và nặng nề nhất là làm chết bệnh nhân. Thế mới biết, cách thức “móc túi” của bác sĩ, nhân viên y tế còn thiện xạ hơn cả dân móc túi chuyên nghiệp. Còn, người dân thì chỉ biết, bác thang lên hỏi ông trời!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại