"Từ khi tôi làm Chủ tịch tỉnh, chưa phát hiện vụ chạy công chức nào"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Tôi cho rằng trong công tác rà soát thi tuyển và thực hiện việc tuyển dụng thì có hội đồng và cơ quan tham mưu (có thể có điều không thật khách quan) nhưng nói chung việc chạy công chức ở Quảng Trị là rất khó”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường (Ảnh: VGP/Lê Minh Hùng)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường (Ảnh: VGP/Lê Minh Hùng)

Ngày 10/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ra Chỉ thị số 02/CT-UBND (gọi tắt là Chỉ thị 02) về tăng cường công tác quản lý thời gian làm việc của công chức, viên chức nhà nước. Tỉnh đã lập đoàn kiểm tra và một trong những nhiệm vụ của đoàn là ghi hình cán bộ, công chức làm việc không đúng tác phong, giờ giấc… để phát trên sóng Truyền hình Quảng Trị (QTV).

Kể từ “phát súng” đầu tiên hồi giữa tháng 4/2013 khiến một chủ tịch huyện và 2 Giám đốc phải “ê” mặt, đến nay đoàn kiểm tra đã có hơn 2 tháng làm việc. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về những kết quả đạt được cũng như những câu chuyện xung quanh việc quay và đưa lên truyền hình này.

Không xét thi đua cán bộ đi họp muộn

PV: Thưa ông, trước và sau khi Tỉnh thực hiện chủ trương cho QTV quay hình ảnh của những cán bộ làm việc không đúng tác phong, giờ giấc, ông có chịu sức ép nào không?

Ông Nguyễn Đức Cường: Việc chấp hành giờ giấc và quản lý giờ giấc hành chính là một trong những việc tiếp tục quán triệt chỉ thị Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Khi tỉnh Quảng Trị đưa ra vấn đề đó, đã đáp ứng được việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giờ giấc. Việc này được các cấp hưởng ứng nên không có vấn đề gì cả.

Một nhóm cán bộ xã ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ghi hình khi đang tổ chức “giao lưu” hồi giữa tháng 2/2013 (Ảnh: Thanhniẻn.com.vn)

Một nhóm cán bộ xã ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ghi hình khi đang tổ chức “giao lưu” hồi giữa tháng 2/2013 (Ảnh: Thanhnien.com.vn)

Còn một số cán bộ công chức mà khi được đài truyền hình phản ánh thì tất nhiên cũng có sự không hài lòng vì không ai muốn đưa vi phạm của mình ra cả nhưng đây là việc chung và bắt buộc phải đưa ra công luận.

Đôi khi có một số ý kiến gây áp lực đối với phóng viên truyền hình nhưng vấn đề này được nhân dân và dư luận đồng tình, có ý kiến nên số cán bộ này cũng nhận thấy. Từ đó, các cán bộ đã chấp hành tốt.

PV: Buổi đầu tiên ông cho thực hiện việc quay và đưa lên truyền hình, ông có thông báo cho các cán bộ cấp dưới tham dự cuộc họp biết trước không?

Ông Nguyễn Đức Cường: Có chứ. Vì mình đưa ra một biện pháp để tăng cường quản lý giờ giấc chứ không phải là đưa ra một vấn đề để đưa anh em vào sai phạm. Cho nên sau khi đưa ra đã quán triệt và thực hiện, giao cho Sở Nội vụ và Đài Truyền hình của Tỉnh cùng thực hiện.

Việc này là hoàn toàn công khai. Đã là công chức, viên chức thì việc đầu tiên là phải thực hiện nghiêm túc giờ giấc.

PV: Cho đến thời điểm này, ông đánh giá kết quả công tác này ra sao?

Ông Nguyễn Đức Cường: Về việc thực hiện giờ giác, đối với Quảng Trị sau khi có chủ trương thì việc chấp hành giờ giấc từ tỉnh đến huyện, xã đã có chuyển biến bước đầu.

Tại cuộc họp giao ban với thủ trưởng các ban ngành Tỉnh cách đây 1 tuần, tôi đã yêu cầu siết chặt việc này hơn nữa, tăng cường thanh tra công vụ. Đối với sở ban ngành, địa phương chạm giải quyết đơn thư khiếu nại hoặc chấp hành kỷ cương hành chính chưa nghiêm thì phải thanh tra ngay.

PV: Với những cán bộ đã không chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc, ông đã xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Cường: Trong số những cán bộ công chức đi họp muộn kể cả giám đốc Sở thì trước nhất là tôi nhắc nhở. Sau đó tôi đã lưu ý với ban thi đua khen thưởng là trong việc xét thi đua khen thưởng năm, những người vi phạm thì phải đưa ra khỏi danh sách xét.

PV: Ông có nghĩ rằng, ai đi muộn cũng có những lý do riêng và việc ghi hình rồi đưa lên TV luôn kết hợp với những biện pháp xử lý nghiêm từ chủ tịch tỉnh liệu có là quá khắt khe?

Ông Nguyễn Đức Cường: Theo tôi nói là khắt khe thì cũng không phải. Vì ai cũng có lý do riêng nên nếu là lý do chính đáng, báo cho cơ quan thì không có vấn đề gì. Nhưng ai lợi dụng lý do để đi uống cà phê hoặc la cà thì dứt khoát phải xử lý.

Ở Uỷ ban này tôi đã thực hiện nhiều rồi: những cán bộ không đi họp do Uỷ ban triệu tập hoặc báo cáo không đầy đủ thì đều phải đưa vào diện xem xét thi đua.

PV: Được biết, chương trình này, Quảng Trị sẽ làm trong cả năm 2013 trong khi giờ là giữa năm 2013. Sẽ còn là quá sớm để nói về kế hoạch cho năm 2014 và những năm tiếp sau trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, xin ông có thể tiết lộ đôi điều về kế hoạch này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Cường: Sẽ vẫn tiếp tục như chương trình này. Và tôi cho rằng nhiệm kỳ của ai cũng thế cả. Mình đưa ra những chủ trương, giải pháp, biện pháp được cho là tăng cường sự điều hành quản lý của Uỷ ban nên trong thời gian tới, nếu thấy biện pháp tốt thì duy trì, còn thấy chỗ nào chưa hợp lý thì có thể bổ sung thêm.

"Chạy công chức ở Quảng Trị là rất khó"

PV: Theo ông, ngoài biện pháp tăng cường sự quản lý về việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định về giờ hành chính thì Quảng Trị còn các biện pháp nào khác để tăng cường công tác quản lý cán bộ trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Cường: Thứ nhất, đài truyền hình tăng cường thường xuyên việc đưa tin, theo dõi giúp Uỷ ban trong việc thực hiện giờ giấc này.

Thứ hai là đưa thanh tra công vụ thường xuyên giám sát những đơn vị và cá nhân theo chức năng không thực hiện tốt.

Thứ ba là cố gắng làm sao để việc chấp hành không phải là “đầu voi đuôi chuột”, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị địa phương thực hiện biện pháp tự chấm điểm dựa trên một số tiêu chí: hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ, chấp hành kỷ cương giờ hành chính, thực hiện việc thống kê báo cáo. Khi đó sẽ hội đồng xem xét.

PV: Nhân nói về công tác cán bộ, cách đây không lâu, dư luận hết sức quan tâm đến thông tin chạy công chức 100 triệu. Trong quá trình làm Chủ tịch tỉnh, ông đã bị ai nhờ chạy công chức chưa và ở tỉnh Quảng Trị đã có vụ chạy công chức nào bị phát hiện chưa?

Ông Nguyễn Đức Cường: Tiêu cực trong xã hội ở đâu cũng có nhưng vấn đề là mình làm công khai, vô tư, siết chặt các nguyên tắc, tiêu chí trong lựa chọn thì tôi cho là sẽ không xảy ra.

Ở Quảng Trị, đối với những người chạy theo vấn đề đó (chạy công chức – PV) thì dứt khoát Uỷ ban loại ngay lập tức. Dân lên UBND tỉnh thì tôi tiếp và lắng nghe ý kiến.

Những kiến nghị, đề nghị mà chúng tôi thấy là đúng và chính đáng đảm bảo lợi ích người dân thì chúng tôi thực hiện vô tư. Nhưng nếu không chính đáng thì dứt khoát là từ chối.

Từ khi tôi làm chủ tịch tỉnh đến giờ, chưa có vụ chạy công chức nào bị phát hiện. Còn có chạy hay không thì dư luận cứ nêu như thế thôi. Tôi cho rằng trong công tác rà soát thi tuyển và thực hiện việc tuyển dụng thì có hội đồng và cơ quan tham mưu (có thể có điều không thật khách quan) nhưng nói chung việc chạy công chức ở Quảng Trị là rất khó.

PV: Ông có ý định đi xuống các quán cà phê buổi sáng để có thể phát hiện những cán bộ ăn cắp giờ của Nhà nước không?

Ông Nguyễn Đức Cường: Tôi không có ý định như vậy. Tôi làm công tác quản lý hành chính nên phải dùng những cơ chế, những biện pháp để thi hành. Còn việc “đi vi hành” thì có các cơ quan chuyên môn theo dõi. Tôi sẽ dành thời gian để đi xuống cơ sở xử lý những việc của dân cần kíp hơn.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại