Tử hình tội tham ô, nhận hối lộ: Không để "hy sinh đời bố, củng cố đời con"

Văn Kiên - Nguyễn Dũng |

“Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là tử hình, nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả. Dân bảo các ông chỉ hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4 - 5 tỷ đồng trở lên là phải tử hình", đại biểu (ĐB) Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nêu ý kiến tại phiên thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chiều 26/5.

Duy trì án tử để chống “quan tham”

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, việc thu thu hẹp án tử hình là phù hợp với xu hướng thế giới.

Tuy nhiên việc Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh như cướp tài sản, phá hủy công trình quan trọng quốc gia là chưa phù hợp, cần cân nhắc lại.

“Người nghèo đi buôn ma túy bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”.

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Đề cập đến tội tham nhũng, ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng để đảm bảo tính răn đe.

“Người nghèo đi buôn ma túy bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”, ông Chung nói.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ thì cho rằng, đối với tội phạm tham nhũng, khi sửa luật, điều quan trọng vẫn phải đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

“Tội tham nhũng nếu bảo bỏ người ta lại bảo không đấu tranh chống tham nhũng nữa. Điều này chưa thuyết phục”, ông Huệ thẳng thắn nhìn nhận.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, đối với tội tham nhũng là không thời hiệu, do vậy cần phải truy tới cùng, phát hiện đến cùng mới có thể trừng trị được.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị không nên bỏ án tử hình bằng mọi giá để phúc đáp yêu cầu của thế giới.

Đại biểu Quyền cũng không đồng tình với việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên.

Vì hiện nay tuổi thọ đã được nâng cao, trong khi đó nhiều đối tượng ở độ tuổi này lại “phạm tội kinh khủng”, với tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Không nên quan niệm “trị ông đưa để không có ông nhận”

Khác với các quan điểm trên, ĐB Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, nói quy định hình phạt tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật là chưa hẳn đúng.

“Chúng ta chỉ xử lý những vụ tham nhũng vặt, dăm ba chục triệu, vài ba trăm triệu. Quy định thật nặng, thật to nhưng không thực hiện được thì càng làm mất lòng tin của người dân”.

Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ

Tính nghiêm minh của pháp luật phải thể hiện ở chỗ quy định như thế nào thì được bảo đảm thi hành trên thực tế như thế.

“Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định hình phạt tử hình nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả.

Dân bảo các ông hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4-5 tỷ trở lên phải tử hình, nhưng chúng ta có làm được đâu.

Thậm chí có những người tham ô nhưng về mặt Đảng chỉ cảnh cáo thôi. Tức là có độ chênh giữa quy định và thực thi trên thực tế”, ông Độ nói.

Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo ông Độ,  đối với tham nhũng quan trọng là phải phát hiện và xử lý nghiêm minh. “Chúng ta chỉ xử lý những vụ tham nhũng vặt, dăm ba chục triệu, vài ba trăm triệu.

Quy định thật nặng, thật to nhưng không thực hiện được thì càng làm mất lòng tin của người dân”, ông Độ nói đồng thời đề nghị nghiên cứu giảm thêm hình phạt tử hình đối với các tội  tham ô, nhận hối lộ.

Ủng hộ việc bỏ án tử hình đối với 7 tội danh như đề xuất trong Dự thảo luật, nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong điều kiện chính trị, xã hội, đòi hỏi của nhân dân hiện nay thì việc giảm bớt tử hình với tội tham nhũng là rất khó.

Ngoài ra, ông Bình cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy định xử lý hình sự người đưa hối lộ.

“Con bị ốm đưa vào bệnh viện muốn có chế độ chăm sóc tốt người ta phải hối lộ. Cả thế giới này nếu trong tình trạng bức bách thì họ sẽ không tiến hành truy tố.

Người ta cấm quan chức nhận tiền, còn người đưa tiền vì lý do nào đó và hợp tác với cơ quan điều tra thì người ta không truy cứu trách nhiệm.

Do đó, nếu quan điểm của chúng ta là “trị ông đưa để không có ông nhận” sẽ là không đúng”, ông Bình nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại