Nhìn lên màn hình thì thấy đằng sau phóng viên là một nhóm các bạn trẻ đang hân hoan, nói cười. Phóng viên cho biết, có khoảng trên 50 sinh viên tham gia một cuộc đạp xe ủng hộ chiến dịch “Tôi học thật”.
Khẳng định “tôi học thật” là rất đỗi bình thường nhưng tại sao chị phát thanh viên lại cho rằng “những bạn sinh viên có mặt trong buổi đạp xe sáng nay thực sự dũng cảm”?
Sau đó, chị phỏng vấn một vài bạn sinh viên. Rồi, các bạn sinh viên có mặt cùng với xe đạp của mình đồng thanh giơ tay hô to: “Tôi học thật! Tôi học thật! Tôi học thật!”. Không khí xem ra có vẻ hừng hực lắm lắm! Rồi màn hình chuyển qua chương trình khác.
Tìm hiểu thêm thì được biết Chiến dịch “Tôi học thật” do kênh truyền thông trực tuyến Youth Box Channel, Tổ chức Minh bạch quốc tế, Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Đại học Hoa Sen phát động cho sinh viên toàn quốc từ cuối năm 2012.
Nội dung chính của Chiến dịch là nâng cao nhận thức và năng lực phòng chống nạn copy-paste, đạo văn và cổ vũ cho lối sống trung thực trong nhà trường, hướng tới một môi trường giáo dục liêm chính, công bằng và bền vững.
Nếu có người ngoại quốc nào đó đến du lịch Việt Nam và mới nghe nói đến sự việc trên thì sẽ thấy có vẻ thật kì cục, thậm chí cứ tưởng đó như một trò đùa dai nào đó của “những kẻ rách việc, rỗi hơi” cũng nên.
Nhưng nếu đó là người am hiểu xứ này thì lại thấy sự kiện trên lại rất cần thiết, đáng được biểu dương và còn phải “nhân điển hình tiên tiến” cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập.
Song điều lạ lùng và bất thường ở đây là chiến dịch hay như thế, thiết thực như thế, để chữa một “căn bệnh nghiêm trọng” như thế trong ngành giáo dục nước nhà lại không được phát động bởi cấp cao nhất trong lĩnh vực giáo dục của xứ ta?
Có lẽ cũng chính vì không có được vị “nhạc trưởng” có uy tín và tầm cỡ cao hơn, chính thống hơn ở cấp quốc gia mà Chiến dịch này ì ạch mãi từ cuối năm ngoái đến nay mới huy động được “hơn 50 sinh viên dũng cảm” tham gia.
Trong khi đó thì nam thanh, nữ tú nườm nượp trong các lễ hội đủ kiểu đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành. Hay tại vì giả dối, tiêu cực, đạo văn trong xã hội và học đường đã tràn lan ở mọi cấp, ngành và đã ăn vào xương, máu tới mức vô phương cứu chữa rồi nên người ta dửng dưng, phó mặc? Hay tại vì người ta không muốn khuấy cái câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ấy lên nữa?
Vấn đề bao giờ cũng có hai mặt biện chứng. Khi có ai đó hô to: “Tôi học thật”, tức là có kẻ “học giả”. Khi nhiều người cùng hô to: “Tôi học thật” trong một chiến dịch tức là đã có cơ man những “kẻ học giả” và “học giả” đã trở thành tệ nạn nhức nhối cần diệt trừ. Bản chất của giáo dục là hướng thiện cho nên đạo văn và tiêu cực phải được loại bỏ. Đó là điều cần và nên làm.
Có một thực tế mà ai cũng nhận ra hiện nay đó là nạn quay cóp, gian lận thi cử, mua điểm, chạy bằng, đạo luận văn, luận án… gần như đang thống trị trong trường học hiện nay.
Trong xã hội, “đạo văn” cũng nhan nhản và… được coi là đương nhiên. Đó là ăn cắp bài viết, cướp công, hay lấy công trình của người khác, sử dụng bài viết của người khác, biến thành của mình trong các báo cáo khoa học, công trình nghiên cứu, luận văn, luận án…
Biết là vi phạm bản quyền nhưng nhưng người ta vẫn phớt lờ, nhất là để thực hiện tiêu chuẩn hóa lãnh đạo, để giữ ghế hoặc leo lên ghế cao hơn. Người ta chỉ muốn tốn thật ít thời gian, công sức nhưng đạt mục đích danh vọng, tiền tài nhanh nhất. Cho nên mới có học giả, nhưng bằng cấp thật, có bằng cấp thật nhưng bạn học không có…
Với mạng internet hiện nay, dùng công nghệ “cắt dán - lắp ghép” thì tệ nạn “đạo văn” càng thuận lợi. Các vị đi “đạo văn” khi bị phát hiện, hình như chả xấu hổ gì cả, có lẽ vì tâm lí “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng cùng toét có mình em đâu” và rồi cũng… chẳng làm sao cả.
Những vị có chức, có quyền lại tìm đủ mọi cách, gõ đủ các cửa để “kiên cường bám trụ” và cũng chẳng có ai nỡ đề nghị các vị ấy từ chức.
Những người bị “đạo văn” thì đành mượn lời của cố GS.Hoàng Ngọc Hiến, ngửa mặt lên trời mà than, rằng: “Cái nước mình nó thế!”. Trong cái guồng giả dối, trộm cắp ấy, ai lương thiện bị coi là “sinh vật lạ”, nếu không cũng thuộc dạng… “sắp tuyệt chủng”!
Đến đây chắc hẳn đã hiểu tại sao hơn 50 sinh viên tham gia cuộc đạp xe này lại được phong danh hiệu là “dũng cảm”.
Trước hết, tuy là thiểu số nhưng họ dám công khai đoạn tuyệt với lối học hành, thi cử giả dối tràn lan mà không sợ bị trù úm, thua thiệt.
Thứ hai, họ vẫn tích cực tham gia mặc dù không biết chiến dịch này có kết quả không hay lại nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Thứ ba, hiện đang là mùa thi cử, họ cũng không mảy may lo ngại hành động này của mình có thể ảnh hưởng đến kết quả thi…
Chúng ta hoan nghênh các bạn sinh viên “dũng cảm” này, những “sinh vật lạ”, những loài “sắp tuyệt chủng”! Chúng ta hoan nghênh sáng kiến này của những nhà tổ chức.
Chúng ta có quyền hi vọng, một ngày đẹp trời nào đó, các vị chức sắc cấp cao của ngành giáo dục xứ ta ngộ ra tầm quan trọng của nó, tích cực và chủ động nhập cuộc để “Tôi học thật” trở thành một chiến dịch “thật” ở tầm cỡ quốc gia “thật” và thu được những kết quả mỹ mãn cũng là “thật”.