Từ 8B Lê Trực đến biệt thự Ba Vì: Tê liệt hay lực lượng mỏng?

Thu Phong |

Cuối tuần qua, Quận Ba Đình đã chính thức cắt ngọn công trình sai phạm 8B Lê Trực với sự giám sát của báo chí và đông đảo người dân.

Trong khi đó, vụ resort chưa phép mọc tại Vườn Quốc gia Ba Vì vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của Bộ NN&PTNT.

Ngay trong những diễn biến nóng bỏng đó, một khu biệt thự có tên là Điền Viên Thôn ở huyện Ba Vì cũng bị phanh phui là xây dựng không phép.

Cắt ngọn và xử lý cán bộ

Công trình 8B Lê Trực đang bị “cắt ngọn” và cùng lúc đó, hàng loạt cán bộ có liên quan trong vụ này bị UBND TP. Hà Nội xử lý.

Ngày 8/3, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về việc xử lý các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo đề xuất sẽ giáng chức và chuyển công tác các ông Nguyễn Cương Quyết, Phạm Hùng Phương là Đội trưởng và Đội phó Thanh tra Xây dựng Ba Đình. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chánh thanh tra nhận hình thức khiển trách.

Ông Lê Văn Đức, Phó phòng Quản lý và cấp phép xây dựng phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (thanh tra viên, nguyên tổ trưởng Trật tự xây dựng phường Điện Biên, thuộc Đội Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình) bị buộc thôi việc, nhưng do ông Dũng đã chuyển công tác nên Sở thông báo đến nơi cư trú và nơi công tác hiện nay.

Ông Phạm Quốc Hùng, chuyên viên Đội Trật tự xây dựng quận Ba Đình và ông An Quốc Việt, cán sự Đội Trật tự xây dựng quận Ba Đình bị cảnh cáo, chuyển công tác.

Hai trường hợp bị quy trách nhiệm khi cấp phép xây dựng nhà 8B Lê Trực mà không có biên bản kiểm tra hiện trường, nhưng đã nghỉ hưu là ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng và bà Lê Thị Nhung, nguyên Trưởng phòng Quản lý và cấp phép xây dựng, không bị áp dụng quy định xử lý kỷ luật công chức.

Các tập thể Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình, Thanh tra Sở Xây dựng, Phòng Quản lý và cấp phép xây dựng, UBND quận Ba Đình bị đề nghị “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”, không để xảy ra các trường hợp tương tự; Lãnh đạo Sở Xây dựng phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý, bàn giao, tiếp nhận đội ngũ cán bộ, công chức khi có sự điều chỉnh bộ máy.

Với cán bộ thuộc thẩm quyền UBND quận Ba Đình, trong văn bản báo cáo thành phố ngày 4/3, Chủ tịch UBND quận Đỗ Viết Bình cho hay, đã ký quyết định kỷ luật cán bộ liên quan.

Riêng trường hợp ông Trần Mạnh Quân, quận Ba Đình sẽ để cân nhắc điều động, cho thôi chức Chủ tịch UBND phường Điện Biên.

Trong một diễn biến khác, hàng chục biệt thư không phép vô tư mọc lên ở Điền Viên Thôn (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) và được rao bán với giá hàng tỷ đồng.

Theo thông tin nhận được, ngày 8/3, UBND huyện Ba Vì đang tiến hành thanh tra sai phạm ở khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm 57 biệt thự mọc trái phép này.

Trước đó, ngày 7/3, đoàn công tác của Sở Xây dựng đã xuống hiện trường kiểm tra và làm việc với chính quyền địa phương.

Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn được xây dựng trên diện tích hơn 4,8ha nhưng chỉ có hơn 1ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, còn lại là đất hoang do người dân khai phá, chưa được cấp sổ đỏ.

Hiện 40 căn biệt thự đã hoàn thiện và đã rao bán với mức từ 1 - 2 tỷ đồng với lời hứa có sổ đỏ.

Một quan chức huyện Ba Vì cho biết, huyện đang làm rõ hoạt động kinh doanh tại khu nghỉ dưỡng này.

Trước những sai phạm rõ ràng, UBND huyện Ba Vì đã yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ ngay các công trình vi phạm đang xây dựng dở dang trước ngày 30/3. Nếu không thực hiện, huyện sẽ lập hồ sơ và tổ chức cưỡng chế.

Được biết, UBND xã Yên Bài đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản đình chỉ và ra quyết định xử phạt hành chính.

Và lạ hơn, UBND xã Yên Bài cũng đã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện Ba Vì nhưng chưa được hồi đáp.

Chỉ là lực lượng mỏng?

Thực sự ấn tượng với câu trả lời của ông Nguyễn Thanh Sơn - Chánh văn phòng UBND huyện Ba Vì khi trả lời báo chí về trách của chính quyền trong sai phạm “to đùng” tại Điền Viên Thôn: “Chúng tôi không tê liệt nhưng lực lượng ít và mỏng”.

Đúng là chính quyền không tê liệt và không thể tê liệt được, nhưng những cán bộ trong bộ máy đó có thể đã quên mất trách nhiệm của mình, hoặc làm ngơ bắt tay với sai phạm!?.

Người dân luôn đặt câu hỏi, chính quyền đã ở đâu khi sai phạm “mọc lên” một cách vô tư và thản nhiên như vậy.

Để rồi khi tất thảy được phơi bày trên mặt báo, những cơ quan có trách nhiệm mới hô hào nhau vào cuộc và đổ lỗi cho lực lượng quá mỏng.

Từ 8B Lê Trực đến biệt thư Ba Vì và nhiều vụ việc khác trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai lỗi cuối cùng chỉ là “thiếu trách nhiệm”.

Bởi dường như chúng ta vẫn né tránh câu hỏi vì sao lại “thiếu trách nhiệm” khi sai phạm đâu chỉ bé như “con kiến”, mà đằng này như “con voi”, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại