Từ 1-1-2017, bắt đầu ghi âm, ghi hình việc hỏi cung

T.TÙNG - P.LOAN |

Chậm nhất đến 1-1-2019, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên cả nước...

Khoản 6 Điều 183 BLTTHS 2015 quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Theo nhiều chuyên gia, đây là quy định mới rất có giá trị trong việc chống bức cung, nhục hình, hạn chế oan sai.

Ba việc lớn cần làm

Khoản 9 Điều 1 nghị quyết về việc thi hành BLTTHS 2015 của Quốc hội (QH) đã quy định rõ hơn cơ chế, cách thức để đảm bảo thực hiện quy định trên.

Thứ nhất, QH giao cho bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ hai, QH giao bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ KH&ĐT, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Thứ ba, QH giao bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ 1-1-2017. Chậm nhất đến 1-1-2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Giám sát để tránh bức cung, nhục hình

“Bằng đòn roi của điều tra viên, tôi đã phải nhận tội và phải trải qua hơn 17 năm ngồi tù oan” - lời kể uất nghẹn của ông Huỳnh Văn Nén tại buổi xin lỗi sáng 3-12 của TAND tỉnh Bình Thuận đối với ông Nén đã nói lên tất cả hạn chế của việc hỏi cung bị can mà không có sự giám sát” - luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) kể lại và nhận xét.

Là một trong những LS đã tham gia bảo vệ ông Nén, LS Nghiêm rất thấu hiểu nỗi đau của người bị oan do bị ép nhận tội.

Từ 4 giờ sáng 3-12, ông đã bắt xe đò từ TP.HCM đi Bình Thuận để kịp dự buổi xin lỗi nói trên. Theo LS Nghiêm, quy định mới của BLTTHS 2015 rất tiến bộ, là bước đột phá cần thiết để chống tình trạng bức cung, dùng nhục hình với bị can.

Việc dùng kỹ thuật công nghệ để giám sát hoạt động hỏi cung sẽ khắc phục được bệnh thành tích của điều tra viên khi thi hành nhiệm vụ.

Phải thực hiện nghiêm túc quy định này mới tránh được bức cung, nhục hình, dẫn đến những vụ án oan nghiệt ngã như của ông Huỳnh Văn Nén hay ông Nguyễn Thanh Chấn.

LS Bùi Đức Trường (Đoàn LS TP.HCM, người tham gia trong cả hai vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén) cũng kể: “Tôi nhớ hồi tham gia vụ “Vườn điều”, khi tòa công bố băng ghi hình bà Lâm nhận tội, LS chúng tôi đã đồng loạt phản đối vì việc ghi hình này không được lập thành biên bản.

Muốn tài liệu tố tụng được chuyển hóa thành chứng cứ thì phải đáp ứng đầy đủ trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định chứ”.

Từ đó theo LS Trường, việc BLTTHS 2015 quy định phải ghi âm, ghi hình mọi hoạt động hỏi cung bị can là rất tiến bộ, bảo đảm được sự minh bạch trong hoạt động tố tụng.

Hạn chế oan sai, bảo đảm quyền con người

Theo ThS Nguyễn Đình Thắm (giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), không có bức cung, dùng nhục hình thì sẽ hạn chế được oan, sai bởi khi hoạt động điều tra đúng đắn ngay từ đầu thì vụ án chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ theo hai hướng là có tội hay không có tội.

Ngoài ra, tài liệu từ ghi âm, ghi hình có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết án một cách khách quan ở các giai đoạn tố tụng sau đó.

Người bào chữa có thể dựa vào đó để tranh tụng với đại diện VKSND, tòa có thể dựa vào đó để có nhận định đúng, ngay cả CQĐT, điều tra viên cũng có thể dựa vào đó để bảo vệ mình trước lời tố dùng nhục hình, ép cung từ phía bị cáo.

Theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một), quy định trên còn hướng tới mục đích bảo đảm quyền con người, quyền công dân nếu được áp dụng triệt để.

Dù là bị can, bị cáo thì họ cũng chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, họ luôn có quyền bình đẳng trước pháp luật ngay cả khi đang đứng tại tòa.

Tuy nhiên, cần có hướng dẫn rõ là việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình điều tra và dữ liệu âm thanh, hình ảnh ấy phải được chuyển toàn bộ sang tòa để làm chứng cứ.

Nếu CQĐT không ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung thì bị coi là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và tòa được quyền hủy kết quả điều tra, yêu cầu làm lại. Đây là các biện pháp bảo đảm cần thiết để quy định tiến bộ đi vào thực chất.

Có hướng dẫn rõ ràng

Tôi đã tham gia vụ án oan của ông Nén, nhiều lần tham dự việc lấy cung ông sau này. Ông Nén khai từng bị uy hiếp về tinh thần, từng bị đánh.

Khi ông nói bị đánh, người ta hỏi vì sao không báo, ông trả lời rằng bị đánh ngay trước mặt giám thị và điều tra viên luôn thì biết báo ai nữa.

Đặc biệt, có kiểm sát viên nghe ông kêu oan thì lại kêu điều tra viên đến đánh ông nên ông nghĩ cơ quan tố tụng nào, cán bộ tố tụng nào thì cũng giống nhau thôi…

BLTTHS 2015 quy định việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là tiến bộ.

Nhưng theo tôi, cần có hướng dẫn là sau khi ghi âm, ghi hình, điều tra viên phải ghi rõ vào biên bản hỏi cung rằng hôm nay có ghi âm, ghi hình, sau đó cho bị can xem, nghe băng ghi âm, ghi hình rồi hỏi lại có đúng không.

Các tài liệu này phải được niêm phong lại để sau này công khai nếu cần thiết. Cạnh đó cũng cần có hướng dẫn rõ ràng về trình tự, thủ tục bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can, những ai có thẩm quyền can thiệp vào việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình.

Tôi đề nghị không giao cho CQĐT bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình vì có thể bất lợi cho người kêu oan.

LS TRẦN VĂN ĐẠT, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận

Tranh cãi đến phút cuối

Quá trình QH thảo luận về dự án BLTTHS (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với quy định như QH vừa thông qua nhưng cũng có những ý kiến lại đề nghị thu hẹp hơn, chỉ áp dụng trong các trường hợp hỏi cung bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội...

Do có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ QH đã lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu QH. Kết quả là có 45,95% ý kiến đồng ý theo hướng thứ nhất, 34% ý kiến đồng ý theo hướng thứ hai.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu đa số ý kiến của các đại biểu và chỉnh lý BLTTHS 2015.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại