TS Nguyễn Hồng Kiên: “Xây cầu vượt sẽ phá hủy hoàn toàn Đàn Xã Tắc”

Khả Danh |

(Soha.vn) - TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo Cổ học cho hay: “Theo như phương án mà người ta đã trình bày thì cầu vượt có các trụ nằm trong di tích, mỗi một trụ cầu phải đào tới gần 100m2, như vậy thì chắc chắn sẽ phá hủy hoàn toàn di tích phía dưới, không có cách nào cứu vãn được”.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự án xây cầu vượt qua di tích Đàn Xã Tắc (đã được xếp hạng di tích quốc gia). Trong lúc chủ đầu tư khẳng định những phương án đã công bố thì cầu chỉ đi qua một phần không gian của Đàn Xã Tắc, còn mố cầu nằm ngoài di tích, ngày hôm qua (8/5), TS Nguyễn Hồng Kiên – người trực tiếp được Viện Khảo cổ học giao trách nhiệm khai quật di tích Đàn Xã Tắc đã lên tiếng phản bác toàn bộ lý giải này của chủ đầu tư.

“Tôi phải nói rõ một điều là đang có sự đánh tráo khái niệm. Khu di tích được xếp hạng bảo vệ thì họ lờ đi và coi đảo giao thông là di tích, và khi đưa ra phương án thiết kế cầu thì họ đưa đảo giao thông ra thành điểm cần phải tránh.

Nhưng đảo giao thông thực tế không phải là khu vực quan trọng nhất, mà chỉ là một phần bên ngoài những cái hố mà chúng tôi đã khai quật.

Tôi xin nói rõ, hai trụ của cầu định cắm xuống (theo thiết kế) thì chắc chắn là một cái cắm đúng vào hố mà chúng tôi đã đào”, TS Kiên khẳng định.

undefined

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên

Là nhà nghiên cứu trực tiếp làm công việc khai quật di tích này, TS Nguyễn Hồng Kiên nắm rất rõ từng chi tiết của các hố đào.

Ông bày tỏ: “Lúc đó, chúng tôi đào tất cả 6 hố. Ở thời điểm ấy, chúng ta đã có một bước lùi, đấy là lấp cát lên di tích này và tiếp tục làm đường. Tất nhiên có con đường thì sẽ ảnh hưởng tới di tích do xe cộ qua lại, nhưng nếu làm cầu thì di tích bị phá hủy hoàn toàn.

Theo như phương án mà người ta đã trình bày thì cầu vượt có các trụ nằm trong di tích, mỗi một trụ cầu phải đào tới gần 100m2, như vậy thì chắc chắn sẽ phá hủy hoàn toàn di tích phía dưới, đây là điều chắc chắn”.

Bên cạnh đó, đề cập tới những thông tin gần đây có một số ý kiến đã viện dẫn ra những chứng lý khác nhau cho rằng, đó chưa phải là Đàn Xã Tắc, TS Kiên cho hay: “Chúng tôi khẳng định đó là Đàn Xã Tắc từ thời Lý – Trần - Lê, bằng những chứng cứ khảo cổ mà chúng tôi tìm được tại khu vực này ở thời điểm đó. Bây giờ, chúng tôi chỉ làm thêm một việc nữa là chứng minh rằng, khu vực đã khai quật là trung tâm của đàn tế Xã Tắc.

Việc bảo vệ vùng 1 của khu di tích đã được xếp hạng là bảo vệ cả cảnh quan và không gian. Vậy thì việc làm cầu vượt là cắm cọc vào di tích và lấn chiếm không gian của di tích. Như vậy là vi phạm luật”.

Trong ngày hôm qua, ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Khảo cổ học một lần nữa cho rằng, chưa đủ căn cứ chứng minh di tích đã khai quật là đàn Xã Tắc. Theo ông Hảo, có thể đào thêm vài hố rộng khoảng 2m2 chạy dọc theo thiết kế của cây cầu để đánh giá lại một lần nữa cho thật chính xác.

Trước thông tin này, TS Nguyễn Hồng Kiên phản biện: “Tôi đã đào 900m2 tại khu vực này và chứng minh đó là Đàn Xã Tắc. Còn theo ông Hảo thì chưa tìm thấy cái gì, vậy mà bây giờ ông ấy lại bảo là đào vài cái hố 2m2 chạy dọc theo vị trí định làm cầu.

Với 900m2 đã khai quật và được xếp hạng di tích quốc gia mà ông Hảo còn không thừa nhận, thì ông ta định tìm cái gì ở mỗi hố chỉ toen hoẻn 2m2?

Những cái hố nhỏ như vậy chỉ là thám sát thôi, hãy thử hình dung xem một cái hố rộng 2m2 và đào sâu xuống 2m nữa thì tìm thấy được gì? Sẽ chẳng thấy gì cả, đấy là tôi mới chỉ nói đào bình thường thôi, chứ chưa nói tới chuyện đào để khảo cổ.

Vì vậy, đấy là một cách nói mang tính ngụy biện, nghe thì tưởng là khoa học, nhưng thực chất không khoa học”.

TS Kiên cũng chia sẻ, “khảo cổ học là một lĩnh vực rất rộng và một người làm công tác nghiên cứu có thể hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, nhưng không thể được coi là chuyên gia của tất cả các lĩnh vực ấy.

Cũng phải nói thêm rằng, ông Hảo không phải là chuyên gia ở lĩnh vực mà tôi đang nghiên cứu và trực tiếp khai quật Đàn Xã Tắc. Gần đây, ông Hảo cũng đã “dũng cảm” lên tiếng để nói rằng mình không phải là Giáo sư. Lãnh đạo Viện Khảo cổ học cũng đã có yêu cầu ông Hảo không phát ngôn tùy tiện về những công việc của Viện”.

Ngoài ra, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng cho rằng, việc gây ra ùn tắc giao thông tại khu vực này là do Hà Nội đã mở con đường mới và để cho ngã năm đặt cạnh ngã tư.

“Năm 2006 – 2007 khi khai quật được di tích rồi thì Hà Nội chỉ đạo là để lại một đảo giao thông đủ lớn để bảo vệ khu vực chúng tôi đã khai quật được, mở đường vòng sang hai bên.

Ngay tại thời điểm ấy, tôi đã nói các anh đang tự làm khó mình, là làm một con đường mới hình thành ngã tư ngay cạnh ngã năm. Chính họ gây ùn tắc chứ không thể đổ tại vì Đàn Xã Tắc.

Để tìm ra biện pháp giải quyết thì ngành giao thông phải nghiên cứu đưa ra phương án hợp lý, còn nếu cứ xây cầu thì tôi sẽ kiện tới cùng”, TS Kiên nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại