Là người đã có một thời gian dài gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong số ít người nhận được tin báo về sự ra đi của Đại tướng sớm nhất.
Trung tướng Phạm Hồng Cư (Ảnh: Tuấn Nam)
Còn nhớ như in cảm giác tại thời điểm nhận tin báo, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ: “Khi nhận được tin Đại tướng ra đi từ anh Nguyễn Huyên, tôi thấy rất bàng hoàng. Tôi biết Đại tướng đã vượt qua 103 tuổi nhưng cứ mong Đại tướng sống mãi với nhân dân, và cũng mong rằng sắp tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng còn dự với anh em chúng tôi.
Đó là một sự đau xót không thể tả nổi và không biết nói ra sao. Chỉ biết rằng dân tộc ta đã mất đi một người con yêu quý, một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh và thế giới đã mất đi một danh tướng lừng danh”.
“Tôi vẫn tin Đại tướng sống mãi dù đã biết được tin Đại tướng đã ra đi bởi Đại tướng sống mãi trong lòng chúng tôi và ông sẽ sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong sử sách”, tướng Cư nói.
Trước những ý kiến về việc ra đi của Đại tướng đã để lại một khoảng trống quá lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc mà không gì có thể bù đắp được, Trung tướng Cư cho rằng: “Mỗi một thời đại, mỗi một thời kỳ, nhiệm vụ là khác nhau nhưng đất nước vẫn luôn có những người con xứng đáng.
Thế hệ chúng tôi là thế hệ của lời thề độc lập được Bác Hồ dẫn dắt, được Đại tướng chỉ huy. Cả một thế hệ đã trưởng thành và cùng toàn dân xoá được nỗi nhục mất nước. Bây giờ là thế hệ của sự đổi mới và chúng tôi cũng mong rằng thế hệ ngày nay sẽ cùng với toàn dân xoá nhục nghèo nàn và lạc hậu. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mỗi thế hệ sẽ làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc của mình”.
Khi được hỏi về những suy nghĩ khi mới nhận được hung tin về Đại tướng, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ: “Khi nghe tin dữ về Đại tướng, có rất nhiều kỷ niệm đã ùa về trong đó có những kỷ niệm sâu sắc nhất là từ hai lần tôi trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng. Những lần ấy nhận lệnh, khi đọc xong tôi cứ chảy nước mắt ra vì đó như một lời hịch”.
Ông hào hứng kể: “Lần thứ nhất là khi diễn ra Chiến dịch Việt Bắc năm 1947 với mệnh lệnh: “Tiểu đoàn 42 sống chết giữ con đường Bình Ca – Thái Nguyên” được viết bằng tay với chữ ký “Văn”. Tôi với tiểu đội trưởng đọc mà cảm thấy rất xúc động bởi chúng tôi hiểu rằng phía sau mình chính là Thủ đô gió ngàn, nơi Bác Hồ và Trung ương đang ở đó.
Thế là tôi mang lệnh ấy xuống các lán để phân công nhiệm vụ. Khi đó các anh em bị sốt rét đang đắp chăn. Khi tôi bảo là chú ý nghe và đọc xong lệnh thì tất cả các anh em đều tung chăn đứng dậy run lẩy bẩy ra trận địa. Bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu ra đời trong hoàn cảnh đó. Sau đó, chúng tôi đã chiến thắng và được Đại tướng viết thư khen với chữ ký là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Và lần thứ hai là tôi đang cùng quân đoàn 2 trên đường vào giải phóng miền Nam, thì ngày 7/4/1975 nhận được lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên và chiến sĩ” và ký tên “Văn”. Khi đó, đọc lệnh xong mà tôi rất xúc động. Khi đọc lệnh xong, toàn quân bấy giờ đang ngồi trên xe liền đứng cả dậy hô văng: “Quyết chiến quyết thắng. Hoan hô Đại tướng. Xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam”.
“Đó là những kỷ niệm khó mà quên được. Đó thực sự là những lời hịch của Tổ quốc”, vị tướng này nói.
Ông Cư cũng kể lại về lần cuối cùng ông gặp Đại tướng khi còn sống: “Lần tôi vào thăm cuối cùng đã cách đây vài tháng. Khi thấy tôi mặc quân phục thì Đại tướng ra hiệu hỏi tôi đi đâu mà mặc quân phục. Tôi báo cáo là đi hội thảo. Đại tướng lại hỏi tiếp: Hội thảo gì? Tôi báo cáo và Đại tướng gật đầu đồng ý. Sau đó, lúc tôi xin phép ra về, Đại tướng nắm tay rất chặt.
Đại tướng viết vào không khí chữ “viết” với ý là lệnh cho tôi viết cho xong cuốn sách mà tôi đã nhận lời với Đại tướng. Tôi đã viết xong và đã đưa đến nhà xuất bản. Tôi đã hoàn thành các mệnh lệnh và chỉ thị cuối cùng của Đại tướng”.
Qua những câu chuyện của Trung tướng Phạm Hồng Cư, chúng tôi có thể cảm nhận được tình cảm của ông đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau những phút hào hứng kể về những kỷ niệm đẹp với Đại tướng, trở về với thực tại khi Đại tướng đã ra đi, mắt ông lại ngấn nước, chùng xuống rồi bất chợt như nhìn một cách vô thức vào khoảng không trống lặng.