Khi gặp Trung tướng công an Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công An tại Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy ông xúc động mạnh trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng.
Vị trung tướng đang vui thú điền viên ở quê hương Tiền Giang xúc động: “Tôi đang ngồi uống trà với anh em cựu chiến binh, nhận được điện thoại báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi không tin. Gọi điện thoại hỏi bạn bè, mới biết đó là tin chính xác. Tôi ngồi lặng hồi lâu… Dù biết ông tuổi cao, sức yếu, thế nào cũng có ngày này nhưng nghe tin ông qua đời, tôi không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống trọn đời quá vẻ vang”.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành đã có những chia sẻ hết sức cảm động về 4 lần ông được vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người rất đáng kính, cả tài đức và trí tuệ. Ông là người thầy của cách mạng Việt Nam và là người thầy của riêng tôi. Ông đã để lại một sự nghiệp hết sức to lớn, vang dội khắp bốn biển năm châu, chính là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Từ chiến thắng này, cả thế giới biết rằng, Việt Nam là một nước nhỏ nhưng không yếu và không dễ dàng bị các thế lực hùng mạnh ức hiếp. Tự hào lắm!
Ông Nguyễn Việt Thành.
Chúng tôi đã học ở ông rất nhiều về phong cách làm việc tận tụy vì nước, vì dân. Là một Đại tướng nhưng ông luôn tìm cách gần gũi dân chúng, sâu sát đời sống của dân…Chúng tôi hay nói với nhau, chúng ta phải học rất nhiều ở bác Võ Nguyên Giáp để phục vụ dân được tốt hơn.
Sau ngày giải phóng đất nước, không còn xông pha đánh giặc, ông bắt tay vào chăm lo phát triển kinh tế đất nước. Một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Tiền Giang làm việc với cán bộ. Trong một bài nói chuyện, Đại tướng đã lấy câu thơ của tiền nhân Nguyễn Trãi để làm ý chủ đạo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Qua lần nói chuyện đó của ông, anh em chúng tôi cảm nhận được tư tưởng của ông: Chữ “dân” được ông đặt lên hàng đầu, làm việc gì cũng phải nghĩ đến đời sống của dân. Ông chính là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, làm đúng lời dạy của người: “Lấy dân làm gốc”.
Người dân miền Nam xếp hàng dài vào viếng Đại tướng.
Tôi nhớ mãi hình ảnh của vị tướng hiền lành, có đôi mắt sáng, không ngại đường bùn lầy lội, xắn quần đi thăm hỏi từng nông dân ở quê hương tôi. Ông hỏi đồng bào của mình về những vấn đề rất gần gũi trong cuộc sống: Mùa này thu hoạch trúng không, con cái ở nhà đi học ra sao….Bình dị như một người anh, người chú, người cha trong gia đình, không kiểu cách, xa vời. Người dân cảm thấy ấm áp, phấn chấn trước một lời thăm hỏi, một cái bắt tay của ông, trong hoàn cảnh đất nước còn thiếu thốn trong thời điểm vừa giải phóng.
Sau này ra Hà Nội nhận công tác, tôi may mắn được gặp ông 3 lần. Dù cao tuổi, tóc bạc, da mồi nhưng trí tuệ ông vẫn minh mẫn, dáng đi nhanh nhẹn… Điểm đặc biệt nhất là Đại tướng vẫn nắm bắt tình hình đất nước rất sâu sát và có những ý kiến đóng góp thiết thực, có lợi cho dân, cho nước. Với vị Đại tướng lừng lẫy này, dường như không có tuổi hưu, không biết thế nào là an nhàn tuổi già, vẫn xông xáo phụng sự tổ quốc cho đến sức tàn, lực kiệt.
Dẫu biết rằng, sinh lão, bệnh tử và với độ tuổi 103 của đại tướng đã là một điều hiếm, phúc đức lắm nhưng khi nghe tin ông từ trần, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng và bồi hồi xúc động.
Đất nước Việt Nam đã mất đi một người con ưu tú, một “đại công thần”. Hơn 80 triệu người Việt Nam khóc thương ông. Bạn bè thế giới ngả mũ chào kính cẩn vị Đại tướng đã đi vào huyền thoại và trở thành một tượng đài lịch sử, là biểu tượng của tinh thần bất khuất, yêu nước của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Ông đi về cõi vĩnh hằng, nhưng sự nghiệp, sự cống hiến của ông còn ở lại. Tên tuổi của ông vẫn còn vang trên môi mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng, trường tồn qua nhiều thế hệ. Ông là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam! Chúng ta sẽ tiếp tục noi gương ông, tiếp nối phấn đấu phụng sự đất nước ngày càng giàu đẹp.
Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Vĩnh biệt một con người đã sống trọn vẹn một chữ Người cao quý!”