"Chúng ta không chịu khuất phục"
Thầy Trần Trung Hiếu – một giáo viên dạy Sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ bức xúc về việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khoảng 2 tuần nay, tàu Trung Quốc luôn có hành động hung hăng đâm thẳng vào tàu của Việt Nam, dùng vòi rồng phun vào tàu của Việt Nam.
Thầy Hiếu chia sẻ: “Tôi rất bất bình về kiểu hành xử của một nước lớn như Trung Quốc, nói một đường làm một nẻo. Chính những hành động không thể chấp nhận được cả về đạo lý lẫn pháp lý của họ đang bị cộng đồng thế giới cô lập. Rõ ràng, Trung Quốc luôn có ý tưởng bành trướng từ ngàn xưa”.
Nêu rõ điều này qua những những thăng trầm của lịch sử nước nhà, thầy Trần Trung Hiếu dẫn chứng, 40 năm qua Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện âm mưu bành trướng. Cụ thể: Chiếm đóng Hoàng Sa (1974); gây chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc (1979); đánh đảo Gạc Ma (1988) và các hành động gây hấn chủ quyền biển đảo từ năm 2011 đến nay…
Nhưng lịch sử đã chứng minh, từ xưa tới nay, dù phải đối mặt với rất nhiều cuộc xâm lược của các nước, tất cả các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nước ta đều thắng lợi. Người Việt Nam có tinh thần đoàn kết, có truyền thống yêu nước sâu sắc... tạo thành sức mạnh dân tộc "vượt qua mọi sự khó khăn".
Thầy giáo Trần Trung Hiếu (giáo viên dạy Sử ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu) chụp ảnh bên cạnh ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo góc nhìn của người giáo viên này, để đối phó lại hành động của Trung Quốc, chúng ta cần phải kiềm chế mọi sự đụng độ bằng quân sự và tích cực đấu tranh ngoại giao để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận thế giới dựa trên cơ sở căn cứ pháp lý quốc tế.
Trước hành động gây hấn của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thời gian qua rất nhiều người dân ở khắp nơi trong nước, quốc tế đã tuần hành hòa bình phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.
Những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cũng thể hiện tình yêu đất nước trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Cụ thể, thầy Hiếu cho biết, rất nhiều học sinh của trường đã đồng loạt thay hình đại diện trang facebook cá nhân thành hình quốc kỳ, chủ quyền biển đảo…. hay có nhiều status bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc rất chân thật về sự kiện này.
“Điều đầu tiên khi tôi bước vào lớp, học trò của tôi hỏi rằng tình hình Biển Đông như thế nào, diễn biến ra sao? Tôi đánh giá rằng, giới trẻ rất quan tâm đến vấn đề này và mức độ quan tâm của các em khiến tôi thấy rằng học sinh có thể chán sử vì nhiều lý do nhưng không hề quay lưng với lịch sử. Đó là cử chỉ đáng trân trọng”, thầy Hiếu nhấn mạnh.
Giáo dục về biển đảo cho học sinh: Không thể chậm trễ
Về vấn đề giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Việt Nam, thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng, chương trình sách giáo khoa phổ thông còn nhiều thiếu sót về kiến thức chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, mỗi giáo viên phải linh hoạt để vận dụng, lồng ghép kiến thức, vấn đề thời sự Biển Đông vào bài giảng, buổi nói chuyện trên lớp, cuộc thi…
Người giáo viên tâm huyết với bộ môn lịch sử này cho hay, lịch sử có nhiều lợi thế nhất để chuyển tải thông tin về biển đảo, chủ quyền. Chính vì thế, theo thầy Hiếu thì: “Bản thân tôi, trong quá trình giảng dạy môn lịch sử, khi dạy đến những kiến thức liên quan đến âm mưu và hành động của các vương triều phong kiến Trung Quốc thời cổ trung đại cũng như chính quyền Trung Quốc gần nửa thế kỷ qua đối với Việt Nam, tôi thường phân tích và xâu chuỗi tất cả các kiến thức và sự kiện để giúp học sinh nhận thức một cách đúng đắn bản chất của vấn đề này”.
Giáo dục học sinh về biển đảo: Không thể chậm trễ
Cô giáo Nguyễn Thị Hợp (giáo viên dạy Sử, Trường THPT Hồng Thái, Đan Phượng) bày tỏ: “Đây rõ ràng là một động thái có toan tính với những bước đi rõ ràng, có lộ trình và ngày càng ở mức độ nghiêm trọng. Giàn khoan Hải Dương 981 giống như một phép thử về lòng kiên nhẫn và sự tỉnh táo của ta.
Với một hành động ngang ngược như vậy thì ta cần một sự đáp trả cứng rắn hơn. Lần này, tôi thấy Việt Nam đã sử dụng sức mạnh mềm khá hiệu quả từ bảo chí, truyền thông cho đến vận động bạn bè quốc tế đứng về phía ta.
Còn về việc giáo dục học sinh về biển đảo trên ghế nhà trường cần phải thực hiện ngay, chứ không thể đợi đến năm 2015 thay đổi SGK. Thiết nghĩ, các trường THPT nên linh hoạt hơn trong việc xây dựng chuyên đề hoặc thiết kế nội dung chương trình về chủ quyền biển đảo. Có thể là trong các tiết sinh hoạt, hoặc chào cờ đầu tuần, hoặc nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhà trường nên tiến hành các buổi ngoại khóa về chủ đề trên”.
Clip tàu TQ đâm tàu VN. (Nguồn VTV1)
Cận cảnh tàu Trung Quốc tiếp tục uy hiếp tàu Việt Nam