Đề nghị Trung Quốc sớm thông báo kết quả
Bà Hằng nói phía Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm thông báo cho Việt Nam kết quả tiến hành điều tra thủ phạm và trừng trị theo pháp luật.
“Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc đã khẩn trương làm việc với các cơ quan sở tại điều tra và làm rõ nguyên nhân vụ việc cũng như tiến hành bảo hộ cần thiết.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc đã hỗ trợ gia đình nạn nhân hoàn tất các thủ tục cần thiết để đưa thi hài bà Hà Thúy Linh về nước, cũng như hỗ trợ gia đình và đại diện pháp lý của nạn nhân làm việc với các cơ quan chức năng Trung Quốc” - bà Hằng thông tin thêm.
Có thể yêu cầu cơ quan lãnh sự VN tại nước ngoài hỗ trợ
Sự việc bà Hà Thúy Linh, doanh nhân ở Lâm Đồng, nghi bị sát hại tại Trung Quốc, hiện gia đình vẫn chờ đợi để đưa thi thể bà về nước. Dưới góc độ pháp luật, luật sư Hà Hải cho biết:
- Theo quy định tại khoản 7, điều 2 nghị định 58/2013/NĐ-CP, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, trong trường hợp bà Hà Thúy Linh là Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, nơi có toàn quyền phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Ngay khi biết bà Linh bị sát hại tại Trung Quốc, Tổng lãnh sự quán sẽ gửi công hàm yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành điều tra làm rõ vụ việc và thông báo cho Tổng lãnh sự.
Như vậy, thân nhân người bị hại có thể yêu cầu lãnh sự thông báo tình hình vụ việc và tiến độ giải quyết vụ án.
Theo quy định tại khoản 3, điều 8 Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài:
“Trong trường hợp công dân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình”.
Do đó gia đình người bị hại nếu chưa thể trực tiếp liên hệ, làm việc với cơ quan chức năng, tham dự phiên tòa tại Trung Quốc thì Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông sẽ là đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc cung cấp thông tin, tham gia các buổi làm việc và tham dự các phiên tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân Việt Nam.
Về phía Trung Quốc, theo quy định của Luật tố tụng hình sự nước này, khi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tố tụng sẽ khởi tố vụ án và điều tra truy tìm hung thủ. Vụ việc của bà Linh xảy ra tại TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Do đó, Công an TP Đông Quản là nơi có trách nhiệm điều tra làm rõ vụ việc.
Cũng theo quy định từ điều 19 đến điều 23 Luật tố tụng hình sự và điều 393 chương 18 nghị quyết “Giải thích Luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành, vụ án sẽ được mang ra xét xử tại tòa án cơ sở TP Đông Quản hoặc tòa án trung cấp TP Đông Quản nếu có yêu cầu từ tòa án cấp trên.
Qua thông tin báo chí thì vụ án của bà Linh có dấu hiệu “giết người xuất phát từ mục đích cướp tài sản”, “thủ đoạn giết người tàn khốc”, “dùng cách thức bạo lực, uy hiếp hoặc cách thức khác chiếm đoạt tài sản chung”, “đánh cướp dẫn đến trọng thương, tử vong” nên theo điều 230 và điều 265 Luật hình sự Trung Quốc, hình phạt cao nhất sẽ là tử hình và phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.