Liên quan việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về phía đảo Hải Nam, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, việc làm này của Trung Quốc là hết sức bình thường nhưng ẩn sau đó là những âm mưu, thủ đoạn mới mà chúng ta cần phải đề phòng.
"Động thái của Trung Quốc tiến hành dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam là việc đã được dự báo trước và có thể thấy, cái lý do cơ bản, đó là do hai cơn bão lớn. Cơn bão trước hết đó là cơn bão số 2 có sức gió rất mạnh chuẩn bị đổ bộ vào Biển Đông nên Trung Quốc phải rút giàn khoan để đảm bảo an toàn. Còn cơn bão thứ hai đó chính là cơn bão dư luận của nhân dân thế giới và Việt Nam trong suốt hơn hai tháng qua nhằm đấu tranh trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Đặc biệt hơn, những hành động ngang ngược của Trung Quốc đã không chỉ gây chấn động ở Việt Nam, khu vực mà còn trên toàn thế giới, nó cũng làm mất đi uy tín, danh dự của nước này trong thời gian qua. Đồng thời, cả thế giới đã cô lập Trung Quốc khiến nước này phải di chuyển giàn khoan về.
Thêm vào đó, cũng có thể thấy, lý do di chuyển ở đây còn liên quan đến mặt kỹ thuật, thời gian thăm dò đã có kết quả như phía Trung Quốc đã thông báo.
Nhưng dù họ có rút giàn khoan thì chúng ta lúc nào cũng phải đề cao tinh thần cảnh giác với cách làm của nước này. Trung Quốc di chuyển giàn khoan không phải là vì từ bỏ ý đồ xâm lược, không thực hiện được âm mưu của họ mà ở đây, Trung Quốc di chuyển ra để sắp đặt ý đồ, âm mưu mới cùng cách làm mới, thâm độc hơn.
Vì lẽ đó, từ động thái mới này của Trung Quốc, chúng ta cần phải có những suy nghĩ, tính toán phù hợp để tăng cường khả năng phòng thủ, phản ánh nhanh nhạy, hiệu quả hơn nhằm chống lại những âm mưu, ý đồ, hành động tương tự của nước này, nếu lặp lại", ông Mưu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mưu, để giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ còn phải mất nhiều thời gian nên chúng ta cần phải chuẩn bị thật kỹ, chắc chắn.
"Phải khẳng định lại rằng, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiến Biển Đông, bởi nước này đã thực hiện mưu đồ Đại Hán từ hàng ngàn năm nay và bây giờ là những thời kỳ mà họ thể hiện một cách rõ rệt nhất tư tưởng này.
Việc đặt giàn khoan và một số hành động vừa rồi chẳng qua chỉ là sự liên tiếp của các hành động trước đây. Ví như năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam... hay việc đưa ra đường lưỡi bò 9 đoạn để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc, độc chiếm đến 80% diện tịch Biển Đông.
Song song với đó, họ còn tiến hành xây dựng trái phép trên các đảo Gạc Ma, Tư Nghĩa, Châu Viên, đảo Chữ Thập... của Việt Nam, nhằm biến các nơi này thành khu vực quân sự của Trung Quốc thể hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Vì thế, chúng ta không nên chỉ nhìn vào động thái di chuyển giàn khoan này để hy vọng, tin rằng Trung Quốc kết thúc mà đây chỉ là sự nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ý đồ lớn hơn, thâm độc hơn.
Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị tư duy tốt hơn, lực lượng chắc chắn hơn để phòng, chống những âm mưu thâm độc của Trung Quốc trong thời gian tới.
Một trong số đó là cần tăng cường đảm bảo trang thiết bị, tàu hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và nhất là bà con ngư dân, vì đây chính là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông...", ông Mưu nói.
Theo báo Tuổi Trẻ, lúc 10g sáng nay 16-7, ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư - Bộ NN&PTNT), cho biết lực lượng kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo tại thực địa đã không còn tàu của Trung Quốc.
Toàn bộ tàu của Trung Quốc đã theo áp tải, bảo vệ giàn khoan về phía đảo Hải Nam.
Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan rút về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin. Cơn bão Rammansun như vô tình trở thành cơ hội để Trung Quốc rút giàn khoan về.
“Không thể tin những gì họ nói, cũng không thể lường trước được. Vì thế, kể cả nó đã rút về thì lực lượng kiểm ngư vẫn rất cảnh giác, theo dõi và cập nhật tình hình trong những ngày tới” - ông Hà Lê nói.
Theo ông Hà Lê, ngay khi có thông tin về cơn bão Rammansun sẽ đổ bộ vào khu vực biển Hoàng Sa, Cục kiểm ngư đã lên kế hoạch, phương án để các tàu kiểm ngư, cũng như các tàu ngư dân đang hoạt động trên khu vực này sẽ về bờ để trú tránh bão. Đến lúc này, phía Trung Quốc đã di chuyển tàu và giàn khoan về rồi, nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn chưa có lệnh rút.
Theo ông Lê, với điều kiện thời tiết như hiện nay, đội tàu kiểm ngư có thể mất 10-12 giờ để vào đến đất liền.
Trước đó, lúc 8g40 sáng 16-7, PV Hà Bình quan sát từ rada của tàu cảnh sát biển 4034 cho biết toàn bộ tàu Trung Quốc quanh vị trí cũ của giàn khoan Hải Dương 981 đã rút. Nhánh khác, PV Đông Hà báo: giàn khoan 981 di chuyển trong vòng bảo vệ dày đặc tàu Trung Quốc.
Ngày 15/7, các lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam ngoài nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển còn phải chủ động đối phó với bão Rammasun đang tiến vào Biển Đông. (Nguồn: VTV)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA