Trung Quốc đang tự hạ thấp uy tín quốc gia như thế nào?

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Cựu đại sứ Nguyễn Quý Bính cho rằng: “Phương thức ngoại giao của Trung Quốc là “thô thiển, mâu thuẫn, và bất chấp đạo lý”.

>>> "Trung Quốc đang sợ sự phản ứng mạnh mẽ của người dân Việt Nam"

Không chỉ có những hành động ngang ngược bên cạnh việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông, trong những ngày vừa qua, Trung Quốc còn liên tục có những tuyên bố hết sức vô lý để ngụy biện cho hành động phi pháp của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc phần tiếp theo những ý kiến của ông Nguyễn Quý Bính – giáo viên trường Đại học Hà Nội, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia - về vấn đề này.

Cựu Đại sứ Nguyễn Quý Bính tại đảo Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cựu Đại sứ Nguyễn Quý Bính tại đảo Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

PV: Xin ông có thể chia sẻ đôi điều về lý do Trung Quốc ngại quốc tế hóa vấn đề Biển Đông? Việt Nam cần phải tiến hành ngay những gì bên cạnh việc đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án Luật Biển?

Ông Nguyễn Quý Bính: “Thực ra, báo chí quốc tế đã bình luận việc Trung Quốc vu cáo Việt Nam ở Liên hợp quốc mới đây là điều khó hiểu, bởi từ trước đến nay Trung Quốc đều tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đàm phán song phương. Bắc Kinh cũng nhiều lần chỉ trích các “bên thứ ba” và những nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông. Chiêu bài “chống quốc tế hóa" là lập luận cũ rích chỉ để nói với người dân Trung quốc và những ai không hiểu biết. Ai cũng biết Trung Quốc rất sợ bị vạch mặt và lên án trước dư luận quốc tế”.

Những việc Việt Nam cần tiến hành ngay bây giờ là mở rộng quan hệ kinh tế với các đối tác khác thay thế cho lượng hàng hóa đang xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Về chính trị và an ninh, chúng ta cũng phải có cách tiếp cận tổng thể mới; nhìn rõ bối cảnh quốc tế và khu vực sau chiến tranh lạnh khác với thời kỳ kháng chiến trước đây, lấy lợi ích quốc gia và dân tộc làm căn bản.

Trong quan hệ song phương với Trung Quốc, chúng ta phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa quan hệ hữu nghị với bình đẳng về quyền lợi. Các nước khác, nhất là các nước nhỏ quan hệ với các nước láng giềng lớn, muốn cân bằng được các lợi ích khác nhau phải có chính sách rõ ràng, hợp tác hữu nghị đi đôi với tôn trọng lợi ích mỗi bên.

Về kinh tế, ngoài việc điều chỉnh vĩ mô về quan hệ thương mại, chúng ta phải kiện toàn các quy định rất chi tiết; cụ thể như trong qui định về buôn bán qua biên giới hoặc trong qui chế về xuất nhập cảnh, không để cho các thương lái Trung Quốc sang gây rối như mua móng trâu, mua đỉa... như vừa qua. Các nước khác cho nhập cảnh du lịch khá tự do, nhưng visa du lịch phải cấm thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh buôn bán nào, chưa nói là có hành động phá hoại kinh tế mà không bị xử phạt nghiêm khắc và cấm nhập cảnh trở lại sau đó. Những thay đổi như vậy chỉ làm cho quan hệ Việt - Trung tốt lên chứ không hề xấu đi.

PV: Thưa ông, sự đáp trả của phía Trung Quốc ngay sau khi bị chỉ trích tại diễn đàn Shangri-La 2014, cũng như sau tuyên bố của các nước G7 cho thấy điều gì?

Ông Nguyễn Quý Bính: Ở diễn đàn, khi bị nước khác lên án mà phản bác lại là điều bình thường, nhưng phản bác của đại diện Trung Quốc thì nực cười và cộc cằn. Tôi có nghe nói là đại diện Trung Quốc còn phát biểu rằng, Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982) không áp dụng với vùng Biển Đông bởi Trung Quốc đã có chủ quyền lịch sử 2000 năm đối với vùng biển này. Nếu đúng như vậy thì thật nực cười.

PV: Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan mà còn có nhưng hành động ngang ngược hơn nữa thì Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Quý Bính: Điều đó phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc và khả năng vận động đấu tranh của Việt Nam. Cách làm của Trung Quốc là leo thang từng bước, gây xung đột ở mức độ thấp, kiềm chế đối đa đối phương, cố tình đánh lạc hướng dư luận và dần dần lấn tới.

Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận và đối sách đúng đắn của Việt Nam, nếu làm cho Trung Quốc rơi vào thế bất lợi thì họ phải cân nhắc lại hành động của mình. Tôi hi vọng là họ cân nhắc đúng. Về phía Việt Nam, chúng ta phải huy động được cao nhất sự ủng hộ của quốc tế; phải chủ động trên mọi diễn đàn chứ không ai khác có thể làm thay ta. Nếu chúng ta không chủ động và không đủ bản lĩnh để “đối đầu trong hòa bình” với họ thì không tạo được sức mạnh tổng hợp và chúng ta sẽ thua.

PV: Việc tuyên truyền tới người dân Trung Quốc sự thật tại Biển Đông luôn được nhiều người nhắc đến và đánh giá ở mức độ rất quan trọng. Thưa ông, trong việc này, ngoài yếu tố kiên trì, chúng ta cần phải chú ý điều gì?

Ông Nguyễn Quý Bính: Tôi tin là lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bưng bít được mãi đối với dư luận trong và ngoài nước; nhưng chúng ta phải tích cực tuyên truyền. Thông tin từ những hội thảo quốc tế, từ những học giả và những tài liệu quốc tế truyền vào Trung Quốc sẽ giúp nhân dân Trung Quốc có thể hiểu rõ hơn về những điều mà lãnh đạo đất nước họ đang nói và làm. Không phải người Trung quốc nào cũng nghe theo một cách mù quáng những tuyên truyền sai sự thật của lãnh đạo nước họ.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại