Trung Quốc cấm biển vô lý: Ngư dân vẫn bình thản vươn khơi

“Quá quen rồi, năm nào Trung Quốc cũng cấm biển Hoàng Sa, ngư dân xem đó là chuyện thường. Biển của mình, mình cứ bình thản vươn khơi. Không sợ chi hết”.

Ở Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), ngư dân miền Trung cũng không hề e ngại, quyết tâm đánh bắt những chuyến biển xuyên giao thừa…

Trên thực tế, câu chuyện “tiền trảm hậu tấu” của phía Trung Quốc khi ra lệnh cấm biển như những năm trước lại tái diễn. Ngư dân đã quá quen với “chiêu bài” này.

Phải giữ gìn của báu Hoàng Sa

Dẫu quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm giữ, nhưng trong tiềm thức ngư dân Lý Sơn, Hoàng Sa là của Việt Nam, nên công việc giữ gìn “của báu” Hoàng Sa cùng việc khai thác hải sản ở ngư trường này là lẽ đương nhiên.

Ngư dân Dương Châu, thuyền trưởng tàu cá QNg 96059 TS (An Hải), người có thâm niên trên 20 năm bám biển Hoàng Sa cho biết, những năm trước đây, phần lớn tàu cá của ngư dân Lý Sơn đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường vùng biển quần đảo Hoàng Sa, đây là ngư trường truyền thống, dồi dào nhiều loại hải sản quý hiếm, đây cũng là ngư trường mà mấy trăm năm trước tổ tiên ông bà của ngư dân Lý Sơn đã đổ xương máu, đạp sóng ra đây để đo đạc hải trình, dựng bia cắm mốc chủ quyền nên ngư dân Lý Sơn luôn coi ngư trường này như vườn nhà.

“Hoàng Sa là của Việt Nam, đây là vùng biển mà ngư dân Quảng Ngãi cũng như miền Trung đánh bắt từ bao đời nay, vì vậy, Quảng Ngãi phản đối lệnh cấm biển của bất cứ ai gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của ngư dân. Chúng tôi khuyến khích ngư dân vươn khơi gìn giữ chủ quyền và các ngành chức năng sẽ có những biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất” . Ông Cao Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói

Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng tàu cá của ngư dân Lý Sơn ra khai thác hải sản tại ngư trường này đã giảm đáng kể, do “thiên tai và nhân tai” thường xuyên xảy ra, nhưng với thuyền trưởng Châu và hàng trăm chủ tàu cá trên đảo Lý Sơn dẫu khó khăn nhưng quyết bám biển Hoàng Sa - Trường Sa đến cùng. Chủ tàu cá QNg 96197 TS Phạm Mỹ (An Vĩnh) đang đánh bắt ở Hoàng Sa, nói qua ICOM với anh Lê Khuân: Ai cũng biết Hoàng Sa bây giờ khó, rủi ro luôn rình rập, nhưng đây là ngư trường của ông bà tổ tiên để lại nên thế hệ con cháu chúng tôi dù khó khăn đến mấy cũng quyết bảo vệ gìn giữ đến cùng, “Nhà tôi 3 đời theo nghiệp biển, người mất, thuyền mất tại ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa đều có, nhưng không vì thế mà mình nản chí, là thế hệ con cháu, mình phải có bổn phận bảo vệ giữ những gì ông bà tổ tiên đã đổ bao xương máu để  gìn giữ”.

Theo thuyền trưởng Mỹ; ngư trường Hoàng Sa là máu thịt, là một phần lãnh hải của quê hương, do đó, dù khó khăn đến mấy ông và các bạn chài của ông quyết không bỏ ngư trường truyền thống này.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, Từ đầu năm đến nay, có hàng chục tàu cá của ngư dân Lý Sơn gặp tai nạn rủi ro tại ngư trường Hoàng Sa, để hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển bám ngư trường, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động ngư dân về chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, về ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng thời có chính sách hỗ trợ hoặc đề xuất các cấp ngành có chính sách hỗ trợ thiết thực đến tay ngư dân để họ có điều kiện tiếp tục vươn khơi bám biển.

Quyết vươn khơi, bám biển

Ngư dân chuẩn bị những lá cờ mới tinh để vươn khơi.

Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh (ĐNA 90449 - Thanh Khê, Đà Nẵng) đang chuẩn bị chuyến biển cuối năm, tiếp nhận thông tin cấm biển không mấy bất ngờ.

Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho hay, ông và các bạn chài đã khẩn trương sửa chữa lại tàu, mua thêm ngư cụ để tiếp tục bám biển cuối năm. “Dù họ có bắt bớ, tịch thu tài sản..., tôi và các bạn chài đi trên tàu cũng không sợ, vẫn quyết vươn khơi bám biển, bởi Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Hoàng Sa là của ông bà tổ tiên để lại nên ngư dân Lý Sơn chúng tôi không bỏ ngư trường này. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, mình luôn đề cao cảnh giác khi thấy tàu lạ đến gần”, thuyền trưởng Thạnh quả quyết.

Ngư dân Dương Văn Giàu, chủ tàu cá QNg 96417 TS (An Hải) tính toán, dịp cuối năm âm lịch là thời điểm thời tiết thuận lợi, nguồn hải sản dồi dào nên phải tranh thủ cho tàu ra khơi bám biển bám ngư trường.

“Mỗi khi vươn khơi bám biển Hoàng Sa vì làm ăn kinh tế, vì chủ quyền biển đảo của tổ quốc, ngư dân chúng tôi sẽ liên kết để tiếp tục bám biển, bám ngư trường truyền thống”.

Ông Nguyễn Quốc Chinh; Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cho biết: Nghiệp đoàn đã thông báo đến các chủ phương tiện tàu cá biết để cảnh giác đề phòng khi khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, phân công trực canh hệ thống ICOM cộng đồng 24/24 để theo dõi hoạt động của ngư dân trên biển, mặt khác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cho đoàn viên hiểu rõ những qui định khi hành nghề trên biển . . . thành lập gắn kết các tổ đội từ 3 đến 5 phương tiện để liên kết, bảo vệ lẫn nhau khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển, nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra đối với bà con ngư dân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại