Trưng dụng phương tiện của dân, bị hỏng bồi thường ra sao?

Hoàng Đan |

Theo LS Triển, luật đã quy định, việc trưng dụng tài sản của người dân phải có quyết định của Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng nên việc CSGT có thể làm việc này là trái luật.

Thông tư trái luật

Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/2 cho phép CSGT có quyền trưng dụng tài sản của người dân.

Các loại tài sản có khả năng bị trưng dụng khá rộng, từ chiếc xe máy đến máy chụp ảnh, máy quay phim, camera hành trình hay chiếc điện thoại trong túi quần, máy tính bảng trong túi xách…

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho hay, việc Bộ Công an ban hành Thông tư 01/2016 thể hiện trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Bộ để điều khiển giao thông, xử lý vi phạm về luật giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo ông Triển, khi ban hành một văn bản pháp luật cần căn cứ vào thực tiễn xã hội, quy luật, quan hệ phát sinh về phần mình cần điều chỉnh và cần quán triệt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để không trái, không ngược.

Cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại ngã tư Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi chiều 20-10-2015 - Ảnh: Thanh Tùng/ Tuổi trẻ.
Cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại ngã tư Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi chiều 20-10-2015 - Ảnh: Thanh Tùng/ Tuổi trẻ.

"Đây là văn bản mang tính chất quy phạm ở cấp Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, nó lại trái với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cụ thể, việc trưng dụng phương tiện hay tài sản của công dân, tổ chức đã có Luật Trưng dụng tài sản. Theo đó, thẩm quyền trưng dụng là phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng thuộc lĩnh vực đó.

Tài sản trưng dụng có thể là phương tiện, camera hay điện thoại... Như vậy, việc CSGT có thể có quyền trưng dụng tài là trái luật.

Chưa kể, một văn bản có hiệu lực pháp luật yếu hơn thì không được trái văn bản luật cao hơn", ông Triển nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, không chỉ trái luật, việc cho phép CSGT trưng dụng phương tiện, tài sản của người dân có thể dẫn đến lạm dụng, không phải vì mục đích an toàn giao thông mà vì mục đích khác.

"Trước hết, CSGT tại các nút, bốt giao thông thì trách nhiệm trang bị phương tiện như xe ôtô, xe máy phân khối lớn, camera ở các ngã ba, ngã tư là của Nhà nước và điện thoại thì hầu như không được trang bị thì đều có của cá nhân.

Thế nên, việc trưng dụng có thể bị biến thành lạm dụng. Ví như, khi có các hành vi tiêu cực của CSGT mà lâu nay người dân quay chụp lại thì họ có thể lợi dụng việc trưng dụng để xóa đi những hình ảnh tiêu cực.

Còn đương nhiên, khi xảy ra tai nạn giao thông hay vấn đề khẩn cấp, truy bắt tội phạm theo quyết định, chống bạo loạn theo quy định của luật CAND thì việc trưng dụng phương tiện được thực hiện theo quy định của pháp luật cụ thể.

Cần nói rõ hơn là, đối với CSGT, việc xử lý vi phạm chỉ dựa trên mức độ xử phạt hành chính, tuân thủ về luật giao thông thì không thể quy vào truy đuổi tội phạm hay phòng chống bạo động được để trưng dụng phương tiện của người dân...", luật sư Triển nói.

Một vấn đề cũng được luật sư Triển đặt ra, đó là đã trưng dụng thì phải bảo quản tài sản của người dân tốt.

"Nếu khi trưng dụng mà làm hỏng thì trách nhiệm bồi thường ra sao? Quy định này chưa thực sự cụ thể, rõ ràng. Cá nhân tôi cho rằng, với ý thức cầu thị, Bộ Công an nên chỉnh sửa lại cho phù hợp", ông nhấn mạnh.

Nếu muốn thực thi phải sửa cả Hiến pháp

Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng dẫn Điều 23 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền sở hữu tài sản của công dân và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 nêu rõ:

Tại Điều 24 (Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản) của đạo luật quy định:

Các bộ trưởng Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh là những chủ thể có quyền ban hành quyết định trưng dụng tài sản.

Đặc biệt, để tránh lạm quyền trong khi thực thi nhiệm vụ, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cũng yêu cầu: “Người có thẩm quyền không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản”.

"Như vậy, chúng ta đã có luật điều chỉnh cụ thể, quy định chi tiết các chủ thể được phép ra quyết định trưng dụng tài sản, nay lại có thông tư (dưới luật) cụ thể hoá, song trái với văn bản pháp lý cao hơn.

Điều này có nghĩa, nếu muốn thông tư 01/2016 của Bộ Công an có hiệu lực thi hành thì phải sửa luật, thậm chí sửa cả Hiến pháp.

Đây là một quy định sai pháp luật rõ ràng và sẽ không thể triển khai khi luật không cho phép”, ông Long nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại