TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - "Nhân buổi giao lưu này, tôi được bày tỏ gan ruột của mình về vị tổng chỉ huy lỗi lạc dường như chưa từng có của đất nước này", Thiếu tướng Hồ Phương.

Xin trân trọng kính mời quý vị độc giả tiếp tục theo dõi cuộc Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân" của Báo điện tử Trí Thức Trẻ được tổ chức vào sáng nay (15/10)

ĐỌC LẠI PHẦN 1

 TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)
 
Nguyễn Duy Khiêm - Hà Nội

Thưa Đại sứ, trong cuộc gặp đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điều gì ở người khiến ông ấn tượng sâu sắc nhất?

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, ngài Jorge Rondón Uzcátegui

Từ những năm 14 - 15 tuổi, tôi đã bắt đầu đọc sách, bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam. Cũng từ đó, tôi đã biết tới những cái tên làm nên lịch sử của Việt Nam.

Năm 2006, khi cố Tổng thống Hugo Chavez tới thăm Việt Nam, tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã được có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình - lần đầu được gặp và nói chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà tôi hằng yêu mến và ngưỡng mộ.

Vào thời điểm năm 2006 đó, Đại tướng vẫn rất minh mẫn, am hiểu sâu sắc về tình hình thế giới và tình hình Venezuela. Người đã trao đổi với cố Tổng thống Chavez về thành tựu mà ông ấy đã đạt được từ khi lên nắm quyền.

Mặc dù Đại tướng là nhà chiến lược quân sự, được cả thế giới biết tới, song trong đời thường, ông lại là người rất bình dị, nhân văn và rất có khiếu hài hước.

Lại Thị Bích Hà - Hà Nội

Thưa ông, ông có nhớ về kỷ niệm nào giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân để lại nhiều cảm xúc nhất?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chắc chắn là có rất nhiều mà ở đây tôi chỉ đơn cử một lần Đại tướng tiếp một cựu chiến binh. Đó là vào thời điểm tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn Đại tướng chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì bỗng nhiên, có một quân nhân tuổi cũng đã cao xuất hiện bất ngờ vì không được báo trước. Cuộc phỏng vấn tạm dừng, vị khách “không mời mà đến” đứng nghiêm chào Đại tướng theo tác phong nhà lính và báo cáo rành rọt: “Tôi là một người lính theo Đại tướng đánh giặc. Lần đầu được ra Hà Nội, tôi tìm đến nhà Đại tướng chỉ để báo cáo rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Rồi người lính già ấy lấy từ trong ba lô một gói hạt tiêu và một quyển vở trân trọng trao cho Đại tướng và nói tiếp: “Em quê ở Quảng Bình mang món quà quê hương và mấy vần thơ tặng Đại tướng”.

Vị Đại tướng của chúng ta vẫn bình thản theo dõi và tươi cười ôm chặt vị khách của mình với những lời động viên chân thành đối với một cựu chiến binh cũng là một chiến sĩ cũ của mình một cách rất tự nhiên như đã quen biết từ lâu. Khách ra về, ông quay sang nói với tôi: “Nếu không có những con người như thế thì làm sao tôi có một sự nghiệp”.

Cổng nhà ông luôn có cảnh vệ đứng gác nhưng tôi biết rằng nó luôn rộng mở đối với mọi người. Chụp được tấm ảnh hai người ôm hôn nhau, tôi đã đăng trên bìa số tạp chí của Hội Sử học và gửi biếu người lính già Quảng Bình. Ít lâu sau, ông viết thư cảm ơn và cho biết nhờ số báo in tấm ảnh ấy mà dân làng ông mới tin cuộc gặp Đại tướng của ông là có thật.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)
 
Lê Thanh - Hà Nội

Thưa ông Alain Ruscio, ông từng nói: Võ Nguyên Giáp không bao giờ nói tới cái "tôi". Ngoài việc Đại tướng không thừa nhận bản thân mình đã làm nên lịch sử mà nói rằng "chính quần chúng nhân dân", điều gì khác nữa thể hiện tính cách, phẩm chất này của Đại tướng?

Nhà sử học Alain Ruscio

Khi phân tích cho tôi nghe về những thời khắc lịch sử của Việt Nam, Đại tướng luôn nói về sự dũng cảm của nhân dân, trí tuệ của nhân dân. Nhưng, đôi khi, ông cũng dùng từ "tôi", bởi lẽ, trong một số hoàn cảnh, cần phải có phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Ví dụ khi ông giải thích với tôi tại sao vào phút cuối, ông lại quyết định thay đổi kế hoạch tổng tấn công ở Điện Biên Phủ, tháng 1/1954

Nguyễn Thị Lan - Bắc Ninh

"Chiến thắng bằng mọi giá" có mâu thuẫn với "tiếc từng giọt máu bộ đội" không, thưa dịch giả Nguyễn Văn Sự? Tôi thì thấy rất chi là mâu thuẫn!

Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Câu "Chiến thắng bằng mọi giá" hiểu đúng đắn thì không có gì sai, khi mình có 1 lý tưởng đúng đắn thì cái gì cũng giành được. Nhưng câu này nguy hiểm vì nếu nghĩ rằng có thể dùng mọi lúc.

Người nước ngoài dịch thế nhưng khi đưa về tiếng Việt đã có sự sai lệch, Đại tướng không có ý định thắng lợi bằng mọi giá, thắng lợi mà đổ nhiều máu thì cũng không được. Thắng lợi mà quân sĩ hi sinh nhiều thì cụ không đồng ý.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)
 
Một Việt kiều tại Nga

Xin hỏi ý kiến ông Vũ Mão: Là người dân, tôi thấy cụ Giáp được cả dân tộc tôn kính, không có cụ chúng ta chẳng có cuộc sống hôm nay, liệu Nhà nước có xây nhà tưởng niệm, đặt tên đường, đúc tượng cụ, đặt tên công trình... để con cháu đời đời ghi nhớ công ơn, ân đức của cụ không? Xin cám ơn.

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tôi nghĩ đây là những việc làm rất cần thiết. Qua kinh nghiệm của các nước trên thế giới, những nhà tưởng niệm, những con đường, đúc tượng,... được làm rất nhiều. Nó có tác dụng như một thông tin, một tín hiệu để giúp cho lớp trẻ nhớ công lao của các thế hệ cha ông đi trước. Đó cũng là một biểu hiện của một đất nước văn minh.

Tại Việt Nam, chúng ta đã làm nhưng chưa được nhiều. Trong thời gian tới, tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Lê Thị Thanh Hải - Giáo viên

Thưa ông Hàm, Đại tướng là người không bao giờ mưu cầu bất cứ lợi ích gì chi cá nhân, gia đình, các con... Ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Võ Đại Hàm

Đại tướng là một con người suốt đời đi theo Bác Hồ và vinh dự theo Bác Hồ lâu nhất. Trong gia đình, đối với con cháu, tôi nhớ lần cụ về quê khi ngồi ăn cơm họ hàng, cụ nói: “Ngày xưa người ta nói một người làm quan, cả họ được nhờ, giờ tôi làm quan mà bà con không được nhờ gì. Bà con làm cái gì đúng pháp luật, nhà nước cho phép, chứ không phải tôi như thế này mà làm điều không hay”.

Các gia đình trong dòng họ của Đại tướng đều là người có công với cách mạng, nhưng cụ dặn dò: “Nhà nước mình còn nghèo, mình phải làm giàu như thế nào cho tốt”.

Có lần, tôi nghe người dân Lệ Thuỷ nói, ở Mỹ Đức (Sơn Thuỷ) xây dựng nhà thờ nhưng thiếu đất và nhờ cụ Giáp. Nhưng cụ nói: “Nói về đất đai là tôi không can thiệp được, Nhà nước cho đất như thế nào thì làm thế ấy, cho làm chỗ nào thì làm chỗ ấy. Còn để làm nhà thờ, bản thân tôi cũng như gia đình tôi đóng góp theo quy định của dòng họ”.

Những câu chuyện mà tôi nghe được cho thấy Đại tướng lúc nào cũng nghĩ đến mọi người, con cháu, họ hàng nhưng không có chuyện chạy quyền chạy thế.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)
 
Một độc giả giấu tên gửi về tòa soạn

Một số tướng lĩnh đã đề xuất: Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên trở thành bảo tàng Võ Nguyên Giáp? Ý kiến của bà về đề xuất này?

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Tôi nghĩ đây cũng là ý tưởng hay. Vấn đề quan trọng là chúng ta trân trọng những cái mà tướng Võ Nguyên Giáp đã có, không nên làm những gì lớn lao quá, mất đi phẩm chất giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu cứ để đó, giữ nguyên vẹn thì sẽ phản ánh được những đức tính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu làm được như vậy, tôi cho là quá tuyệt vời!

Nguyễn Nam Phương - Hà Nội

Thưa nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, trong lịch sử Việt Nam có bài học nào về chuyện vua, quan được lòng dân mà ông thấy tâm đắc nhất và bài học mất lòng dân nào đau đớn nhất?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn song hành hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước. Nhưng những thử thách lịch sử thường hướng tâm thức người dân vào những cuộc chiến tranh vệ quốc đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử trước những thế lực hùng mạnh, trước tiên là từ phương Bắc, tiếp đó từ phương Tây… Được lòng hay mất lòng dân dễ thấy nhất là trước thử thách sống còn của quốc gia dân tộc. Những người có công vào sự nghiệp này được người dân muôn đời tôn vinh và ngược lại.

Nói chung, bài học thân dân, cận dân, đi suốt lịch sử khiến các bậc lãnh đạo quốc gia phải soi mình. Có nhiều vị vua, vị quan, được lòng dân vì đã góp công sức lãnh đạo đất nước vượt qua những cuộc chiến tranh giữ nước. Có người nêu lên hiện tượng về sự xuất hiện những “bộ đôi kiệt xuất” trong lịch sử như Lý Thái Tổ và Lý Thường Kiệt; Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo; Lê Thái Tổ và Nguyễn Trãi; Quang Trung và Ngô Thì Nhậm… Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Đó là những người anh hùng dân tộc của sự nghiệp giữ nước và cứu nước. Trong lịch sử, có những người mang chí lớn nhưng sai lầm thất bại, ví như Hồ Quý Ly thì người dân và lịch sử rất công minh nhắc tới công và tội. Nhưng những kẻ đã cam tâm bán nước, “đi theo giặc” là muôn đời người dân lên án, ví như Lê Chiêu Thống…

Cái nghiêm khắc ấy chính là lời nhắc nhở cho các thế hệ nối tiếp tổ tông. Cũng xin được nói thêm rằng xưa nay, theo tôi, sự phán xét lịch sử chưa quan tâm đúng mức đến sự nghiệp dựng nước, đến những người có công trong sự nghiệp này mà ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng. Sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời đại chúng ta là vô cùng to lớn và phải đương đầu với những thử thách không kém khắc nghiệt như sự nghiệp giữ nước. Do vậy, nhận thức lịch sử cũng cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này.

Nguyễn Thị Mai Ngọc - Hà Nội

Thưa nhà thơ Anh Ngọc, ngoài "Vị tướng già", trước đó, ông đã từng có bài thơ nào kính tặng Đại tướng chưa? Và bây giờ Đại tướng mất rồi, ông có làm thơ về Đại tướng nữa? Có định xuất bản tập thơ về Đại tướng?

Nhà thơ Anh Ngọc

Tác phẩm là một bài thơ, với những hiện tượng vẻ đẹp đã chung đúc vào trong đó.

Trước “Vị tướng già” tôi chưa có bài thơ nào viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng tôi có 2 bài viết về Điện Biên Phủ. Năm 1979, tôi viết bài: “Trở lại Điện Biên lá cờ và ngọn cỏ”. Năm 2004, tôi viết bài: Trời Điện Biên mây trắng.

Thực chất Điện Biên là “made in Vo Nguyen Giap” nên viết về Điện Biên thực chất là viết về tướng Giáp.

Quách Vinh - Nghệ An

Thưa các ông, với cá nhân tôi, nỗi đau thương cùng chung tự hào về tinh thần Quốc gia, dân tộc như trong hơn 1 tuần vừa qua vẫn rất rõ ràng, trọn vẹn. Quả thực, tôi cũng lo lắng rằng khi sự kiện này qua đi, mọi thứ lại trở lại như cũ. Phải làm thế nào kết tụ toàn dân, phát huy được sức mạnh toàn dân, cơ chế nào để phát huy sức mạnh toàn dân sau sự mất mát TƯỚNG GIÁP, hay dân tộc phải ngồi tiếp tục chờ đợi một cách đầy may rủi sự xuất hiện của các lãnh tụ kiệt xuất?

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tôi rất hoan nghênh và đồng tình với ý kiến của bạn. Theo tôi cần phải làm một số việc sau:

Thứ nhất, nhân cơ hội này, dấy lên một phong trào học tập đạo đức của Đại tướng: lý tưởng, lối sống, nghị lực, lòng kiên nhẫn…và tốt hơn nữa là gắn phong trào học tập Đại tướng với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tôi đề nghị Ban bí thư Trung ương đoàn cần có chủ trương, hình thức để phát động trong lớp trẻ việc học tập tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Thị Thu Thảo - Hà Nội

Bà có thể chia sẻ những đánh giá của mình về con người, nhân cách, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tiến sĩ người Nga Daria Mishukova

Theo tôi, trong những ngày tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả thế giới đã chứng kiến tính đoàn kết của người Việt Nam, sự ngưỡng mộ và tình cảm to lớn mà họ dành cho ông. Đây chính là sự đánh giá tốt nhất về con người, nhân cách, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lê Bá Mạnh - Thành phố Hồ Chí Minh

Ông đã vinh dự được nhiều lần gặp Đại tướng, bài học của ông về chữ Nhẫn, đức tính giản dị của Đại tướng?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Người đời nói về Đại tướng không sai: Một đức tính kiên nhẫn, toát lên sự bao dung; một tình cảm hết sức quý báu giữa con người với con người mặc dù Đại tướng là một vị lãnh tụ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi thuộc thế hệ con cháu của Đại tướng nhưng gặp Đại tướng lúc nào cũng bắt tay vui vẻ. Đại tướng rất hòa nhã. Đại tướng để lại trong tôi là ấn tượng về một con người cao thượng, rất hiền lành, bao dung, đáng kính, đáng trọng.

Chữ “Nhẫn” toát lên từ con người Đại tướng đã được nói nhiều vì trong cuộc đời, trong cả chiều dài lịch sử của dân tộc mà Đại tướng tham gia không thể hiện điều gì bên ngoài mà người ta nhận ra là Đại tướng không bằng lòng. Thông qua lịch sử và những cương vị mà Đại tướng đảm nhiệm, có thể thấy chỗ nào, công việc gì Đại tướng cũng có đóng góp to lớn và được nhân dân ghi nhận, tôn vinh với tấm lòng tôn kính. Đại tướng là một con người, một cán bộ lãnh đạo có tầm vóc lớn lao trong sự nghiệp cách mạng và thắng lợi của đất nước, của dân tộc. Đại tướng không bao giờ nghĩ gì cho riêng mình.

Trong cuộc sống đời thường của Đại tướng, tôi cũng có một số lần vào nhà Đại tướng. Tranh thủ lúc đứng đợi tới lượt đoàn của mình vào gặp Đại tướng, tôi thường đi xung quanh để tham quan khuôn viên nhà. Tôi thấy cuộc sống của Đại tướng giản dị quá: vẫn những bức tường rêu phong, lá rụng đầy vườn… Cảnh sống của Đại tướng rất giản dị, rất khiêm nhường, không thể hiện cái gì đó cao sang, xa cách với cuộc sống đời thường của nhân dân.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 2)
 
Dương Thị Hà Vân - Vĩnh Phúc

Thưa ông Alain Ruscio, từ việc tướng Giáp được đại đa số nhân dân yêu mến, kính trọng, theo ông, các nhà lãnh đạo hiện nay có thể học được bài học gì?

Nhà sử học Alain Ruscio

Chinh phục lòng tin của nhân dân, tình yêu của nhân dân là một cuộc chiến bền bỉ, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ. Thế hệ “những người con của Hồ Chủ tịch” đã hiểu rõ nguyên tắc này. Thời thế có thể đổi thay, nhưng ý nghĩa và bản chất của thông điệp thì không hề thay đổi.

Lê Mạnh Hùng - Quốc Oai - Hà Tây

Thưa ông, khi Đại tướng còn sống, lời răn dạy nào của Đại tướng khiến ông nhớ mãi cho tới bây giờ?

Ông Võ Đại Hàm

Đại tướng không chỉ có tầm nhìn chiến lược trong quân đội mà trong gia đình, cụ có tầm nhìn xa. Tôi nhớ như in lời cụ dặn tôi: “Cháu giữ nhà cho ông, tất cả mọi thông tin về gia đình, ngôi nhà cháu sẽ thông tin cho ông. Cháu phải đọc sách, đọc tài liệu, trên thông tin đại chúng rồi trả lời”.

Lời căn dặn đơn giản nhưng hết sức sâu sắc. Khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm nhà cụ, trước lúc chia tay nói: “Trách nhiệm quá lớn, nhà của ông anh nhưng anh đang giữ báu vật của Quốc gia”.

Từ đó tôi cảm thấy rằng trách nhiệm của mình lớn quá! Hàng ngày tôi cũng cố gắng phấn đấu để đáp ứng mong mỏi của khách thập phương đến thăm ngôi nhà của Đại tướng.

Mạc Mạnh Hùng - Hà Nội

Thưa ông Dương Trung Quốc, vai trò của Đại tướng trong chiến thắng Điện Biên Phủ thì đã rõ. Vậy còn trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng đã có vai trò ảnh hưởng quyết định như thế nào tới các chiến dịch lớn như: Tây Bắc, Biên Giới và đặc biệt là chiến dịch mùa Xuân 1975?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Câu hỏi của bạn cũng có đôi chỗ chưa chính xác, ví như các chiến dịch Tây Bắc, Biên Giới là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn cũng muốn đề cập tới vai trò của Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đúng là cuộc kháng chiến lần thứ hai chống lại một đế quốc hàng đầu thế giới đương thời, kéo dài gấp đôi thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp lại trong một bối cảnh chính trị thế giới rất phức tạp. Trong đó có những lợi ích của những nước lớn, đòi hỏi những người lãnh đạo cuộc chiến tranh nhằm mục tiêu giải phóng và thống nhất đất nước phải vượt qua những thử thách vô cùng phức tạp, trong đó không loại trừ cả những thử thách trong nội bộ.

Dẫu sao cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng cần nói rõ hơn là cả cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc diễn ra trong những năm cuối cùng của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ cương vị là Tổng tư lệnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Người ta có thể nói đến sự lãnh đạo tập thể, đội ngũ những tướng lĩnh rất từng trải nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn xuất hiện vào những thời điểm mang tính chất quyết định nhất với những quyết sách đã đi vào lịch sử.

Bạn đọc Vũ Như, Hòa Bình

Theo bà, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên đặt ở đâu, Hà Nội, Quảng Bình hay Điện Biên? Chúng ta nên xây dựng hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hòa bình hay trong chiến trận?

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Cái này thì lớn lao quá nhưng nếu bạn hỏi suy nghĩ của tôi, theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy ở Hà Nội là tốt nhất. Vì Hà Nội là Thủ đô, người dân trong nước hay bạn bè quốc tế đều có thể biết đến, dù đó không phải nơi sinh ra một huyền thoại – đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn Điện Biên mặc dù rất quý giá nhưng đường đi xa quá lại khó khăn nên không phải ai cũng trực tiếp lui tới được.

Tượng đài đặt ở Quảng Bình cũng tốt nhưng nơi đó cũng không phải là trung tâm. Nên nếu hỏi ý kiến cá nhân thì tôi nghĩ Hà Nội là tốt nhất.

ĐỌC TIẾP PHẦN 3

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại