"Trừ những kẻ bán nước, còn ai cũng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và ai không được tham gia thì là đó một sự bất hạnh”.

Những thông tin về việc một số thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự cũng như thông tin "dạy nhau" cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự trên một số diễn đàn đã gây phẫn nộ trong dư luận. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu 4, nguyên ĐBQH khoá VIII, IX, X xung quanh vấn đề này.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Ảnh: Tuấn Nam)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Ảnh: Tuấn Nam)

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thông tin một số thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng những thanh niên đó chỉ là những trường hợp cá biệt trong xã hội vì dân tộc Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng trong bất kỳ thời đại nào, luôn có trong mình dòng máu Lạc Hồng bất khuất, tự tôn dân tộc.

Trong thời bình, thanh niên vừa là một mũi nhọn xung kích để phát triển kinh tế tạo sức mạnh quốc phòng an ninh cho Tổ quốc, vừa làm giàu cho đất nước đồng thời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là truyền thống xuyên suốt lịch sử Việt Nam.

Những năm vừa qua, trong thời kỳ xây dựng và phát triển, do những nhận thức không đầy đủ hoặc do vai trò lãnh đạo của Trung ương Đoàn chưa thật tốt nên dẫn đến nhận thức của một số thanh niên chưa đúng trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một số thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nhưng lúc Tổ quốc lâm nguy, tôi tin chắc rằng trừ những kẻ bán nước chứ còn ai cũng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

PV: Thời của ông có hiện tượng như thế này không, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Khi dân tộc bước vào hai cuộc chiến tranh, tuyệt đại bộ phận là không có việc trốn tránh ra chiến trường. Có chăng là trong thời điểm ác liệt ở chiến trường, một số do bản lĩnh yếu đã không thể vượt qua khó khăn mà có những sai lầm nhưng tư tưởng chủ đạo khi đó là trung thành với Tổ quốc. Tuy nhiên những trường hợp như thế chỉ là cá biệt và không thể tránh khỏi.

Nói rằng không có người đào ngũ là không đúng nhưng những trường hợp đó không phải xuất phát từ việc họ không yêu nước mà xuất phát từ việc bản lĩnh của người đó không vượt được lên khó khăn.

PV: Và hậu quả của việc không vượt được lên gian khổ đó là…

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thời đại của chúng tôi, trong kháng chiến chống Mỹ, nếu một thanh niên nào mà không được tuyển chọn, đi vào Nam chiến đấu là một sự bất hạnh.

Người thanh niên được chọn rồi nhưng khi ra chiến trường mà không vượt lên trên khó khăn, rồi trốn tránh sẽ bị toàn xã hội lên án. Ngày trước, nếu một anh bộ đội vì không chịu nổi ác liệt mà trở về thì gia đình cũng không thừa nhận đó là một người con trung hiếu. Và xã hội, quê hương và đặc biệt là các nữ thanh niên rất khinh rẻ, không ai tiếp xúc.

Cho nên, thời đó, nếu một thanh niên vì lý do nào đó (chưa phải là đào ngũ) mà phải lui về tuyến sau thì cũng là một bất hạnh. Khi đó người dân sẽ đánh một dấu hỏi tại sao anh trở về.

Bây giờ đất nước không có chiến tranh nhưng đất nước phải chuẩn bị trước cho chiến tranh. Đất nước ta hoà bình nhưng chưa yên chút nào cả: các vấn đề trên biển Đông, biên giới, áp lực về kinh tế, áp lực về văn hoá… Trong bối cảnh còn nhiều thách thức như vậy, bên cạnh vấn đề làm kinh tế thì thanh niên luôn sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và ai không được tham gia vào đó thì là một sự bất hạnh. Điều đó cho thấy những người trong diện được tuyển chọn đi nghĩa vụ quân sự mà tìm cách né tránh thì đó là một sự bất hạnh với cá nhân đó hay chính là họ đã tự nhận lấy sự bất hạnh cho mình. Và xã hội chắc chắn sẽ lên án những người như thế.

PV: Thưa Trung tướng, ông có thể chia sẻ đôi điều về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ngày nay và việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thời của ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Làm nghĩa vụ quân sự thời nay so với làm nghĩa vụ quân sự thời xưa đi chiến đấu thì sự vất vả, gian khổ chỉ bằng 1% và thậm chí là 1‰. Ngày xưa chúng tôi đi nghĩa vụ quân sự 1 năm chỉ được một bộ quần áo, có khi có đến 15 ngày phải ăn cháo và phải ăn cả măng rừng nhưng vẫn hiên ngang tiến ra mặt trận, tiến ra chiến trường để giành chiến thắng.

Có thể nói thực hiện nghĩa vụ quân sự ngày nay đã "thích" hơn ngày trước rất nhiều. Có lần tôi vào thăm anh em tân binh ở đơn vị cũ, nhìn vào bữa ăn tôi nói là: "Lúc tôi làm tư lệnh quân khu 4, chưa có bữa ăn hàng ngày nào được như các chiến sỹ tân binh như bây giờ". Tư lệnh quân khu ngày đó, 1 bữa ăn được 2 miếng thịt ướp muối bé như ngón tay, còn lại là rau và nước chấm. Còn bữa ăn bây giờ có đến 4 – 5 món sau đó có tráng miệng.

Sinh hoạt vật chất thì như vậy, còn sinh hoạt tinh thần cũng hơn rất nhiều. Ngày trước, cả 1 trung đoàn mới có một điện thoại của chính uỷ. Tôi đi lính mà có thời gian đến 10 năm trong chiến trường không liên hệ gì với gia đình. Bây giờ, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau giờ nghỉ, chiến sỹ đã được liên hệ với gia đình rồi. Điều kiện bây giờ thuận lợi như thế đấy.

Kể như vậy để nói rằng vì vào quân đội gian khổ mà trốn tránh thì không phải. Thực sự ở đây có vấn đề về chính trị, về bản lĩnh, về văn hoá. Thanh niên là chủ nhân của đất nước: đóng vai trò quyết định trong việc làm giàu đất nước và quyết định trong việc bảo vệ, giữ gìn đất nước. Cho nên thanh niên nào mà có suy nghĩ tìm cách trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì thật đáng chê trách và lên án.

(còn nữa)

LTS: Mời Quý độc giả gửi nhận xét, bình luận, ý kiến vào hộp thư: [email protected] hoặc comment vào ô "Viết bình luận" ở cuối bài. Những ý kiến hay sẽ được chúng tôi đăng tải. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại