Trang Hạ chẳng hiểu gì về đàn ông
Thêm một mũi dùi nữa được thọc về phía đàn ông Việt, dù đó là câu chuyện của Tết.
Trang Hạ vẫn thế, hoạt ngôn và sắc sảo, khéo léo trong lập luận, điều mà một đám đông rất thích ở một diễn giả. Nhưng thật kinh khủng, nếu như đó là một người vợ, đối thoại với một người chồng.
Đòi quyền bình đẳng, một việc hết sức bình thường, nhưng đến Trang Hạ đòi, lại thấy có gì đó không bình thường.
Ví dụ, nếu nàng muốn bảo đàn ông bớt ăn bớt ngủ để làm một số thứ khác cho chị em phụ nữ vui sướng, thì cứ nhẹ nhàng mà nói. Đàn ông Việt Nam thì ưa ngọt ngào lắm. Nói ngọt, chịu liền. Việc gì mà gọi chúng tôi là “lợn”?
Mà khi đàn ông là lợn thật, lợn giống (miền Nam gọi là heo nọc), thì mệt nhé! Lúc đó, tôi dám thề, món mà Trang Hạ kinh hãi nhất khi ăn cơm, chính là món…thịt lợn.
Cái này, Trang Hạ nên học tập Ngọc Trinh. Nhiều khi, phụ nữ có “giả ngu” đi chăng nữa (chứ chưa nói đến ngu thật), đàn ông thích lắm. Đàn ông đơn giản mà, họ nhiều khi cũng không quá quan trọng hàng giả hay hàng thật đâu.
Nhìn vào thực tế, nếu như Trang Hạ nói, là đến Tết, phụ nữ phải làm quần quật đến khổ nhục, đàn ông nằm khểnh bụng không chịu giúp đỡ, thì bức tranh về đàn ông Việt sao mà ảm đạm quá.
Tết là niềm vui chung, không phân biệt... giới tính. Ảnh: Người lao động
Chắc Trang Hạ không chịu đi vào siêu thị để thấy cánh đàn ông chúng tôi đẩy xe mua sắm, trong khi những bà vợ bên cạnh dắt con đi cùng.
Chắc Trang Hạ cũng ít đi ra chợ để thấy những ông chồng chở vợ đi chợ. Thậm chí có ông còn theo dõi và tư vấn cho vợ nên mua loại rau này đừng mua loại rau kia, mua thịt hàng này chứ không mua thịt ở hàng kia.
Và chắc Trang Hạ cũng không nhiều bạn bè để thấy, có nhiều gia đình liên hoan tiệc tùng, chồng là nhân vật chính trong bếp. Vợ cùng phụ chồng rửa rau, rửa bát, lấy chai tương, giúp đưa ống gia vị.
Đàn ông nhiều khi cũng muốn được bé lại bên cạnh người phụ nữ của mình, như bé lại trước mẹ mình hơn 20 năm trước, nhất là đàn ông Việt.
Không có phụ nữ, chúng tôi cũng tự phải chăm sóc mình. Nhưng, khi ốm đau hay say xỉn trong một cuộc sinh nhật, một bữa tiệc liên hoan, vẫn muốn vợ mình pha cho cốc nước chanh, thay vì tự mình làm lấy.
Không phải chúng tôi ỷ lại hay lười biếng, mà nhiều khi chúng tôi muốn cho vợ mình thấy cái cảm giác người cần người trong một gia đình. Chứ để lạnh tanh, nguy hiểm lắm nhé!
Đàn ông không có tài diễn đạt ngôn ngữ xéo xắt như Lê Hoàng, cũng không duyên dáng được như Long Nhật, họ thường trả lời mọi thứ bằng hành động và sự mặc định. Họ mạnh mẽ bên ngoài nhưng lại yếu đuối khi ở cạnh phụ nữ.
Những lúc họ say, họ ốm đau, họ sẽ được biết ai là người phụ nữ thực sự của mình. Một người vợ, một người tình có hạnh phúc không, nếu như biết rằng mình là người phụ nữ thực sự của người đàn ông mà mình yêu?
Thế nên, Trang Hạ ơi, những lúc ấy, nàng sẽ ở bên cánh đàn ông chúng tôi, dù vất vả một chút mà mỉm cười hạnh phúc, hay là đưa đủ thứ lý lẽ để rồi sau cơn say, đường ai nấy đi?
"Không phải việc gì chúng tôi cũng dồn hết vào tay phụ nữ" - Ảnh: Internet
Trang Hạ cũng chẳng hiểu về Tết
Tết Việt là cái Tết quây quần. Là nét đẹp xưa mà cha ông để lại, ngụ ý cho con cháu sự hướng về tổ tiên, sống xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Bởi yêu thương và xích lại sẽ làm nên sức mạnh của một dân tộc.
Chúng ta nên cảm ơn Tết mà ở đó, bao năm xa quê bất chợt bạn thấy vài nhân vật ngỡ như xa lạ nhưng thực ra là một đứa cháu rất gần.
Ở đó, ta phát hiện ra một năm trời ta xa không biết được tóc mẹ ta trắng vì chờ đợi. Về đó, con cái ta thân hơn với ông bà của chúng. Các thế hệ cùng nhau quần tụ để thấy mình đang sống rất sâu sau một năm chạy đua với thời gian.
“Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào bằng Tết đoàn viên”, người Việt Nam sống với gia đình, văn hóa gia đình. Đáng tiếc là sợi dây đó ngày càng mỏng manh, gặp vài nàng dâu theo quan niệm của Trang Hạ, chắc chắn đứt cái rụp khỏi thương tiếc gì.
Nếu nàng là vợ tôi, nàng có vui không nếu cùng tôi Tết về thăm mẹ? ở đó, nàng nấu cơm, rửa bát, tôi mổ gà, chặt xương nấu canh măng. “Mẹ nào mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”, câu thơ Xuân Quỳnh sâu thế cơ mà?
Tôi đã từng không thích Tết vì sự giao đãi. Nhưng rồi một ngày, cách đây mấy năm, khi tôi và bạn gái chuẩn bị ra sân bay đi du lịch, tôi thấy mẹ tôi gọi, giọng không được khỏe: “Về đi con, về ăn Tết với mẹ đi con”
Tôi xin lỗi mẹ và bước vào trong sảnh, tiến tới quầy làm thủ tục bay. Cô bạn gái nói nhẹ nhàng: “Anh ơi, mình đổi vé về quê với mẹ đi anh. Không có chuyện gì, mình sẽ ân hận”
Tôi đã nghe lời khuyên ấy, quay về đón Tết cùng mẹ để rồi, sau đó mấy ngày mẹ đã bỏ chúng tôi đi. Tôi khóc rống lên như một đứa trẻ. Tôi mất mẹ vĩnh viễn.
Cô gái khuyên tôi về thăm mẹ trong sân bay đã ở lại với đời tôi. Năm nào cô ấy cũng nhắc tôi về quê. Cô ấy đi cùng tôi, hai vợ chồng chia ra mỗi người mỗi việc để phụ giúp công việc cùng gia đình, đón một cái Tết ấm cúng.
Đàn ông chúng tôi không vô tâm đâu Trang Hạ! Hạnh phúc không phân biệt giới tính. Đâu phải chỉ có phụ nữ mới khát khao hạnh phúc còn đàn ông thì không?
Những bạn bè tôi, cứ Tết đến là cùng vợ con đi sắm sanh, tặng vợ tặng con những món quà ý nghĩa, chở vợ đi chùa, đưa con đi chơi. Họ hoàn toàn không nằm một chỗ phó mặc mọi thứ cho phụ nữ.
Chúng tôi hiểu, phụ nữ ngày nay cũng đi làm bình đẳng như đàn ông, kiếm tiền cùng chồng lo cho con cái. Nên không phải tất cả việc nhà chúng tôi đều dồn vào tay phụ nữ. Mẫu hình đó, Trang Hạ đang nhầm với trăm năm về trước.
Nên, Trang Hạ nhìn thấy cảnh đàn ông Việt trong cái Tết cũng xa lắc lơ, không giống như chúng tôi của bây giờ.
Bởi chúng tôi hiểu, tiếng cười trên môi người phụ nữ mình yêu vô cùng quan trọng. Niềm vui trong gia đình mình vô cùng quan trọng.
Chứ chẳng hay ho gì để thấy có một người phụ nữ suốt ngày cay cú với đàn ông, thế sao mà hạnh phúc cho được? Để chúng tôi yên đi, chúng tôi có mắc nợ gì nàng đâu, Trang Hạ!
Thôi chỉ biết trách trời, đã sinh đàn ông, sao đành sinh thêm Trang Hạ?