LTS: Điện Biên Phủ là một “mốc chói lọi bằng vàng” (lời Bác Hồ) trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là một trong những thắng lợi có ý nghĩa quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước 30 năm của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đánh giá về sự kiện này của các nhà nghiên cứu Mỹ, Anh và các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội Pháp từng tham gia chiến tranh Đông Dương, trực tiếp tham chiến tại Điện Biên Phủ.
Tại sao lại là Điện Biên Phủ?
Ngày 20/11/1953 quân Pháp mở cuộc hành binh mang bí danh Castor (“Hải ly”) nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đánh dấu trang đầu tiên trong một chương bi thảm trong lịch sử nước Pháp. Nhiều năm sau và cho đến hôm nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn không ngừng tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao Navarre lại quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ và chấp nhận trận đánh ở Tây Bắc?”, vì quyết định này đã đi ngược lại với chủ trương chiến lược nằm trong kế hoạch mang tên ông ta là duy trì thế phòng ngự ở miền Bắc trong mùa khô 1953-1954?
Một điều dễ nhận thấy là nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho nước Lào luôn ám ảnh các vị tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương, kể cả Navarre. Người tiền nhiệm của Navarre là Raoul Salan đã đề xuất di chuyển tập đoàn cứ điểm Na Sản lên Điện Biên Phủ, nơi được đánh giá là “cái chìa khóa” của Thượng Lào. Tuy nhiên, quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ liên quan đến những chủ trương lớn trong điều hành chiến cuộc của Navarre. Thực tế, đến thời điểm đó (tháng 11/1953), Navarre đã thực hiện mục tiêu số 1 của mình là mang lại tính chiến đấu và tính cơ động cho đội quân viễn chính. Đồng thời, Navarre cũng nhận thấy là ông ta đã tập trung một số quân cơ động quá đông ở đồng bằng. Đầy tự tin và háo hức, viên tổng chỉ huy mới nhậm chức không thể để một lực lượng lớn như vậy nằm im, chờ đón một cuộc tiến công (của Việt Minh) không biết có diễn ra hay không. Navarre cần có một đòn tiến công trên chiến trường chính, nơi đối phương vẫn để các binh đoàn chủ lực nằm im, chưa bộc lộ ý đồ. Và Điện Biên Phủ đã được Navarre lựa chọn để thực hiện cuộc tiến công đó.
Trước hết, giải pháp này tỏ ra ít nguy hiểm. “Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo quá 7 ngày chiến đấu”. Thứ hai, việc đánh chiếm Điện Biên Phủ có khả năng ngăn chặn được một cuộc tiến công của đối phương ở Tây Bắc, xa hơn nữa là Thượng Lào. Thứ ba, Điện Biên Phủ có thể thu hút một số đại đoàn Việt Minh, giảm nhẹ áp lực đối với đồng bằng, làm phân tán khối chủ lực của Việt Minh, trì hoãn một cuộc tổng giao chiến trong mùa khô 1953-1954 trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Tuy nhiên, khác với Cogny (tư lệnh quân Pháp tại Bắc Bộ) cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan khác trong ban tham mưu của mình, và tưởng chừng như mâu thuẫn với chính mình, Navarre lại không mong một cuộc đụng đầu ở Điện Biên Phủ. Ông ta vẫn chỉ xem Điện Biên Phủ như một “cái nhọt tụ độc”, giúp ông ta rảnh tay để triển khai cuộc tiến công chiến lược ở miền Trung (Liên khu 5) để “giải phóng 3 triệu dân do Việt Minh nắm giữ từ năm 1945”, xong xuôi mới quay lại thực hiện trận đánh quyết định trên miền Bắc vào mùa khô tới. Và để tránh một cuộc giao chiến quá sớm, Điện Biên Phủ phải đủ mạnh, phải trở thành một Verdun của Pháp tại Đông Dương.
Như vậy, tình hình trên miền Bắc trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc Navarre phải có một hành động, nếu cuộc hành binh Castor không diễn ra ở Điện Biên Phủ thì cũng phải diễn ra ở nơi khác. Điện Biên Phủ chỉ giữ một vai trò thứ yếu, nhưng lại là một nước cờ chiến lược được Navarre tính toán một cách tỉnh táo. Sau đó, do sự cài thế tài tình của quân ta, đến ngày 3/12/1953 Navarre mới chấp nhận chiến đấu ở nơi mà ông ta ngạo mạn gọi là “Cối xay thịt Việt Minh”, “một thành trì không thể đánh gục”. Trận đánh diễn ra trước 1 năm do vậy sẽ là hồi chuông báo tử cho đế chế Pháp ở Đông Nam Á và chôn vùi thanh danh của ông ta.