Việc “trả” cha con “người rừng” được dân làng giải cứu về sau 40 năm ở rừng – ông Hồ Văn Thanh và con trai là Hồ Văn Lang trở về với chốn “rừng thiêng nước độc” hay giữ họ ở lại với “thế giới văn minh” đang làm “nóng” dư luận xã hội. Bởi lẽ, mặc dù được chính quyền địa phương và dân làng giúp đỡ nhưng những tiếng gọi “nhớ rừng”, những đêm thức trắng vì buồn bã... vẫn trở về trong cuộc sống mới của hai cha con ông.
“Nhưng cuộc sống con người là thích nghi. Gần 40 năm trước, ông Thanh đã bế đứa con chưa tròn 2 tuổi từ thế giới văn minh bước vào cuộc sống hoang dã. Và họ đã dần làm quen với cuộc sống mới, tự chế tạo ra những công cụ để tồn tại được trong thế giới ấy. Bước trở lại ánh sáng của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau gần 40 năm với rất nhiều sự đổi thay, họ cảm thấy mọi thứ đều mới lạ. Nhưng bố con họ vẫn có thể thích nghi được tuy không phải trong ngày một ngày hai”, PGS. TS Lê Quý Đức trải lòng.
Những ngày qua, dù không được trực tiếp nghe thấy những tiếng kêu tha thiết “Tra xú mờ gót” bằng tiếng Cor, nghĩa là muốn về lại rừng của anh Hồ Văn Lang nhưng qua tiếng gọi “nhớ rừng” ấy vẫn để lại trong PGS. TS Lê Quý Đức nhiều suy nghĩ, trăn trở. Nỗi nhớ ấy cũng là thuận theo lẽ tự nhiên. Và chính qua tiếng gọi “nhớ rừng” giúp con người ta cảm nhận được sự thiêng liêng của tự nhiên.
Nó thiêng liêng như vậy có thể thức tỉnh cộng đồng dân tộc nên gắn với tự nhiên hơn nhưng không phải vì lẽ đó mà con người quay trở lại với cuộc sống hoang sơ. Con người phải làm sao vừa gắn bó với thế giới tự nhiên lại vừa có cuộc sống văn minh. Và cuộc sống văn minh ấy lại được xuất phát từ tự nhiên thì con người sẽ hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân loại đang hướng tới những điều tiến bộ, chúng ta không biết câu chuyện của hai cha con “người rừng” thì là một lẽ nhưng đã biết rồi thì phải tìm cách “biến đổi” họ bằng những gì nhân văn nhất. Vì phía sau câu chuyện của hai cá thể đó còn là câu chuyện của cả cộng đồng người Việt. Có ai dám chắc, trong chốn rừng sâu không còn những cá thể như cha con anh Lang đang sinh sống; và câu chuyện của người Rực (Quảng Bình) cũng vẫn còn đó như một minh chứng cho sự thích nghi và “biến đổi”.
Chia sẻ sâu hơn về tương lai của “người rừng”, PGS. TS Lê Quý Đức nói: "Theo nghĩa nhân văn, chúng ta nên “trả” họ về rừng nhưng là để họ dần thích nghi với cuộc sống của thế giới hiện đại bằng sự giao lưu tiếp biến thường xuyên với thế giới văn minh, với người thân chứ không phải trở về với cuộc sống nguyên sơ như bố con anh Lang đã từng sống".
PGS. TS nhấn mạnh: "Và con đường tất yếu là họ phải thích nghi với đời sống. Con người có văn hóa là thích ứng được với mọi điều kiện môi trường khác nhau".
Càng bàn sâu về sự đi hay ở của hai bố con ông Hồ Văn Thanh, tiếng thở dài của PGS. TS càng được cất lên nhiều hơn. Bởi lẽ, ông Hồ Văn Thanh tuổi đã cao và hiện tại đang điều trị trong viện. “Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta sẽ đưa một mình anh Lang trở lại rừng hay cả hai bố con trong điều kiện người bố đang sức khỏe như hiện tại? Nếu chỉ đưa anh Lang trở lại rừng thì có ai dám chắc anh không nhớ bố dù đó chỉ là nỗi nhớ rất hoang sơ? Đây là sự sửa chữa sai lầm này bằng sai lầm khác vì nếu ngay từ khi mới phát hiện ra hai cha con ông Thanh mà có sự vào cuộc của các nhà dân tộc học, tâm lý học, xã hội học và cả nhà khoa học... có thể phương án lúc đó sẽ không phải là ngay lập tức đưa họ về với thế giới chúng ta đang sống”, với rất nhiều trăn trở, PGS. TS Lê Quý Đức đặt ra rất nhiều câu hỏi và nó giống như những bài toán đang rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội để đi tìm lời giải.
Nhắc đến các nhà khoa học, những trăn trở của PGS. TS càng như dàn trải hơn. Bởi, ông đau đáu đề xuất: Từ hai cá thể là cha con ông Hồ Văn Thanh và anh Hồ Văn Lang, các nhà khoa học có thể biến đó làm đề tài nghiên cứu: Con người từ cuộc sống văn minh bước vào cuộc sống hoang sơ và từ cuộc sống hoang sơ trở lại với thế giới văn minh, để có cho mình tiếng nói chung vì cộng đồng. Vì những sự việc tương tự như thế không chỉ xuất hiện ở giai đoạn này mà còn có thể xuất hiện ở giai đoạn khác và còn là cả một tộc người.
“Từng bước đưa bố con ông Thanh trở lại cuộc sống văn minh chứ không thể để họ quay lại cuộc sống hoang sơ như trước, cũng không thể dùng sai lầm để giải quyết sai lầm. Đồng thời có những đề tài nghiên cứu khoa học từ hai cá thể ấy để tìm ra những đáp án mang tính nhân văn cho cộng đồng”, đó là những gì mà PGS. TS muốn gửi tới độc giả qua câu chuyện “nhớ rừng” của cha con cựu binh Hồ Văn Thanh.