Gặp nhà thơ Anh Ngọc tại căn nhà riêng trên tầng 4, khu tập thể quân đội ở phố Lý Nam Đế, dù thời tiết bên ngoài rất nóng bức nhưng có lẽ cũng chưa nóng bằng những nỗi niềm bức xúc, phẫn nộ của ông trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.
"Những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam không phải bây giờ mới xảy ra mà ngay từ năm 1974, họ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Tiếp đó, năm 1988, họ lại nổ súng, chiếm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
Nói lại như vậy để thấy rằng, với lòng tham của Trung Quốc thì việc xâm chiếm bằng cách hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là việc không sớm thì muộn sẽ xảy ra.
Là một nước lớn, vẫn luôn luôn kêu gọi các nước khác tôn trọng mình, tuy nhiên Trung Quốc lại có những hành động ngang ngược, sai trái như vậy thì không thể chấp nhận được.
Thêm vào đó, dù dư luận thế giới đã lên tiếng phản đối rất nhiều, nhưng có lẽ các nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn đang cố giả câm, giả điếc, cố dùng các chiêu để hòng mị dân, hòng lảng tránh, đưa thông tin sai lệch.
Trung Quốc ở đây có thể coi là nước mạnh trên các phương diện về dân số, kinh tế, diện tích nhưng rõ ràng là một nước yếu về chính nghĩa...", nhà thơ Anh Ngọc bày tỏ.
Nhà thơ Anh Ngọc cũng bày tỏ, chính sự thiếu các chứng cứ, lý lẽ về mặt lịch sử, luật pháp quốc tế đã khiến Trung Quốc không dám đàm phán đa phương với Việt Nam mà luôn đòi đàm phán song phương.
"Ngay trong vụ kiện của Philippines vừa qua đã cho thấy rõ Trung Quốc không dám ra tòa án để đối chất. Bởi lẽ, họ đâu có các chứng lý, ra đó đâu thể cãi được.
Trong việc tranh chấp của Việt Nam cũng vậy, Trung Quốc không bao giờ dám đàm phán đa phương với Việt Nam mà luôn đòi đàm phán song phương. Lý do ở đây cũng giống như trên, họ không có các bằng chứng lịch sử và xét về mặt luật pháp quốc tế họ cũng sai hoàn toàn. Trung Quốc luôn muốn lấy cái thế của nước lớn để chèn ép một cách ngang ngược các nước nhỏ.
Nhưng với những bằng chứng lịch sử rõ ràng, truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tôi tin chắc chắn rằng, chúng ta sẽ khiến mọi thủ đoạn của Trung Quốc phải thất bại", nhà thơ anh Ngọc nói.
Thông qua đây, nhà thơ Anh Ngọc cũng bày tỏ sự tin tưởng và gửi lời cảm ơn, lời chúc tới các chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân - những người đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và chống lại, làm thất bại các âm mưu, dã tâm của Trung Quốc.
Cũng theo nhà thơ Anh Ngọc, để cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao giành được thắng lợi thì một thành tố quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân Trung Quốc hiểu rõ được chủ quyền của Việt nam và từ đó ủng hộ nhân dân ta.
"Nhân dân Trung Quốc luôn là một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Chúng ta luôn trân trọng những tình cảm, sự giúp đỡ ân tình của người dân Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta phải phân tách rõ, chúng ta đấu tranh, chống lại mưu đồ bành trướng của các nhà cầm quyền Trung Quốc, những người đã bất chấp tất cả đạo lý, công lý để thực hiện mưu đồ xấu xa của mình.
Chúng ta cần phải có biện pháp tuyên truyền để làm sao người dân Trung Quốc ở trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới có thể nhận thức rõ được chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông và ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó, sẽ giúp cho công cuộc đấu tranh, giữ gìn lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta giành được chiến thắng toàn vẹn, bền vững...", nhà thơ Anh Ngọc nhấn mạnh.
Nhà thơ Anh Ngọc cũng chia sẻ, dù chưa một lần được ra Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đối với ông, hai quần đảo này đã có những kỷ niệm không thể nào quên.
"Đối với Hoàng Sa thì ngay từ nhỏ, bố tôi là một nhà Hán học thời bấy giờ đã nhiều lần chỉ cho tôi về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ này. Ông đã nhiều lần kể chuyện về các hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo này.
Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Vào những năm đầu của thập niên 70, khi bố tôi nằm trên giường bệnh tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba, lúc đó, tôi đang là lính chiến đấu tại Quảng Trị được phép về chăm bố. Một trong những câu chuyện cuối ông nói với tôi trước khi mất là về Hoàng Sa. Trước đó, rất nhiều những câu chuyện, hình ảnh trong tâm trí về quần đảo này đã được ông chia sẻ, kể lại và đặc biệt, ông luôn nhắc tôi là phải khắc ghi chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Còn đối với quần đảo Trường Sa, ngay ngày 30/4/1975, tôi cùng nhà báo Hà Đình Cẩn vào đến Sài Gòn. Trong khi tôi và một đoàn ra Côn Đảo thì anh Cẩn lên xe với vài anh em phóng ra Khánh Hòa để ra Trường Sa, vì nghe tin quân đội chúng ta đã giải phóng được quần đảo này.
Dù chưa từng một lần được đặt chân đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng kỷ niệm đối với những vùng lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc đã và sẽ mãi in sâu mãi mãi trong tâm trí của tôi, không bao giờ quên được", nhà thơ Anh Ngọc kể.
Cũng chính từ những kỷ niệm sâu sắc với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã giúp cho nhà thơ Anh Ngọc viết lên tác phẩm trường ca “Điệp khúc vô danh” năm 1983 và bài thơ "Hai tiếng Trường Sa" năm 1988.
"Nếu như trong trường ca “Điệp khúc vô danh” viết năm 1983, tôi đã dành một đoạn khá dài để viết về chủ đề biển đảo - đoạn “Buồm nâu biển biếc” - thì cái niên hiệu 1988 in dưới bài thơ "Hai tiếng Trường Sa" cũng có thể giúp tôi nói tiếp những suy tư, cảm xúc của mình về biển đảo, về Trường Sa và Hoàng Sa… Đó luôn là đề tài thường trực của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam và đó cũng chẳng gì khác hơn là tiếng lòng thường trực của mỗi người Việt Nam ta", nhà thơ Anh Ngọc bày tỏ.
Được phép của nhà thơ Anh Ngọc, chúng tôi xin được gửi tới lại quý bạn đọc bài thơ "Hai tiếng Trường Sa" do ông sáng tác năm 1988.
HAI TIẾNG TRƯỜNG SA
Nói bao điều trong hai tiếng Trường Sa
Mênh mông biển và ầm ào gió cát
Tên Tổ Quốc bập bồng cùng sóng nước
Mặt trời treo trên cột mốc chủ quyền
Nơi đây có nỗi nhớ đất liền
Vầng trăng mọc trong mắt người lính trẻ
Lại lặn xuống cuối chân trời lặng lẽ
Thủy triều lên phía ấy quê nhà
Tôi chưa một lần đặt chân tới Trường Sa
Điều ấy có gì đâu giấu giếm
Nhưng đâu đó có một vùng trời biển
Vẫn âm thầm xao động giữa lòng tôi
Vẫn âm thầm thao thức không nguôi
Như tuổi trẻ như tình yêu réo gọi
Cái mảnh đảo lung linh trong huyền thoại
Những cành san hô đỏ, trái bàng vuông…
Vẫn đập đâu đây trong mỗi cuộc đời thường
Trái tim nhỏ giữa đại dương gió bão
Những câu thơ tạc dáng người lính đảo
Để ai đó thốt lên: Gần lắm Trường Sa.
Hai tiếng bồi hồi, hai tiếng thiết tha
Cứ bền bỉ lặng im như nỗi nhớ
Cái im lặng thách ngàn cơn sóng dữ
Hạt cát bay đi, hạt cát lại bay về
Vồng ngực phồng căng như một lời thề
Đồng đội tôi dầm chân trong nước mặn
Cờ Tổ Quốc bay trên đầu mũi sóng
Ấm một vùng trời biển ở sau lưng.