Liên quan đến thông tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công An.
Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ: “Việc này tôi đã nói từ đầu tháng 5 rằng thế nào họ cũng rút thôi. Và trước khi rút họ sẽ tuyên bố là đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ rút giàn khoan không phải vì bão bởi giàn khoan này chống được bão cấp 13 – 14 và động đất cấp 7 – 8. Thứ hai, Nghị quyết 412 của Mỹ cũng không phải là nguyên nhân tác động trực tiếp vào việc Trung Quốc rút giàn khoan. Việc Trung Quốc rút giàn khoan đi để giảm sức ép không cần thiết bởi đi kèm giàn khoan này là hàng trăm tàu đi kèm, bị thế giới lên án.
Vấn đề là sau khi rút thì là cái gì? Sau khi rút giàn khoan, Trung Quốc sẽ chuyển kịch bản sang một giai đoạn quyết liệt, đáng sợ hơn. Có thể, Trung Quốc sẽ đưa thêm nhiều giàn khoan vào khu vực này để tác nghiệp trái phép, kèm theo là hàng trăm tàu cá được sự bảo vệ của nhiều tàu Hải giám, Hải cảnh, Hải tuần.
Giàn khoan Hải Dương - 981 được Trung Quốc đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Sau khi rút giàn khoan đi rồi, Trung Quốc mới thực sự kiềm chế vùng biển này của Việt Nam chứ không phải rút giàn khoan rồi là xong. Ý đồ khống chế Biển Đông của Trung Quốc dựa theo thuyết “không đánh mà thắng” của Quản Trọng - một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc. Ít nhất, trong 10 năm tới, Trung Quốc cũng chưa “động binh” bởi Trung Quốc chưa đuổi kịp Mỹ. Họ sẽ sử dụng chiến thuật “vết dầu loang” để từ vùng này sẽ lan sang vùng khác.
Sau này họ xây dựng trái phép Gạc Ma và đảo Chữ Thập thì họ mới tuyên bố nhận vùng nhận dạng phòng không. Giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là "con tốt đen" trên bàn cờ Biển Đông mà Trung Quốc đang chơi hòng kiềm chế toàn bộ Biển Đông. Còn những quân bài khác hơn “con tốt đen”, Trung Quốc chưa dùng đến. Việc đưa giàn khoan ra chỉ là bước thử nghiệm ban đầu của Trung Quốc. Và những bước thứ hai sẽ ngày càng căng thẳng”.
Khi nói về những ý kiến cho rằng kể cả khi Trung Quốc đã rút giàn khoan thì Việt Nam vẫn có thể khởi kiện Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Các học giả quốc tế rất tốt vì đã ủng hộ Việt Nam. Giới luật gia, luật sư cũng rất quyết liệt khi đã hối thúc Chính phủ tiến hành những bước đi pháp lý để bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, không thể tách riêng vấn đề pháp lý trong vụ này. Phải đặt vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông nói riêng và toàn bộ Biển Đông nói chung trong một bài toán tổng thể quan hệ Việt - Trung để xử lý”.
Dùng một câu để nhận xét về tình hình Biển Đông hiện nay, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói: "Càng ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc càng ngày càng lấn tới và họ sẽ thực hiện mạnh chiến thuật không đánh mà chiếm được Biển Đông".
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, không có Trung Quốc thì thế giới vẫn phát triển. Trước khi Đặng Tiểu Bình triển khai cải cách mở cửa cuối năm 1978, nền kinh tế thế giới vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn bình yên hơn hiện nay. Nếu học giả nào cho rằng năm 2008 – 2009, Trung Quốc đã có tác động lớn giúp đỡ nền tài chính thế giới thì đó là một sự ngộ nhận vô cùng lớn.
Trung Quốc mà không có thế giới thì sẽ đổ vỡ tan thành từng mảng. Vì thế, Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm. Cộng đồng quốc tế đủ khả năng để ngăn chặn những hàng động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc, vì thế mỗi hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông đều được họ cân nhắc đến thái độ của Việt Nam và thế giới.
“Nếu 90 triệu dân Việt Nam đoàn kết theo quan điểm như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: “Việt Nam mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”, thì chúng ta sẽ thành một khối không kẻ thù nào có thể khuất phục được. Cộng với sự hỗ trợ quốc tế, đó sẽ là sức mạnh lớn nhất ngăn chặn bàn tay hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Không có gì phải sợ Trung Quốc”, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Ngày 15/7, các lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam ngoài nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển còn phải chủ động đối phó với bão Rammasun đang tiến vào Biển Đông. (Nguồn: VTV)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA