"TQ đang âm mưu dựng thêm một nước TQ đầy nguy hiểm ở Biển Đông"

Hoàng Đan |

Tướng Thước cho rằng, với tất cả những hành động phi pháp ở Biển Đông cho thấy, TQ đang âm mưu xây dựng thêm một nước TQ thứ hai đầy nguy hiểm ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Âm mưu xuyên suốt của Trung Quốc

Những hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc trong việc cải tạo các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Trường Sa, đưa tên lửa, máy bay ra các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam... đã cho thấy âm mưu, thủ đoạn vô cùng nguy hiểm của nước này.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 cho rằng, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua nằm trong chuỗi âm mưu của nước này với Việt Nam từ nhiều năm qua.

"Mục đích chính của Trung Quốc là làm cho Việt Nam chúng ta suy yếu đi và phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ việc khuất phục được Việt Nam chúng ta sẽ làm bàn đạp cho họ thực hiện âm mưu với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là các khu vực khác trên thế giới.

Ý đồ của Trung Quốc không phải chiếm một đảo hay một quần đảo mà là muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp ở Biển Đông.

Để thực hiện âm mưu này thì Trung Quốc phải nhổ bằng được hai cái gai cứng nhất đó là Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Như chúng ta đã biết thì Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974 còn hiện nay, sau khi đưa giàn khoan Hải Dương 981, họ đã và đang tiếp tục cải tạo trái phép các đảo chiếm trái phép của Việt Nam ở Trường Sa", tướng Thước nói.

Cũng theo tướng Thước, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên các đảo, quần đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam để thực hiện âm mưu xây dựng một nước Trung Quốc khác ngang ngược, phi pháp trên Biển Đông.


Ảnh chụp cấu trúc có khả năng là trạm ra đa Trung Quốc lắp đặt bất hợp pháp trên đá Ga Ven, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. CSIS công bố ảnh ngày 23/2/2016.

Ảnh chụp cấu trúc có khả năng là trạm ra đa Trung Quốc lắp đặt bất hợp pháp trên đá Ga Ven, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. CSIS công bố ảnh ngày 23/2/2016.

"Như tôi đã nói, không những Trung Quốc chiếm trái phép mà họ còn âm mưu, nhằm tạo bàn đạp biến Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta thành một nước Trung Quốc thứ hai ngoài Biển Đông.

Đây không phải là một quốc gia mới về mặt chính thể, địa lý mà là một Trung Quốc khác thể hiện rõ sự ngang ngược, phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế. Nó trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của Trung Quốc trong đất liền.

Và Trung Quốc thứ hai này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần Trung Quốc trong đất liền bởi ngoài máy bay, tên lửa thì nhiều loại vũ khí, phương tiện sẽ được nước này đưa ra Hoàng Sa, các đảo ở Trường Sa của Việt Nam.

Cũng phải nhấn mạnh thêm, sẽ không chỉ ở Biển Đông mà sau khi thực hiện xong mưu đồ, Trung Quốc sẽ tiếp tục xen vào các khu vực, quốc gia khác với những âm mưu, thủ đoạn ngang ngược", tướng Thước nêu.

Tướng Thước cũng nhấn mạnh, đến âm mưu của Trung Quốc hiện nay đang đi theo hướng đưa vấn đề kinh tế để dẫn dắt vấn đề chính trị.

"Ngày xưa khi Pháp sang xâm lược thì cũng bắt đầu từ các thương thuyền đi buôn trước, lợi dụng các nhà truyền đạo, kinh tế..., sau khi thành công mới đưa quân sang.

Trung Quốc hiện nay cũng vậy, hôm qua họ nói việc cải tạo ở các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam là phục vụ dân sự nhưng giờ đây, họ đã đưa máy bay, tên lửa ra Hoàng Sa.

Nếu tới đây, thế giới không làm quyết liệt thì Trung Quốc sẽ còn lấn tới, đưa máy bay, chiến đấu ra các đảo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.

Đây là ý đồ xuyên suốt của Trung Quốc ép Việt Nam phải lệ thuộc vào họ, tạo điều điều cho nhà cầm quyền Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng của mình ở Biển Đông...", tướng Thước nêu rõ.

Không chấp nhận hữu nghị viển vông

Nguyên Tư lệnh quân khu 4 cũng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn nhận rõ, hữu nghị là hữu nghị và không thể lấy hữu nghị viển vông đổi lấy lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

"Muốn hữu nghị thế nào thì hữu nghị nhưng khi anh đã có hành động xâm chiếm lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, dân tộc tôi thì không thể được.

Tôi làm ăn kinh tế với anh nhưng không có nghĩa tôi phụ thuộc anh về chính trị. Anh đã xâm chiếm lãnh thổ của tôi mà cứ rêu rao hữu nghị. Quan điểm này cần phải rạch ròi", tướng Thước nhấn mạnh.

Để chống lại những âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông, theo tướng Thước, ngoài việc cần lên tiếng phản đối, thông tin rộng rãi, công khai đến nhân dân trong nước, cộng đồng quốc tế những hành vi ngang ngược của nước này thì điều quan trọng nhất là phải đoàn kết.

"Đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần yêu nước của hơn 90 triệu dân ở trong cũng như ngoài nước, đó sẽ là thứ vũ khí mà không kẻ thù nào có thể chống được.

Bên cạnh đó, cả nước phải dồn sức cho những lực lượng trực tiếp canh giữ biển đảo. Luôn đầu tư, chăm sóc chu đáo, phải xây dựng lực lượng với trang thiết bị mạnh, hiện đại, với ý chí quyết tâm bảo vệ đảo, làm hạt nhân để bảo vệ lãnh hải.

Ngoài ra, với các ngư dân đang từng giờ, từng ngày đánh bắt trên vùng biển của chúng ta ở Biển Đông cũng cần có sự quan tâm thích đáng. Mỗi ngư dân ở đây sẽ là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam", tướng Thước nói.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cũng nêu, việc Trung Quốc đưa máy bay, tên lửa ra Hoàng Sa của Việt Nam và tiếp tục cải tạo các đảo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa là âm mưu xuyên suốt, có tính toán.

"Ở đây, việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là thể hiện sự răn đe với các quốc gia láng giềng, các nước nhỏ và cũng để thách thức các nước lớn như Mỹ.

Nếu tình hình quốc tế như hiện nay thì Trung Quốc sẽ tiến từng bước một nhưng nếu tình hình xấu hơn lên, căng thẳng ở một số khu vực dẫn đến đụng độ thì nước này sẽ làm nhanh, mạnh các hoạt động trái phép ở Biển Đông", TS Trục nói.

TS Trục cũng nhận định, trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép ngoài âm mưu khống chế an toàn an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực thì TQ có thể sẽ tính đến việc khoan thăm dò dầu khí trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

"Do vậy, chúng ta cần theo dõi tình hình và có những phản đối mạnh mẽ các hành vi ngang ngược, trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam đến với nhân dân, cộng đồng quốc tế", TS Trục nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại