Không phải cứ học ở nước ngoài là tốt
Liên quan tới câu chuyện “nên đi hay ở” của các du học sinh, chúng tôi đã nhận được nhiều bình luận, đóng góp ý kiến đa chiều của nhiều cựu thí sinh Olympia cũng như nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực.
Trong đó, không ít người cho rằng: Môi trường ở Việt Nam không phù hợp với tài năng và không xứng đáng với sự cống hiến của các “thạc sỹ, tiến sỹ trẻ” mới đào tạo ở nước ngoài về.
Cũng giống như nhận xét của ai đó khi cho rằng: GS Ngô Bảo Châu không thể giải nổi bài toán thế kỷ Bổ đề cơ bản nếu đi xe máy chen lấn ở Hà Nội.
Tuy nhiên, đứng ở một góc độ khác, theo TS. Phan Quốc Việt - Người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group lại nhấn mạnh: Không phải du học sinh nào cũng tốt, cũng giỏi.
“Đại học nước ngoài có hàng tỷ bằng. Bởi bên đó không như ta, ai muốn đăng ký học Đại học cũng được. Nhiều người đi nước ngoài về cũng không nói được tiếng Anh. Chính vì vậy, đừng bao giờ nghĩ đi học nước ngoài về là giỏi” – ông Việt nói.
Theo ông Việt, ngoài 2 hình thức du học sinh tốt như được học bổng của Nhà nước, của trường, được thi cử đàng hoàng, loại du học sinh thứ 3 - đi học ở nước ngoài theo “học bổng” của bố mẹ, đây thực chất chỉ là hình thức lánh nạn, lánh bạn bè.
Khác với những năm 75 trở về trước, các du học sinh thời đó được chọn lọc kỹ càng và khi ra nước ngoài, đầu tư thời gian, công sức, học hết mình, còn du học sinh bây giờ có rất nhiều em thi trượt Đại học nên bố mẹ đã tìm cách cho đi nước ngoài.
Tại Tâm Việt Group, khi tuyển dụng, những hồ sơ của du học sinh thường có lợi thế ban đầu là biết ngoại ngữ. Tuy nhiên, sau 1 thời gian làm việc, họ lại thường bị loại vì tuy học rất giỏi nhưng hành lại kém.
“Tôi đã từng thẳng tay loại nhiều người đã du học tới xin việc bởi du học sinh cũng có nhiều loại. Cũng giống như có nhiều loại người Tây, không phải cứ Tây là giỏi, ngay cả người Mỹ, không phải người Mỹ nào cũng giỏi. Nhiều người Mỹ không bằng người Việt Nam.
Tại Việt Nam có nhiều tấm gương không học Đại học nhưng vẫn thành tài và nổi danh như Bầu Đức. Và có nhiều tên tuổi Việt làm rạng danh trên trường quốc tế mà chưa một ngày học ở nước ngoài như Đặng Lê Nguyên Vũ” – ông Việt nhấn mạnh.
Do đó, theo vị lãnh đạo của Tâm Việt Group: “Vấn đề chính ở đây là ý chí chứ không phải chuyện nước ngoài hay nước trong”.
Ông cũng phản đối những du học sinh nói xấu chính sách, nói xấu tiền lương và những điều kiện, cơ hội tại Việt Nam. Ông không đồng tình với quan điểm cho rằng: “Việt Nam không trọng dụng người tài”.
“Anh học ở nước ngoài về phải thay đổi tư duy, mở rộng, giúp ích được cho đất nước Việt Nam. Anh đi học ở nước ngoài về để kêu than về đất nước mình thì học làm gì.
Những người có học phải thấy “trong nguy có cơ”. Việt Nam có thể chưa có điều kiện bằng các nước khác nhưng mình phải bật lên, phải tìm cơ hội cho chính mình.
Trên thực tế, nước nào có chất lượng công nhân kém thì họ hay đầu tư nhiều vì giá rẻ. Còn những nước có chất lượng cao thì họ không đầu tư vì giá cao.
Người Tây đầu tư vào Việt Nam ầm ầm còn du học sinh của chúng ta có lợi thế là người Việt Nam, am hiểu Việt Nam, vậy mà, anh lại kêu, vậy chẳng phải anh đang mất cả gốc cả ngọn sao?!” – ông Việt bày tỏ.
Trường nổi tiếng và trường làng: Như Mercedes với Hyundai
Cũng đồng tình với quan điểm trên về việc chọn người tài, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà Books cho biết: Ông không phân biệt người có hay không có bằng cấp, trung cấp, đại học hay tiến sỹ.
Và dĩ nhiên là không phân biệt du học sinh hay sinh viên học trong nước.
Cái ông cần là người đó thật sự muốn phụng sự bằng toàn bộ trái tim và khối óc của mình – điều mà ông hay gọi theo đúng tên của 2 cuốn sách nổi tiếng “Phụng sự để dẫn đầu”, “Trí óc, trái tim và khí phách”.
“Tôi quan niệm rất rõ và nói cả hơn chục năm nay rằng: Một sinh viên học ở trường nổi tiếng, trường có uy tín như một người sở hữu chiếc Volvo hay Mercedes.
Còn em sinh học ở trường “làng” - trường kém uy tín giống như người sở hữu xe Matiz, xe Hyundai.
Chưa chắc xe nào đến đích trước. Xe tốt chạy nhanh nhưng nếu đi sai hướng là lạc đường và càng xa đích. Hơn nữa, xe tốt chạy nhanh có nguy cơ gây tai nạn và hậu quả cao hơn.
Trong khi đó, nếu lái xe Matiz mà cần cù, chắc chắn, thành tâm, khiêm tốn sẽ rất tốt” – ông Hùng ví von.
Theo ông Hùng: Học ở Tây về có người giỏi nhưng cũng có bạn còn kém xa trình độ một bạn học trong nước. Bên Tây có môi trường tốt, công nghệ tốt, thầy giỏi nhưng không học thì không thể thành tài.
Với ông Nguyễn Mạnh Hùng và Thái Hà Books, quyết tâm và ý chí quan trọng hơn cả ngôi trường bạn đang học.
Ông Hùng tâm sự: Ông vừa có gần 2 tháng ở Châu Âu về. Tại đây, rất nhiều lưu học sinh gặp ông đều bày tỏ sự lo lắng: Học xong làm gì? Ở đâu? Tương lai thế nào? Hướng đi ra sao?
“Các em du học sinh cũng đang rất bí bách và đầy lo âu. Ngồi ở Việt Nam, các bạn cứ nghĩ rằng: Du học sinh là mọi thứ đều tốt hết. Thực ra, các bạn ấy cũng có rất nhiều khó khăn và phiền não. Trong chăn mới biết chăn có rận!” – ông Hùng nói.
Tuy vậy, vị doanh nhân nổi tiếng này cũng thẳng thắn: “Tôi luôn nói thật rằng: Du học nước ngoài tốt hơn trong nước”.
Bởi bạn dĩ nhiên có một ngoại ngữ ngon lành, tự nhiên bạn có nhiều bạn bè quốc tế, nghiễm nhiên bạn biết thêm ít nhất một nền văn minh nữa.
Bên cạnh đó, mặc nhiên bạn có tính tự lập. Bạn có khả năng giao tiếp tốt hơn, nhiều kỹ năng hơn, thực hành nhiều hơn, tầm nhìn tốt hơn.
Nhưng với điều kiện: Bạn phải tự lập, tự học và quyết tâm.
“Đã có bạn bị bố mẹ cho đi du học, sang đó không học, không ai quản lý trong khi ở nhà quen được chiều chuộng, sống trong lồng kính. Bát mỳ tôm không biết nấu, quần áo không biết giặt, bát đĩa chẳng biết rửa, quen sống dựa dẫm, sang đó sốc và buông xuôi.
Không ít trường hợp tiền mất tật mang và hỏng người. Tất cả tại tâm. Tất cả là do bạn sinh viên đó” – ông Hùng chia sẻ.
Chính vì vậy, CEO Thái Hà Books khuyên: Các học sinh phải trả lời “mình muốn gì, đi về đâu” trước khi quyết định đi du học. Bởi dù học giỏi nhưng nơi mình làm việc có phù hợp không lại là một chuyện khác.
“Tôi có anh bạn học rất giỏi về ngành vũ trụ học nhưng nếu về Việt Nam thì làm ở đâu, nơi nào phát huy hết tài năng của bạn ấy. Tôi khuyên em nghĩ kỹ khi về nước”.
Do đó, theo ông Hùng, 2 câu hỏi “Đi về đâu? Mình muốn gì?” là điều quan trọng nhất mà các du học sinh cần chú ý khi đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân.