Hát cả ngày, làm thơ gửi bác sỹ
Đó là một trong những câu chuyện bi hài ở Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương (GĐPYTT - Thường Tín, Hà Nội) về tội phạm tâm thần mà chúng tôi ghi nhận được trong chuyến công tác ngày giáp Tết.
Không khí ảm đạm, u uất bên trong Viện khác hẳn với thế giới bên ngoài là nơi theo dõi, điều trị 100 đối tượng tâm thần có hành vi giết người, hiếp dâm…
Khuôn viên của Viện bao bọc bởi các song sắt kiên cố. Những bệnh nhân mặc áo xanh đi lại chậm chạp, đầu tóc bù xù, miệng lẩm bẩm nhìn người lạ bằng con mắt vô hồn, thi thoảng họ lại cười bâng quơ.
Tiếp chúng tôi là bác sỹ Lâm Văn Thành – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Viện GĐPYTT.
Xen lẫn cuộc trò chuyện xuất hiện tiếng hát thất thanh của bệnh nhân. Ông Thành nói: “Ở đây, bệnh nhân hát hò cả ngày cả đêm là chuyện bình thường. Có trường hợp, 12 giờ đêm bệnh nhân trèo lên giường nhảy múa”.
Tiếp câu chuyện, bác sỹ Thành kể hiện nay Viện đang điều trị một nữ giảng viên thanh nhạc ở Thái Nguyên. Hàng ngày, người này coi mình là ca sỹ nổi tiếng nên hát không kể ngày lẫn đêm.
“Bệnh nhân này bị rối loạn cảm xúc nên cho mình tài giỏi, mắc bệnh hoang tưởng tự cao tự đại và bị cơ quan điều tra bắt vì tội lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Đối tượng này hứa với mọi người sẽ xin cho vào học thanh nhạc, xin việc này việc kia. Nhưng sau khi lấy tiền “lót tay”, chị này mang toàn bộ đi từ thiện ở các chùa” - bác sỹ Thành nói.
Có trường hợp bệnh nhân hơn 40 tuổi điều trị bắt buộc ở đây viết hàng trăm bức thư, bài thơ gửi cán bộ Viện và các “bạn” trong viện hơn một năm nay.
Trước đó, bệnh nhân đã có hành vi gây thương tích với chú ruột vì xích mích, xung đột khi cho rằng bố đẻ đã ngủ với vợ mình nên nổi cơn ghen tuông.
“Trước khi vào đây, bệnh nhân này làm cán bộ ở phòng địa chính của huyện ở tỉnh Tuyên Quang. Trong khoảng thời gian 1 năm điều trị thì tuần nào ông cũng viết một bài văn hoặc thơ…
Sau đó đưa cho bác sỹ hoặc nhờ điều dưỡng chuyển cho lãnh đạo Viện với tâm trạng rất thích thú” - bác sỹ Thành kể.
Coi mình là “ông trời”, “lãnh đạo”
Bên cạnh đó, bác sỹ Vũ Thị Ngọc (Khoa Điều dưỡng Giám định) kể rằng, có vài bệnh nhân lúc nào cũng coi mình là người quan trọng, nắm giữ vị trí cấp cao trong xã hội hoặc hoang tưởng mình cao siêu.
“Có trường hợp bệnh nhân coi mình là một người lãnh đạo và lấy đủ mọi lý do để không uống thuốc thậm chí còn cho rằng mình là “ông trời”, là Ngọc hoàng xuống trần hành đạo” - bác sỹ Ngọc nói.
Bác sỹ Lâm Văn Thành – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Viện GĐPYTT.
Thậm chí, cũng theo lời bác sỹ Thành thì có bệnh nhân cho rằng mình tài giỏi nhất Việt Nam.
“Bệnh nhân H. vào đây điều trị một năm trời nhưng mỗi lần cho uống thuốc đều nói rằng mình được các thần thánh, các vị tướng nổi tiếng nhập vào.
Mỗi lần cho uống thuốc, họ đều quát cán bộ của Viện: “Các anh không có quyền đụng vào tôi”; “Các anh cho tôi uống thuốc là đầu độc, giết tôi”.…
Lúc họ tự nhận là lãnh đạo hay hoang tưởng tự cao là ai thì mình cũng đồng ý cho như vậy miễn là họ chịu ăn cơm, uống thuốc.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân không nịnh được thì phải dùng biện pháp nghiệp vụ của chúng tôi làm trong nghề như tiêm hoặc đặt xông vào dạ dày cho bệnh nhân.
Phải cương quyết chứ không được mềm lòng. Đó là bệnh lý chứ không phải tâm lý, động viên không có ý nghĩa, giá trị vì họ không coi mình không có bệnh” - bác sỹ Thành cho hay.
Công việc của bác sỹ chữa bệnh tâm thần đã khó nhưng điều trị cho những người tâm thần tội phạm mất khả năng điều khiển hành vi còn nguy hiểm hơn nhiều.
Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Giả điên trốn tội: "Vải thưa không che được mắt thánh"