Đó là lời tâm sự chua xót, tủi hờn của ông Trần Văn Đông (SN 1951) ở thôn Hậu Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Con ngớ ngẩn, vợ bệnh tật
Sau một đoạn đường ngoằn ngoèo đầy đất, ngôi nhà nhỏ lấp ló cũng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Đó là một căn nhà chỉ rộng chừng 15m2, thấp lè tè, dột nát, ẩm mốc, gió thổi thốc vào bên trong.
Thấy có người lạ tìm đến, ông Trần Văn Đông có vẻ ngơ ngác, sau khi hỏi chuyện, ông không ngần ngại bộc bạch với chúng tôi.
Mở đầu câu chuyện, ông Đông ôn tồn: “Các chú đứng ngoài này cũng được, vào trong nhà nó đánh thì phải tội, suốt ngày tôi khóa cổng đi lại cho khuây khỏa, đến giờ tôi lại về cho nó ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Đấy các chú có nghe thấy không? Trong nhà, nó suốt ngày lẩm bẩm hát hò, khạc nhổ bừa bãi hết ra nhà. Thậm chí, nhiều hôm nó còn đập phá bàn ghế, phóng uế bừa bãi khổ sở lắm, không biết ai hành hạ tôi thế này ”.
Được biết, năm 1981, ông Trần Văn Đông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Trữ rồi lần lượt sinh được hai người con, một trai, một gái.
Năm 2006, tai họa ập xuống gia đình nhỏ bé của ông Đông, đứa con trai út của ông bà là Trần Văn Lạc (sinh năm 1989) bỗng dưng phát điên mà không rõ nguyên nhân.
Trần Văn Lạc liên tục đưa ánh mắt ngây dại của mình nhìn vô hồn mỗi khi có người lạ tới nhà.
Ngày chưa phát bệnh, Lạc là chàng trai khỏe mạnh, chăm chỉ học hành. Vừa tốt nghiệp cấp 3 chưa được bao lâu thì bệnh tật từ đâu kéo tới đẩy Lạc từ một thanh niên lực điền thành một người tâm thần, ngớ ngẩn.
Nỗi đau về bệnh tật của đứa con trai duy nhất còn chưa vượt qua thì đến lượt người vợ của ông đối diện với bệnh nặng.
Bà Trữ bị mắc bệnh vôi hóa đốt sống cổ, thiếu hụt chất dẫn chuyền thần kinh nên chân tay lúc nào cũng run rẩy. Gia đình có ba người thì đến hai người mắc bệnh.
Bà Trữ (vợ ông Đông) đau yếu đã nhiều năm nay.
Họ sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, dột nát, tài sản quý giá nhất có lẽ là chiếc xe đạp cà tàng. Mấy chục năm nay, mỗi lần Lạc lên cơn lại đập vỡ hết cốc chén trong nhà nên ông Đông phải mua thêm.
Từ ngày con trai và vợ mắc bệnh, gánh nặng cơm áo dường như đè hết lên đôi vai ông Đông.
Ông trầm ngâm nói: “Mấy năm nay rồi, tôi mắc bệnh tiểu đường, cho nên sức khỏe cũng yếu hẳn đi, chỉ lo trời không cho mình sống thêm để lo cho mẹ con bà ấy thôi.
Lạc lúc tỉnh lúc dại, những khi lên cơn thì nó còn vác cả đòn gánh đánh tôi. Có lần tôi bị nó đánh bầm hết một bên mặt, gãy cả tay phải đi bệnh viện bó bột.
Tôi già rồi không chạy nổi nên cứ để nó đánh chán thì thôi, còn vợ tôi thì bị bệnh vôi hóa đốt sống cổ, bị bệnh run tay nên không làm gì được. Nhiều lúc cũng thấy tuyệt vọng lắm”.
Những lúc không ở trong nhà đã được khóa cửa thì ban ngày, Lạc lang thang khắp làng trên xóm dưới, miệng thường lép bép nhai lá cây, lúc thì gào thét, lẩm bẩm không ngừng, lúc khóc ré lên hay cười sằng sặc.
Ban đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, Lạc lại rống lên như thú rừng, đập phá đồ đạc trong nhà.
Nói về hoàn cảnh nhà ông Đông, bà Đặng Thị Hót, hàng xóm của gia đình chia sẻ:
“Nhà bác ấy khổ lắm, bác gái còn không cầm nổi chổi quét nhà thì làm sao có thể làm được việc đồng áng, còn thằng Lạc thì thi thoảng lại lên cơn, chửi bới, la hét, đánh đuổi cha mẹ. Chuyện như cơm bữa, chúng tôi ngày nào chả phải can ngăn”.
Cho đến nay, gia đình vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao bỗng dưng Lạc phát bệnh. Nhà nghèo, ông bà cũng chẳng biết lấy gì đưa con đi chạy chữa.
Gia cảnh khánh kiệt
Dù nhà nghèo nhưng ông Đông không can tâm nhìn vợ đau, con phát bệnh nên cũng chạy vạy vay mượn khắp nơi từ anh em họ hàng, bà con lối xóm.
Mỗi lần cả ba người dắt díu nhau lên khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội chữa trị đến cả tháng trời cũng mất hơn chục triệu đồng. Số tiền đó đến bây giờ ông bà chẳng biết xoay sở ở đâu, nên ông bà chẳng còn dám nghĩ đến chuyện đi bệnh viện chữa trị nữa.
Giờ đây cả gia đình ông Đông mỗi người đều phải chấp nhận sống chung với bênh tật của mình.
Cuối năm 2011, ông Đông mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách huyện để chăn nuôi gà.
Thế nhưng, chỉ được mấy tháng, gà mắc phải dịch cúm gia cầm lăn ra chết. Tiền vốn và tiền lãi mất trắng, nợ nần thì chồng chất, kinh tế gia đình tiếp tục rơi vào bế tắc, khánh kiệt.
Được biết, gia đình ông Đông thuộc diện khó khăn của thôn Hậu Xá, nhà chỉ có hai sào ruộng, không có nghề phụ gì.
Hiện tại, rần Văn Lạc được nhận trợ cấp 240.000 đ/tháng, nhưng số tiền này cũng không đủ thuốc men cho ba người bệnh. Để có được bữa cơm, bữa cháo cho cả ba người bệnh tật, ông Đông phải nai lưng làm đủ mọi việc.
Mong sao quý độc giả hảo tâm biết đến gia cảnh của ông Trần Văn Đông và chia sẻ với những khó khăn đang bủa vây gia đình ông...
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.