Dương Chí Dũng và các đồng phạm đã hoàn thành giai đoạn xét xử sơ thẩm; vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm cũng còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm. Riêng quyết định khỏi tố vụ án của tòa về hành vi làm lộ bí mật nhà nước thì đã có hiệu lực pháp luật, vì Viện kiểm sát không kháng nghị. Là một chuyên gia luật, ông Trịnh Minh Tân có góc nhìn riêng của mình về vụ án đang nóng này. Mời bạn đọc theo dõi:
Tin rằng các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành quy trình tố tụng tiếp theo quyết định khởi tố vụ án của tòa một cách cẩn trọng để tìm ra sự thật khách quan từ lời khai của ông Dương Chí Dũng. Lời khai có phải là chứng cứ xác thực hay không phải qua quá trình điều tra theo luật định. Để đi đến một sự thật khách quan quả thực là một việc không dễ dàng. Tâm và tầm của người tiến hành tố tụng là yếu tố quyết định đến việc người bị tố giác có tội hay vô tội.
Từ nội dung vụ án và diễn biến tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm đã được truyền thông tường thuật tương đối đầy đủ, trên cơ ở những thông tin chính thức đó cho ta thấy có nhiều vấn đề thuộc phạm trù pháp lý hình sự cần phải tiếp tục xem xét.
Điều 275 Bộ luật Hình sự quy định bốn tội độc lập, trong đó có tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tội danh này có ba khung hình phạt.
Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố hai bị cáo Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo Khoản 3 Điều 275 Bộ luật hình sự, các bị cáo khác bị truy tố theo Khoản 2 Điều 275. Nhưng tòa đã chuyển khung hình phạt, tất cả các bị cáo đều bị xét xử theo Khoản 3 Điều 275.
Việc tòa xác định tất cả các bị cáo đều phải bị xét xử cùng một khung hình phạt là chính xác, vì hành vi phạm tội của họ là có tổ chức. Tuy nhiên, việc tòa áp dụng Khoản 3 Điều 275 là chưa đúng với tính chất và hậu quả của của hành vi phạm tội.
Điều 275 không quy định tình tiết tăng nặng định khung đối với người tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép vì mục đích trốn tránh việc xử lý của pháp luật đối với chủ thể trốn đi nước ngoài là người phạm tội.
Khoản 3 Điều 275 quy định: “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.
Vậy hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng và các đồng phạm có gây nên hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” không?
Việc xác định hậu quả do hành vi phạm tội gây nên phải căn cứ vào các thiệt hại:
- Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe: trong vụ Dương Tự trọng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài không có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do gặp tai nạn, cướp… Do đó không có căn cứ xác định tính chất của tội phạm là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Thiệt hại về vật chất: vấn đề này cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng đã gây thiệt hại là bao nhiêu (quy ra tiền).
- Thiệt hại phi vật chất: chỉ được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng và các đồng phạm đã xâm phạm đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đối ngoại và pháp luật về xuất nhập cảnh… được quy định cụ thể trong các nghị quyết của Đảng hoặc trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng định khung của tội danh “tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, nhưng trong luận tội của viện kiểm sát cũng như phân tích của tòa trong bản án không khẳng định được hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biêt nghiêm trọng như thế nào, mà chỉ nhận định chung chung, không rõ căn cứ.
Nếu nói hành vi phạm tội “có tổ chức, thủ đoạn tinh vi” hoặc “gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án Vinalines, tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật” thì đó không phải là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Ngay việc nhận định “nếu không bắt được Dương Chí Dũng thì sẽ không thu hồi được tiền thiệt hại cho Nhà nước…” để chứng minh là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lại càng không ổn.
Các phân tích của viện kiểm sát và nhận định của tòa nhằm quy buộc các bị cáo phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trong thì lại mang nội dung hàm chứa các yếu tố cấu thành một tội danh khác, sẽ bàn đến trong bài sau.
Vì vậy, chỉ có thể áp dụng Khoản 2 Điều 275 đối với hành vi của bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm mới phù hợp với tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Khoản 2 Điều 275 quy định “Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm”.
Việc Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm, nhưng hậu quả của nó chỉ có thể là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng chứ không thể nào là " đặc biệt nghiêm trọng" , là tình tiết tăng nặng định khung của điều luật này.
Thạc sĩ luật Trịnh Minh Tân (nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án hình sự, VKSND TP.HCM)