Tính đến thời điểm này là gần 3 tháng kể từ khi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, người thiệt mạng tại thẩm mỹ viện Cát Tường, số 45, Giải Phóng, Hà Nội) bị phi tang. Theo lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người này cùng bảo vệ của thẩm mỹ viện đã phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng.
Gia đình nạn nhân, cơ quan chức năng bằng mọi cách đã tìm kiếm, thế nhưng, vẫn chưa có kết quả. Nỗi đau đớn, nỗi ám ảnh của mỗi thành viên trong gia đình nạn nhân càng tăng lên bội phần.
Rất nhiều "kịch bản" và hàng loạt giả thuyết, nghi vấn được độc giả đưa ra. Có giả thuyết rằng xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền không hề bị ném xuống sông Hồng. Giả thuyết này của độc giả dựa trên những cử chỉ, lời khai của Đào Quang Khánh và Nguyễn Mạnh Tường. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao khi thuật lại hành vi ném xác mà cả Khánh và Tường lại có thể bình tĩnh đến lạnh lùng như thế? Nếu ném xác xuống tại sao không thể tìm thấy? Một giả thuyết khác được đặt ra đó là liệu Nguyễn Mạnh Tường đã có hành vi man rợ hơn để phi tang tội ác của mình như chặt thi thể nạn nhân làm nhiều khúc, hoặc mổ bụng....
Theo đó, có hai luồng ý kiến khi nói về tội danh của Nguyễn Mạnh Tường.
Gia đình nạn nhân và nhiều ý kiến cho rằng nên khởi tố Tường tội "Giết người". Trước đó,cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố 2 tội danh đối với Tường, đó là: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 của Bộ luật Hình sự và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 Bộ luật Hình sự.
Thế nhưng, có độc giả cho rằng, khi chưa tìm thấy thi thể thì làm sao có thể khép vào tội xâm phạm thi thể?
Nếu không tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thì khó có thể đưa Nguyễn Mạnh Tường ra truy tố, xét xử về tội danh “Giết người”. Như vậy, nếu theo chiều hướng này, có thể truy tố xét xử Nguyễn Mạnh Tường tội danh nào?
Để trả lời cho những thắc mắc trên, cùng với rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến tòa soạn xung quanh vụ việc chấn động này, BBT Soha News tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Bác sĩ Cát Tường" có tội hay thoát tội?
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều luật sư danh tiếng có thời gian dài công tác trong lĩnh vực pháp lý và từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ “đại án” thời gian qua.
Buổi tọa đàm sẽ được diễn ra vào 9h30 ngày 16.01.2014 tại trụ sở báo điện tử Trí Thức Trẻ. Quý độc giả quan tâm đến vụ trọng án ở thẩm mỹ viện Cát Tường xin gửi ý kiến, bình luận, câu hỏi về theo địa chỉ [email protected].
Dưới đây là danh sách khách mời sẽ tham gia trong buổi Tọa đàm.
Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội).
Luật sư Trần Đình Triển.
Luật sư Trần Đình Triển từng tham gia nhiều vụ án lớn, gây xôn xao dư luận. Những bài viết, ý kiến phát biểu của vị luật sư này trên báo chí đều thể hiện sự nắm bắt pháp luật một cách tường tận và sâu sắc. Những lập luận sắc sảo và viện dẫn pháp luật một cách chính xác đã giúp ông thành công trong nhiều vụ án phức tạp và tạo dựng được tên tuổi trong giới luật sư. Trong đó, có thể kể đến một số vụ án đình đám mà ông tham gia như: vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án hiệu trưởng mua dâm Sầm Đức Xương (Hà Giang), vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng, vụ án Dương Chí Dũng…
Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Luật sư Trịnh Cẩm Bình.
Luật sư Bình có trên 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng giải quyết các vụ án hình sự, dân sự... Vị luật sư này thường xuyên tham gia tư vấn, trợ giúp, phổ biến pháp luật cho nhiều cơ quan và người dân tại các phường, xã trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Công ty luật Biển Đông có đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm. Tham gia giải quyết các kiện tụng dân sự và hình sự khắp tỉnh thành trên cả nước và giải quyết những việc liên quan đến xét xử của toà án và tư vấn giải quyết những sự vụ trước khi đưa ra Tòa án.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Luật sư Trương Quốc Hòe.
Tên tuổi luật sư Trương Quốc Hòe không còn xa lạ với cả người trong giới và nhiều người dân, doanh nghiệp. Dưới góc độ pháp lý, ông luôn có những phân tích sắc sảo với mỗi vụ án. Ông từng tham gia bào chữa và giúp đỡ bào chữa miễn phí cho nhiều người dân. Vị luật sư này từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên.
Theo chúng tôi được biết, văn phòng luật sư InterLa có một lớp dạy những kỹ năng sống và hơn thế nữa là những kiến thức pháp luật nhằm hình thành nhân cách và hướng các em tới những việc làm đúng, có ích để các em trách xa những tệ nạn xã hội, biết cách bảo vệ mình trước những cám dỗ của cuộc sống. Hiện nay, văn phòng luật sư này cũng đang liên hệ với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Trại giam và viện dưỡng lão để đưa các em được trực tiếp, tiếp xúc với những tù nhân, hay những trẻ bị đưa vào Trung tâm giáo dục thường xuyên để trẻ tự ý thức được những việc làm của mình để tránh xa những nơi như thế.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự) từng bào chữa cho bị cáo trong vụ Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng). Đây là vụ án tốn khá nhiều giấy mực của báo chí và thu hút sự quan tâm của công chúng trên cả nước.
Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ cưỡng chế làm 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức. Vụ việc tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra, làm rõ.
Luật sư Bách có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bào chữa, tranh tụng, giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự có đội ngũ cố vấn là tiến sỹ, các chuyên viên cao cấp đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu và các trường Đại học. Đội ngũ cố vấn này có rất nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó là đội ngũ luật sư tên tuổi về pháp lý, từng tham gia bào chữa nhiều vụ án lớn. Bên cạnh đó, Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Công sự đều đặn tư vấn luật miễn phí thường kỳ cho nông dân tại trụ sở 13 Thụy Khuê (Hà Nội).
- Sẽ tìm thi thể chị Huyền ở 2 điểm tại sông Hồng và quê nhà Tường
- "Tìm thi thể chị Huyền khó khăn do có nhiều xác trôi dạt"
- Đang tìm thi thể chị Huyền ở nghĩa trang Đặng Xá
- Cậu ruột kể về hai lần suýt chết khi tìm thi thể chị Huyền
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nghi vấn mới nhất về xác chị Huyền
- Thông tin mới nhất vụ tìm xác chị Huyền
- Nhân vụ tìm xác chị Huyền, chủ thuyền "chặt chém" tiền triệu/giờ
- Dừng tìm xác chị Huyền bằng phương pháp khoa học
- Vụ Cát Tường: 'Đào sâu hơn 2m nhưng không tìm thấy xác'