Sau khi nhận định Tòa đã xử lố Dương Tự Trọng 6 năm tù ở hành vi “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, chuyên gia luật Trịnh Minh Tân lại đặt vấn đề: Phải chăng các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm của TP Hà Nội đã bỏ lọt hành vi che giấu tội phạm của bị cáo này?
Việc trốn đi nước ngoài của Dương Chí Dũng là nhằm mục đích trốn tránh việc xử lý của pháp luật về hành vi phạm tội trước đó của ông ta. Nội dung này đã được thể hiện rõ trong cáo trạng, trong quá trình xét xử vụ án và nội dung trong bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Bị cáo Dượng Tự Trọng và các đồng phạm đều biết mục đích này. Nhưng còn tội che giấu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng lại “quên” mất?.
Điều 21 Bộ luật Hình sự đã đưa ra khái niệm “che giấu tội phạm” như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định”.
Điều 313 về tội “che giấu tội phạm” có hai khoản, Khoản 1 quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm: … Điều 278, các Khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản);… Điều 289, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ);…”.
Đây cũng là yếu tố cấu thành cơ bản của tội danh “che giấu tội phạm”.
Căn cứ vào khái niệm che giấu tội phạm quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự thì nội dung của các yếu tố cấu thành tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 313 thể hiện qua:
Khách quan
Hành vi che giấu tội phạm nói chung thường được thực hiện đa dạng. Trong vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm cũng có dấu hiệu chung là tuy không có hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết Dương Chí Dũng bị cơ quan điều tra khởi tố, Dương Tự Trọng và các đồng phạm đã tiến hành một loạt các hoạt động để Dương Chí Dũng thực hiện hành trình đi trốn (sang Campuchia, Singapore) và nơi ẩn náu cuối cùng (Mỹ) để khỏi bị bắt.
Tội phạm đã hoàn thành khi Dương Tự Trọng và các đồng phạm thực hiện các hành vi nêu trên. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội che giấu tội phạm. Do đó dù kết quả có che giấu được hay không thì người thực hiện hành vi phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (ngoài các quy định của pháp luật về việc miễn trách nhiệm hình sự).
Nếu chỉ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn trong nước (như che giấu trong nhà, đưa đi trốn ngoài đảo, trên rừng…) thì các bị cáo chỉ phạm một tội là tội che giấu tội phạm. Nếu đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài thì ngoài việc phạm tội che giấu tội phạm, các bị cáo phạm thêm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Khách thể của tội phạm: tội che giấu tội phạm xâm phạm đến hoạt động bình thường và đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm.
Chủ quan
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Trong vụ Dương Tự Trọng và các đồng phạm đưa Dương Chí Dũng đi trốn, các bị cáo biết tội phạm đã được thực hiện, đồng thời hiểu được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người phạm tội (Dương Chí Dũng) trốn tránh, gây cản trở cho việc điều tra, khám phá và xử lý tội phạm.
Có một điểm lưu ý là người che giấu tội phạm biết tội phạm đã được thực hiện, nhưng không nhất thiết phải biết chi tiết, tường tận, cụ thể và các diễn biến của tội phạm mới cấu thành tội che giấu tội phạm. Trong trường hợp này, người phạm tội che dấu tội phạm chỉ cần biết Dương Chí Dũng đã thực hiện tội phạm là đã có dấu hiệu phạm tội che giấu tội phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều 313.
Trong tội che giấu tội phạm, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Chủ thể của tội phạm: là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về hành vi “che giấu tội phạm” là để lọt tội phạm.
Trong trường hợp bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm thì cũng chỉ bị áp dụng theo Khoản 1 Điều 313: “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm: …Điều 278, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản);… Điều 289, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ)”.
Tại sao chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 mà không là Khoản 2 Điều 313?
Khoản 2 Điều 313 quy định: “Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
Mặc dù bị cáo Trọng và các bị cáo khác đều có chức vụ, quyền hạn trong phạm vi ngành nghề của mình, nhưng họ không lợi dụng dụng chức vụ quyền hạn vào việc đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài trái phép nhằm giúp Dũng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, mà hành vi phạm tội của họ hoàn toàn độc lập với chức vụ quyền hạn của mà họ có.
Án sơ thẩm đã tuyên, các bị cáo có quyền kháng cáo, viện kiểm sát có quyền kháng nghị. Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội lập cáo trạng truy tố, nhưng để lọt tội thì khả năng viện kiểm sát này kháng nghị là không có. Nhưng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 30 ngày kể từ ngày tòa tuyên án để kháng nghị theo hướng theo hướng hủy bản án sơ thẩm để đều tra lại với lý do để lọt tội.
Do bị truy tố xét xử theo Khoản 3 Điều 275 nên Dương Tự Trọng và các bị cáo bị tuyên mức hình phạt tù khá cao. Nếu vụ án được điều tra, truy tố, xét xử lại thì mức hình phạt sẽ giảm, dù có bị truy tố, xét xử về hai tội danh: Tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo Khoản 2 Điều 275 và tội che giấu tội phạm theo Khoản 1 Điều 313.
Mức hình phạt tù của cả hai tội công lại cũng sẽ vẫn nhẹ hơn bị xét xử theo Khoản 3 Điều 275, nhưng sẽ “tâm phục, khẩu phục”, vì mục đích của các bị cáo là che giấu tội phạm. Việc tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài cũng nhằm mục đích này.
Thạc sĩ luật Trịnh Minh Tân (nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án hình sự, VKSND TPHCM)