Tổ ong khổng lồ đáng giá cả một gia tài ở Tuyên Quang

Thụy Bình |

Thật kỳ lạ, khi vách núi dựng đứng có hàng chục tổ ong rừng khổng lồ, mỗi tổ to bằng nửa cái chiếu treo lủng lẳng trên vách đá, nhưng không ai dám lấy.

Vách núi dựng đứng có tới 12 tổ ong rừng, mỗi tổ to bằng nửa cái chiếu treo lủng lẳng trên vách đá. Càng kỳ lạ hơn, khi những tổ ong này đã hiện diện trên đó cả trăm năm qua và không ai dám ăn trộm.

Tổ ong khoái

Tổ ong khoái

Tổ ong kỳ bí

Trong chuyến đi rừng tìm dấu vết đàn hổ ở rừng nghiến Lâm Bình (Tuyên Quang), bên đống lửa sưởi nơi vách đá, nguyên thợ săn Nông Văn Huy, người bản Nà Tông (xã Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang), kể nhiều câu chuyện kỳ bí của rừng già.

Trong số những câu chuyện lạ lùng ấy, tôi ấn tượng với chuyện về những tổ ong rừng. Rừng Lâm Bình hoang sơ, kỳ bí, không chỉ là lãnh địa của những loài voọc quý hiếm, mà còn là lãnh địa của loài ong khổng lồ.

Giống ong ấy có tên là ong khoái, thân đen với những vằn vàng to bằng ngón tay người, đốt chết cả người lớn.

Đi rừng nhiều, nên tôi không lạ gì giống ong này. Chúng thường làm tổ trên những vách đá cao, dựng đứng, những cây khổng lồ ở những nơi hiểm trở ít bóng người qua lại. Những tổ ong khoái thực sự là những kỳ công.

Giới đi rừng gặp được tổ ong khoái lâu năm thì trúng lớn. Có những tổ ong khoái to bằng cái chiếu, cho tới cả trăm lít mật.

Mỗi lít mật ong rừng có giá nửa triệu, thậm chí cả triệu bạc nếu bán ở thành phố, thì việc trúng tổ ong khoái khổng lồ chẳng khác gì trúng số.

Tổ ong hoang dã cho mật quý giá như vậy, nhưng có một điều lạ lùng, là ở rừng Lâm Bình, có hai vách núi dựng đứng giữa rừng hoang, có hai quần thể ong khoái khổng lồ làm tổ, nhưng không phải ai cũng dám trèo lên lấy mật.

Tổ ong khoái ở đại ngàn Lâm Bình

Tổ ong khoái ở đại ngàn Lâm Bình

Phải chăng đám thợ săn ong sợ độ cao? Điều đó không phải, bởi những vách đá loài voọc má trắng quý hiếm nơi đây trú ngụ còn hiểm trở khủng khiếp hơn nhiều, mà đám thợ săn huyết lình vẫn còn trèo được.

Họ bắc những chiếc thang dây nhìn đến hãi. Đứng dưới chân núi nhìn lên, hệ thống thang như những que tăm bám vào vách đá. Đám thợ săn trèo trên vách đá chẳng khác gì mấy con nhặng, nhỏ xíu như hạt đậu.

Anh Huy bảo rằng, anh và đám thợ săn đều sợ những câu chuyện tâm linh huyền bí, huyễn hoặc bao phủ quanh những tổ ong có tuổi cả trăm năm này.

Anh Huy vốn là thợ săn, thời chiến tranh loạn lạc từng bắn chết cả hổ, hạ vô số gấu, chồn cầy, voọc khỉ giết cả trăm con, nhưng nhắc đến những tổ ong kỳ lạ, anh dựng tóc gáy, không dám đến gần chứ đừng nói đến chuyện trèo lên vách đá để thu lượm mật ong.

Theo lời anh Huy, trong đại ngàn Lâm Bình, có hai vách núi có quần thể tổ ong lớn nhất, là núi Nà Thị và núi Giang Chí, đều trong rừng phòng hộ, trên địa bàn xã Khuôn Hà.

Đứng trên mỏm núi hình răng cưa thuộc xã Thượng Lâm, anh Huy chỉ tay về hai mỏm núi cao nhất của xứ Tuyên, chìm trong mây mờ, ẩn sau lớp lớp những dãy núi cao chất ngất mà thấy nản.

Để đến được núi Nà Thị, phải mất ngày rưỡi cuốc bộ leo núi, luồn rừng, còn để đến được đỉnh Giang Chí, mất trọn một ngày đi bộ liên tục.

Núi Nà Thị không có bóng người, toàn bộ là rừng già, nên có đến được núi đó, cũng không biết hỏi ai. Chúng tôi chọn núi Giang Chí để đi tìm quần thể tổ ong kỳ lạ.

Theo anh Huy, trên vách núi Nà Thị lúc nào cũng có khoảng 10 tổ ong, mỗi tổ to bằng cái chiếu, chứa đến ngót trăm lít mật.

Vách núi ấy cao đến nỗi, ngửa cổ nhìn lên, mà thấy tổ ong to bằng cái chiếu chỉ còn như cái đĩa đựng xôi.

Cứ vài năm, tổ ong to quá, lại rụng xuống một phần, nên cả trăm năm qua, dưới chân vách núi ấy, tầng tầng lớp lớp sáp tổ ong dày đến cả mét. Câu chuyện về những tổ ong ở núi Nà Thị quả hấp dẫn.

Những tổ ong trăm tuổi

Sau hai tiếng ngồi trên thuyền máy trên lòng hồ thủy điện Na Hang, hướng về phía đất Bắc Mê (Hà Giang), thì tôi và thợ săn Nông Văn Huy bắt đầu cuộc hành trình cuốc bộ xuyên qua những đại ngàn nghiến mọc trên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn.

Con đường mòn xuyên rừng thi thoảng mới có đoạn lộ nền đất, thì thấy dấu chân thú nhiều hơn dấu chân người. Rất nhiều vết báo gấm cào trên nền đất đánh dấu lãnh thổ đủ biết đại ngàn hoang sơ như thế nào.

Đỉnh Giang Chí nơi có quần thể tổ ong khổng lồ

Đỉnh Giang Chí nơi có quần thể tổ ong khổng lồ

Cuốc bộ đến nhập nhoạng tối, lên đến đỉnh Giang Chí cao hơn 2.000m, nóc nhà của tỉnh Tuyên Quang, thì hiện ra mấy nóc nhà sàn.

Trên đỉnh Giang Chí, có mấy mỏm núi và mỗi mỏm núi là một ngôi nhà. Dân cư thưa thớt, đất đai rộng mênh mông. Phía bên kia đỉnh Giang Chí là đất Hà Giang.

Nhà thầy cúng Lý Thức Tình ở mỏm núi nhô lên ngay dưới đỉnh Giang Chí mờ sương. Thầy Tình 57 tuổi, dáng người nhỏ thó. Trước kia, ông vốn là công an viên, nhưng bản Giang Chí giải tán, hạ sơn, thì ông lại quay về công việc thầy cúng.

Ánh sáng vàng vọt từ chiếc đèn dầu chỉ thấy mặt người lờ mờ. Khách lạ đến nhà, ông Tình bê ấm pha trà, nhưng cứ đi vòng quanh nhà, nhấp nha nhấp nhổm không chịu ngồi yên.

Anh Huy bảo, nhìn dáng đi, với cái kiểu đi lại quẩn quanh như thế, ắt bị bệnh gan nặng. Tò mò, tôi hỏi, thì ông Tình bảo ông bị bệnh gan nặng thật.

Ông bảo, làm nghề thầy cúng, có mặt ở các buổi lễ trọng đại, nên không tránh được rượu bia. Vả lại, sống ở đỉnh Giang Chí, quanh năm giá lạnh, ít người, nên chỉ có rượu làm bạn, vì thế mà hỏng cả hai lá gan.

Thầy cúng Lý Thức Tình kể những chuyện kỳ bí về Thần Ong
Thầy cúng Lý Thức Tình kể những chuyện kỳ bí về "Thần Ong"

Thầy cúng Lý Thức Tình mở chiếc tủ cũ kỹ, lần giở những cuốn sách ố vàng, mối gặm nham nhở, rồi bắt đầu câu chuyện về tộc người Dao của mình.

Ông bảo, gia phả ghi rõ, dòng họ nhà ông di cư từ Trung Quốc sang đất Hà Giang từ 300 năm trước. Cách đây 9 đời, khoảng 200 năm trước, người Dao đặt chân lên đỉnh Giang Chí này.

Cho đến bây giờ, đỉnh Giang Chí vẫn là vùng đất tận cùng của Tuyên Quang, nơi xa xôi, hoang rậm bậc nhất của tỉnh.

Cả trăm năm sinh sống, từ vài người, đỉnh Giang Chí đã đông đúc, với 12 hộ dân cùng hơn trăm nhân khẩu. Năm 2004, chính quyền đã lên đây mở lớp học và có thầy cô giáo cắm bản. Tuy nhiên, đường sá quá xa xôi, lớp học chỉ lèo tèo 3-4 học sinh.

Đường giao thông không thể mở lên được, điện cũng không thể kéo lên, nên bàn đi tính lại chính quyền đã di dân xuống tận huyện Hàm Yên. Mấy năm trước, toàn bộ dân cư đã được hạ sơn. Tuy nhiên, đã có 4 hộ quay về.

Tôi hỏi: "Hàm Yên là vùng đất thấp, thủ phủ cam sành, rất dễ làm ăn, sinh cư, sao ông không ở đấy, mà quay lại chốn thâm sơn cùng cốc này?".

Ông Tình bảo, ông đã chuyển con cái xuống đó ở, còn ông bà quay về đây ẩn náu. Sinh ra và lớn lên trên quả núi này, khí hậu mát mẻ, nên ông không quen với thời tiết nắng nóng dưới Hàm Yên.

Tôi gặng hỏi thêm lý do, thì ông mới tiết lộ rằng, ông về quả núi này ở còn là để trông nom, thờ cúng "Thần Ong".

Thấy lạ, vì thời buổi này còn thần thánh gì nữa, tôi gặng hỏi thì hóa ra thực chất của việc thờ cúng là trông nom tổ ong khổng lồ, đây cũng là một cách chăm sóc đời sống tinh thần của người Dao mà thôi. 

Theo ông Tình, hàng năm, đến tháng 4, dân bản đều tổ chức cúng bái, thu hoạch ong và ăn mừng. Tổ ong thuộc sở hữu của cả bản Giang Chí, nhưng giờ dân bản chuyển đi cả rồi chỉ còn 4 hộ thi thoảng đi về, thay nhau trông nom tổ ong.

Bản thân thầy cúng Lý Thức Tình cũng không biết tổ ong có mặt trên đỉnh núi Giang Chí từ bao nhiêu năm trước. Các cụ đều kể lại rằng, "Thần Ong" đã ngự trên đỉnh núi này từ thời khai sơn lập địa, trước khi có con người trên trái đất.

Bỏ qua những câu chuyện thần thoại, thì ông nội ông Tình, sinh năm 1910 kể rằng, từ lúc mới sinh ra đã thấy có những tổ ong trên vách núi và các cụ đều thờ cúng "Thần Ong" rất chu đáo.

Việc thờ cúng "Thần Ong" được giao cho ông nội ông Tình, đến đời bố ông, và giờ thì đến đời ông Tình làm nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần cho cộng đồng Dao ở nơi hoang thẳm này.

Cứ như vậy mà tính ra, thì ít nhất "Thần Ong" đã ngự trên đỉnh Giang Chí 100 năm rồi. Còn theo lời ông Tình, thì tổ tiên ông truyền miệng lại, lúc đặt chân đến đỉnh núi, cách nay 200 năm, đã thấy những tổ ong chi chít trên vách đá.

(Còn nữa)

>>>Vụ "ăn" 2.000 đồng/kg dưa: Người mua 10 tấn hắc mỹ nhân nói gì?
>>>Sự thật về chiếc trực thăng trên nóc nhà của đại gia Hải Dương

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại