1. Về vấn đề xử phạt lỗi lắp phụ tùng mới cho phương tiện, độc giả Khánh Linh (trú tại Tp. Hồ Chí Minh) ở địa chỉ mail: [email protected] có phản ánh cụ thể như sau: Tôi đi xe máy lưu thông trên đường thuộc địa bàn Quận 4 thì bị lực lượng cảnh sát trật tự dừng xe và lập biên bản với lỗi vi phạm " tự ý thay đổi hình dáng của xe (ống bô xe) ".
Do xe tôi hư ống bô nguyên thủy của xe và tôi đã thay bô khác vào.
Đến ngày lên đóng phạt thì tôi bị phạt 1.000.000 đồng. Xin hỏi như vậy là đúng hay sai, nếu mức phạt như vậy là không đúng vậy tôi phải làm sao? Hiện nay, tôi vẫn đang bị giữ giấy tờ xe.
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
Như bạn trình bày, do ống bô (ống xả) xe máy của bạn bị hỏng nên bạn phải thay ống bô mới. Tuy nhiên, bạn không nói rõ là ống bô đó có cùng loại với ống bô cũ hay là khác.
Bởi, theo quy định, nếu bạn thay thế ống bô xe cũng như các thiết bị khác của xe mà không đúng với kết cấu, chủng loại của xe đó thì sẽ bị xử phạt.
Như vậy, ở đây, có thể bạn đã thay ống bô mới không đúng kết cấu, chủng loại của xe nên việc cảnh sát trật tự xử phạt phạt lỗi này là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ,
Tại khoản 3 sửa đổi, bổ sung điều 33. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý đục lại số khung, số máy;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước của xe;.....
Để tìm hiểu kỹ hơn về mức phạt, độc giả có thể đọc bài tại đây.
2. Đối với lỗi vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh, bạn đọc Lê Anh Tuấn (Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) có hỏi cụ thể như sau: Hôm rồi tôi có điều khiển xe máy chở bàn học cho con về nhà thì bị cảnh sát giao thông dừng xe và lập biên bản vi phạm lỗi "chở hàng cồng kềnh".
Đến nhận quyết định xử phạt, thì thấy bị phạt 600.000 đồng theo khoản 3 điều 44 Nghị định 71. Tuy nhiên, tôi có tham khảo lại thì thấy mình chỉ vi phạm vào điểm k khoản 4, điều 9 của Nghị định 34/NĐ -CP mà thôi.
Nay tôi muốn hỏi, quyết định xử phạt như vậy đã đúng chưa?
Và tôi cũng muốn biết về quy định chở hàng hóa, như thế nào gọi là cồng kềnh, có một mức quy định chuẩn nào về kích thước chở hàng hay không?
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
*/ Hành vi chở hàng hoá cồng kềnh được quy định tại điểm k khoản 4, điều 9 của Nghị định 34/2010/NĐ - CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2012/NĐ-CP), có mức phạt tiền là từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Tại Điều 9. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
k) Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người ngồi trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 44 nghị định này thì nếu địa điểm vi phạm hành vi này nằm trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương thì mức xử phạt sẽ là từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng, mức phạt bình quân là 600.000 đồng.
Để tìm hiểu rõ vấn đề, độc giả có thể đọc thêm tại đây.
3. Một vấn đề mới, nhưng cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả trong tuần qua trên Soha News chính là vấn đề đi nghĩa vụ công an thì cần những điều kiện gì? Bạn đọc Vũ Tiến Phong (Vụ Bản, Nam Định) có hỏi: Hiện nay, tôi đã học hết bậc học THPT, tuy nhiên do lực học không tốt nên tôi không thi đỗ vào Đại học. Hiện tôi muốn đăng ký đi nghĩa vụ công an và tôi cũng không phải là con của người trong ngành.
Vậy, tôi cần những điều kiện như thế nào?
Trả lời:
Liên quan đến vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
Tại Nghị định 12/2007/NĐ - CP của Chính phủ ban hành ngày 17/01/2007 quy định đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
Theo đó, đối tượng tuyển chọn bao gồm mọi công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, có địa chỉ thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, đã đăng ký nghĩa vụ quân sự ở xã, phường, thị trấn nơi công dân có hộ khẩu thường trú.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đơn vị sử dụng và yêu cầu tuyển chọn của lực lượng Công an nhân dân.
Để tìm hiểu kỹ hơn đối với những yêu cầu tuyển chọn, độc giả có thể đọc thêm tại đây.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: [email protected] hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.