Không có chuyện xe ủi đất đè người
Trong Báo cáo số 15/BC-UBND của UBND tỉnh Hải Dương do Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Dương Thái gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban ngành khẳng định, không có chuyện xe ủi đất đè lên người.
Công văn nêu rõ, trong các ngày từ 30 – 9/7/2015, thường xuyên có nhiều người dân xã Cẩm Điền (từ 30 – 50 người) tự ý vào khu công nghiệp (KCN) trồng cây chuối.
Đồng thời, ngăn cản tại KCN (xếp đá hộc, đặt chắn đường bằng cây tre, cắm cờ Tổ quốc và biểu ngữ tại cổng KCN, Km35 700 phía Bắc quốc lộ 5) không cho phương tiện vào, kể cả xe của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong tỉnh.
Khoảng 16h40 ngày 9/7/2015, khi có hai xe ô tô tải của nhà thầu (Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung; trụ sở: TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) vào KCN, một số người dân đã ngăn cản.
Lực lượng Công an huyện Cẩm Giàng đã can thiệp, không để xảy ra xô xát và không gây ách tắc trên QL 5. Ngay trong tối 9/7, một số người dân đã đào rãnh cắt đường vào KCN tại vị trí cổng giáp Quốc lộ 5.
Khoảng 8h, ngày 10/7/2015, một xe ủi bánh xích của nhà thầu di chuyển từ Quốc lộ 5 vào KCN. Khi qua rãnh đào nêu trên, xe ủi này bị số đông người dân ngăn cản nên có xảy ra va chạm.
Theo thông tin ban đầu: Bà Lê Thị Châm (trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) bị ngã, có chạm vào xe ủi. Sau đó, bà Châm được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.
Theo thông tin bước đầu từ phía bệnh viện, bà Châm bị xây xát và chấn thương mẻ xương mỏm ở vai, không nguy hiểm đến tính mạng.
Người lái xe ủi là ông Nguyễn Văn Sinh (quê ở xã Thúy Lâm, H. Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bị nhiều người dân tập trung đánh đập. Ông Sinh sau đó được đưa đến bệnh viện Quân y 7 điều trị.
Ông Sinh bị chấn thương ở mặt, vùng đầu, xây xát toàn thân; tạm thời xác định không nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy, không có sự việc xe ủi đất đè lên người.
Công an vào cuộc
Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, người dân Cẩm Điền vẫn khẳng định, việc bà Lê Thị Châm bị bánh xích máy ủi đè lên như clip đăng tải là chính xác (?).
Người dân cho biết, vào sáng 10/7 có khoảng 40 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực bà con đang lập "chốt" ngăn cản không cho đơn vị thi công.
Nhiều người dân đứng trước đầu máy xúc ngăn cản khiến người lái máy xúc không dám tiến lên và mở cửa cabin nhảy xuống dưới.
Tuy nhiên sau đó, có một đối tượng nhảy lên máy xúc có những hành vi phản cảm, thanh niên này sau đó vào cabin và yêu cầu người thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cho người này cách lái máy.
Sau đó, cả 2 cùng ngồi trên cabin điều khiển chiếc máy xúc, một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp tục điều khiển chiếc máy xúc tiến về phía người dân.
Lúc đó, không khí vô cùng hỗn loạn, khi máy xúc đang tiến về phía trước thì bà Châm bị ngã xuống đất nên chiếc máy xúc chèn vào (?).
Để làm rõ việc có hay không bà Châm bị máy xúc chèn qua, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Bùi Như Luyến, Trưởng công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.
Theo đại diện công an huyện Cẩm Giàng, cơ quan điều tra đã đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm hỏi và lấy được lời khai của bà Lê Thị Châm.
Đơn vị này cũng đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ban đầu đối với ông Nguyễn Văn Sinh, 42 tuổi (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương, đang nằm điều trị ở Viện Quân y 7, TP.Hải Dương).
Ông Sinh là người được cho là đã lái máy xúc chèn lên bà Châm sáng ngày 10/7, tại dự án khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, sau đó bị người dân đánh bị thương.
Hiện công an huyện Cẩm Giàng đang xác minh ông Sinh có phải là người của đơn vị phụ trách thi công dự án, có bằng lái máy xúc và có được giao nhiệm vụ lái máy xúc không.
“Chúng tôi sẽ làm việc với công ty phụ trách việc thi công dự án (Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Thành Trung, trụ sở ở TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Đồng thời, xem xét dấu hiệu tội phạm của người này xem có phải đã cố ý lái máy bánh xích đâm vào bà Châm không”, đại diện công an huyện Cẩm Giàng cho biết.
Trước đó, ngay sau khi sự việc xảy ra UBND tỉnh Hải Dương đã triệu tập cuộc họp các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp này, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng, ông Nguyễn Trọng Hiển, khẳng định không có việc máy xúc đè lên người dân là bà Lê Thị Châm bởi xe có trọng tải nặng vài tấn chèn qua thì khó có thể sống được.