Không hề có bất kì cuộc khai quật nào
Tuy nhiên bên cạnh một số ý kiến cho rằng câu chuyện Lang Liêu gói bánh chưng vẫn chỉ lưu truyền trong dân gian dưới dạng truyền thuyết nay đã được “hiện thực hóa” bằng các hiện vật khảo cổ thì cũng có người tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên.
Xung quanh vấn đề này, PV đã đi sâu tìm hiểu để thông tin đang lưu truyền gây “chấn động” dư luận, đặc biệt là giới khảo cổ học này.
Vừa qua, (sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ), chúng tôi đã tìm về làng Vực, thuộc xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) – nơi được cho là đã tìm thấy dấu vết lá dong gói bánh chưng còn sót lại trên một mảnh nồi đồng đã đề cập đến trong một bài viết và đăng trên báo.
Mảnh nồi đồng còn ít dấu vết lá dong được cho là có từ thời Lang Liêu (!?)
Trong bài viết, tác giả (cũng là một nhà nghiên cứu có tên tuổi) cho biết đã "tìm thấy dấu vết là dong gói bánh chưng có từ thời Lang Liêu" còn sót lại trên một mảnh nồi đồng cổ. Theo tác giả thì “vừa phát hiện dấu in của một chiếc lá dong còn nguyên vẹn và tươi tắn càng làm “tươi” thêm sự thực bánh chưng từ trên 2000 năm nay.
Hình dưới đây là nguyên trạng phát hiện khảo cổ học thú vị nói trên. Đó là một chiếc nồi đồng khai quật được ở làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thuộc phong cách Đông Sơn Âu Lạc có thể định tuổi vào khoảng thế kỷ 1-2 trước Công nguyên [...]”.
Tại đây, cả phía đại điện chính quyền lẫn người dân đều xác nhận: từ trước đến nay, tại làng Vực (xã Vĩnh Ninh) không hề diễn ra một cuộc khai quật bởi nhà khảo cổ hay đoàn khảo cổ nào cả.
“Nếu có khai quật thì chúng tôi phải biết chứ, các nhà khảo cổ cũng sẽ phải thông qua phía chính quyền cơ mà. Dân làng chúng tôi hàng nghìn con mắt không lẽ lại không biết điều đó”, ông Nguyễn Văn H – trưởng thôn làng Vực khẳng định.
Không chỉ ông H, mà nhiều người dân xã Vĩnh Ninh khi được hỏi thông tin về cuộc khai quật do đoàn khảo cổ ngoài Hà Nội đã từng về làm việc tại địa phương trong thời gian 2 năm trở lại đây thì tất cả đều khẳng định không hề có.
Ngoài ra, dư luận địa phương cũng tỏ ra bất ngờ vì thời gian qua xuất hiện thông tin đăng tải trên báo của một nhà khoa học cho rằng đã khai quật và phát hiện “lá dong và nồi đồng nấu bánh thời Lang Liêu” tại làng Vực nhờ khai quật!
“Thông tin về cuộc khai quật và phát hiện dấu vết cổ vật trên là không có thực, đó là bịa đặt. Chúng tôi không rõ đó là do tác giả nhầm lẫn hay cố tình”bịa” ra như vậy, nhưng nhiều nhóm săn lùng đồ cổ từ các nơi đã kéo về làng sau khi xuất hiện thông tin trên, khiến tình hình địa phương thêm phức tạp”, ông H bức xúc nói.
Mảnh nồi đồng… được tặng!
Qua nhiều nguồn thông tin, chúng tôi đã tìm đến nhà ông T (nhân vật xin được giấu tên) – người được cho là đã có nhiều năm sưu tầm và thù chơi cổ vật có tiếng của làng Vực. Ông T là người hiện nay đang giữ hàng trăm cổ vật sau hàng chục năm sưu tầm của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, ông T không ngần ngại đem ra hiện vật cổ mà mình đã sưu tầm được từ khắp nơi trong suốt nhiều năm để giới thiệu. Những hiện vật được ông sưu tầm rất nhiều loại từ mũi tên đồng, rìu đồng, lưỡi cày sắt, sanh đồng, nồi đồng, các bình, vò gốm sứ,…
Ông T cho biết trong đó “có những hiện vật là từ thời Tây Hán, thời Trần và Lê”,… Ngoài ra, ông T cũng khẳng định: tất cả những cổ vật này đều đã được thẩm định bởi một nhà khoa học là tiến sĩ khảo cổ từ Hà Nội vào!
Khi được hỏi thông tin về mảnh nồi đồng còn “dấu vết lá dong gói bánh chưng thời Lang Liêu” trong “một cuộc khai quật” tại địa phương đã được công bố trên báo gần đây bởi một nhà khoa học, ông T cười: “Làm gì có cuộc khai quật nào đâu, đó là họ nói cho “quan trọng hóa” lên đấy chứ. Mảnh nồi đồng đó trước kia là của tôi sưu tầm được.
Tôi cũng chưa xác định được rõ niên đại và gốc tích của mảnh nồi đồng thế nào, nhưng kinh nghiệm nhiều năm sưu tầm của tôi cho thấy có lẽ nó chỉ thuộc niên đại gần đây thôi, cỡ vào những năm đầu thế kỷ XX”.
“Năm ngoái có một nhà khoa học là tiến sĩ khảo cổ học vào công tác ở Thành nhà Hồ, biết tôi là người sưu tầm và có thú chơi đồ cổ nên có ghé qua nhà thăm.
Ông ấy bảo: anh có cái mảnh nồi đồng trông hay hay nhỉ, tôi mới bảo: nếu bác thích thì em tặng bác đấy. Và ông ấy đã nhận. Câu chuyện chỉ có thế thôi.
Chính ông ấy là người thẩm định những hiện vật sưu tầm này giúp tôi mà. Câu chuyện chỉ có thế thôi, không có khai quật gì đâu”, ông T cho biết thêm.
“Nói mảnh nồi đồng thời Lang Liêu là hơi ẩu”
Sau khi đọc lại một lần nữa thông tin được đăng tải trên báo, ông T chép miệng: “Tác giả viết thế này thì đúng là không ổn thật. Nói mảnh nồi đồng thời Lang Liêu là hơi ẩu. Nói lá dong riềng đem gói bánh chưng thì cũng chưa chuẩn.
Lá dong ở các vùng quê có 3 loại: dong trắng, dong dại và dong riềng. Dong trắng và dong riềng thì trồng để lấy củ ăn, lá rất mềm không gói bánh được. Lá dong gói bánh phải là lá cây dong dại (rừng) vì có độ dai”.
Ông T giải thích: “Thực ra những hiện vật như mảnh nồi đồng (đã tặng) hay chum vò, bát đĩa, dao, rìu sắt và đồng tôi sưu tầm được trong thời gian qua nhiều lắm. Nó không phải là đồ hiếm.
Những người dân xung quanh các chân núi trong quá trình khai thác đá hoặc làm vườn, làm nhà trong quá trình đào bới họ phát hiện ra thì tôi đến xin hoặc mua lại. Họ biết tôi là người chuyên sưu tầm nên hễ ai phát hiện cái gì là báo ngay cho tôi. Cũng có nhiều đồ họ lấy được từ trong hang núi”.
Cũng theo ông T, khu vực tập trung nhiều “cổ vật” nhất chính là chân núi Nhà Rồng (thuộc địa phận làng Vực). “Hầu hết các hiện vật tôi sưu tầm được đều có nguồn gốc từ đây. Khu vực xung quanh chân núi Nhà Rồng này nhiều đồ lắm. Có khi chìm dưới đất khoảng từ 0,6 – 1,5m, cũng có khi là ở trong hang núi”, ông T nói.
Theo ông T thì những hiện vật được phát hiện ở khu vực chân núi Nhà Rồng này cũng khá đa dạng, từ đồ gốm sứ (chum, võ, bình, bát, đĩa,…) cho đến đồ đồng (mũi tên, lưỡi rìu, sanh đồng…) và cả đồ sắt.
Ông T cho biết: “Mảnh nồi đồng mà tôi đã tặng nhà khoa học dạo trước cũng lấy được ở khu vực chân núi Nhà Rồng. Một người dân trong lúc đào móng nhà thì phát hiện ra. Trong nồi đồng khi đó còn có khá nhiều tiền xu bằng kẽm nhưng khi lấy lên mặt đất thì số tiền trên vỡ vụn mất hết. Một số cụ cao niên trong làng cho biết đó là tiền xu cũng mới đây thôi, những năm 20, 30 của thế kỷ trước”.
“Có cụ còn cho biết khi còn nhỏ các cụ vẫn thấy người ta lưu hành loại tiền này. Hồi xưa địa chủ phong kiến họ chạy nạn, tiền rồi vò vại, bát đĩa, nồi, sanh… họ đem đi tẩu tán, chôn giấu nhiều lắm. Từ đó nên tôi đoán rằng, niên đại của chiếc nồi đồng có lẽ cũng mới đây thôi, không xa xưa lắm đâu”, ông T khẳng định.