Tiểu thương chợ Long Biên "sốt vó" trước nguy cơ mất tiền tỷ

Kiều Linh |

Tiểu thương chợ Long Biên đang lo lắng và hoang mang sau khi bất ngờ nhận được thông tin Bộ Công thương sẽ xóa bỏ, di dời chợ.

Nguy cơ mất tiền tỷ

Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành quyết định xóa bỏ, di dời chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Quyết định của Bộ Công thương khiến nhiều tiểu thương chợ đầu mối phía Nam và chợ Long Biên lo lắng sẽ rơi vào tình cảnh lao đao, bấn loạn.

Chiều ngày 7/7, có mặt tại chợ Long Biên, chúng tôi ghi nhận một không khí buôn bán ồn ào, tấp nập nơi đây. Những chiếc xe tải chở hàng hóa từ hoa quả, rau cỏ... đến hương nhang, vàng mã tứ xứ thập phương vẫn ùn ùn kéo đến.

Dân buôn lẻ tấp nập chở những thùng hàng chất đầy hoa quả tản về mọi ngóc ngách của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, khi biết thông tin chợ sắp bị di dời, xóa bỏ, nhiều tiểu thương “không tin vào tai mình, tim đập, chân run”.

Ngót nghét hơn 35 năm buôn hoa quả tại chợ, bà N.T.N, một tiểu thương buôn bán hoa quả thảng thốt: “Nếu xóa bỏ chợ Long Biên thì chết thật rồi.

Chúng tôi bỏ bao nhiêu tiền để mua sạp ở đây, đang buôn bán đắt hàng, khách hàng đến lấy quen rồi mà giờ bỏ chợ thì lỗ vốn cả thôi”.

Chung hoàn cảnh đó, bà M, tiểu thương bán buôn cam sành kể lại, từ khi chợ chuyển về đây (hơn 35 năm trước) để mua được ki-ot bán hàng, bà M đã phải chạy vạy khắp nơi vay vốn từ họ hàng, người quen đến ngân hàng với một khoản không nhỏ, gần 20 triệu đồng.

Thế nhưng, bà M than thở: “Đương nhiên là tiền vay vốn, tôi đã trả hết rồi nhưng giờ xóa bỏ hay di dời thì chúng tôi cũng gặp khó khăn .

Bây giờ tiền nuôi con cái học hành, tiền chi phí sinh hoạt hàng tháng của cả gia đình trông chờ hết vào sạp hàng này”.

Bà M, tiểu thương chợ Long Biên bức xúc trước thông tin chợ bị di dời, xóa bỏ

Bà M, tiểu thương chợ Long Biên bức xúc trước thông tin chợ bị di dời, xóa bỏ

Theo bà M, kể cả khi chợ Long Biên được di dời thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Bao nhiêu năm buôn bán, khách hàng quen thuộc, giờ chợ di chuyển đến nơi khác sẽ mất khách và phải tốn một thời gian dài để cửa hàng “làm lại từ đầu”.

“Tôi không hiểu chợ sắp di dời mà còn sửa để làm gì? Chợ Long Biên là trung tâm của Hà Nội, nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên đổ về cũng thuận tiện”, bà M phàn nàn.

Bà M thở dài, lo lắng: “Sạp bán hàng của gia đình tôi chỉ hơn chục mét vuông nhưng cách đây vài ngày có người trả tôi 2,5 tỷ đồng, tôi còn không bán.

Giờ mà xóa bỏ chợ thì ước tính mỗi tiểu thương ở đây cũng thiệt hại vài tỷ đồng, chưa kể tiền hàng, lại còn thiệt hại vì mất khách...”.

Tiểu thương hoang mang, BQL chợ nói không biết

Chợ đầu mối Long Biên được xem là chợ nông sản có vị trí đắc địa trong giao thương Hà Nội.

Theo Ban quản lý chợ, trung bình mỗi ngày lượng nông sản vận chuyển qua chợ khoảng từ 200-300 tấn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh (Phó Ban quản lý chợ Long Biên) cho hay, hiện nay có khoảng 1200 tiểu thương đang hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ với các ngành hàng tập trung chủ yếu như rau, củ, quả, thủy hải sản...

Để thuận lợi giao thương, thời gian vừa qua, quận Ba Đình phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp chợ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên, khi được hỏi về đề án di dời, xóa bỏ chợ Long Biên do Bộ Công thương phê duyệt, bà Thịnh từ chối trả lời với lý do: “Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì về quyết định xóa bỏ của Bộ nên tôi không thể trả lời.

Chợ Long Biên không phải là chợ đầu mối, từ năm 2007, thành phố Hà Nội đã quy hoạch thành chợ dân sinh, nghĩa là chợ loại 2.

Còn báo chí muốn biết thông tin gì xin mời lên Bộ Công thương và lên Sở Công thương Hà Nội hỏi”.

Hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhưng nhiều tiểu thương đang hoang mang, lo lắng

Hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhưng nhiều tiểu thương không tránh khỏi hoang mang, lo lắng khi nghe thông tin chợ sắp bị "xóa sổ"

Hoang mang, không tin vào quyết định xóa bỏ, di dời chợ, anh N.V.Trung, chủ sạp buôn, lẻ trái bơ Trung Lan quả quyết: “Chợ này thành lập gần 40 năm rồi, bao nhiêu lần quyết định di dời, xóa bỏ nhưng bất khả thi vì quá đông thành phần.

Từ người dân buôn bán khắp nơi trong nước đổ về đến những người sa cơ, thất nghiệp từ Thái Bình, Hưng Yên tìm đến mưu sinh, làm thuê kiếm miếng cơm manh áo".

Không ngần ngại, anh Trung nói tiếp: “Cơ quan chức năng nên nhìn vào dân để quyết định. Trừ trường hợp phức tạp quá thì mới nên chuyển.

Chúng tôi ở đây đóng thuế đầy đủ hàng tháng, tiền điện nước, bảo vệ hàng tháng, chúng tôi phải được đảm bảo quyền lợi.

Cơ quan chức năng phải cho chúng tôi biết di dời, xóa bỏ chợ để làm gì, định xây dựng gì ở đây chứ không phải tự dưng dẹp bỏ mấy nghìn hộ kinh doanh”.

Trong khi đó, một tiểu thương đề nghị giấu tên nói: “Từ lúc báo chí đưa tin, tôi đọc mà choáng, tim run, chân tay rã rời không còn tâm trạng làm gì nữa.

Xóa bỏ vĩnh viễn hay di dời đi chỗ khác thì kính mong cơ quan nhà nước nói rõ để chúng tôi còn chuẩn bị tinh thần. Giờ cả chợ xôn xao bàn tán, hoang mang, bà con làm ăn không được tập trung như trước”.

Ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký ban hành Quyết định số 6481/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, Hà Nội xoá bỏ, di dời chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn đầu tư 2021-2025, chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) 2015-2020; xây mới 3 chợ đầu mối nông sản tại các xã Phủ Đổng huyện Gia Lâm, tại Quốc Oai và tại Phú Xuyên.

Mục tiêu tổng quát của Quyết định nhằm phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân.

Qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại