Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã họp với Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, Hội đồng đánh giá phản ứng sau tiêm và các chuyên gia đầu ngành về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Tiếp tục tiêm các lô vắc xin còn lại
Sau khi thảo luận, Bộ Y tế thống nhất thông báo một số nội dung, trong đó cho biết: Dựa trên kết quả điều tra thực địa và kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế kết luận sơ bộ: Đây là chùm phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.
Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đã độc lập lấy mẫu vắc xin, mẫu phủ tạng gửi Viện kiểm định quốc gia vắc xin, sinh phẩm y tế và Viện Pháp y Quốc gia để kiểm định chất lượng vắc xin và xét nghiệm mẫu.
Liên quan đến việc dừng trên toàn quốc 2 lô vắc xin viêm gan B có liên quan đến 3 ca tử vong ở Quảng Trị và hướng xử lý đối với việc tiêm chủng của trẻ, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh theo lịch trong Dự án tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh chủ động cho trẻ em và cộng đồng.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết sau khi dừng 2 lô vắc xin (số lô V-GB020812E và V-GB030812E, HD: 07/2015, SĐK: QLVX-0376-11 do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm Y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất) thì hiện tại, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn còn 2 lô vắc xin viêm gan B khác, đủ để cung cấp cho các địa phương nhằm tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
Như vậy, việc tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh sẽ không bị gián đoạn.
Tránh hoang mang, xáo trộn
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế cho biết đã có công văn chỉ đạo Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin, sinh phẩm y tế và phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các xét nghiệm để sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân các trường hợp này.
Ông Nguyễn Trần Hiển cho biết kết quả có thể có sau một tháng nữa.
Tại thời điểm này, Bộ Y tế đề nghị thông tin đưa ra cần chính xác, đầy đủ để người dân hiểu và tin tưởng vào việc sử dụng vắc xin phòng bệnh, tránh gây hoang mang và xáo trộn cho người dân lẫn cán bộ y tế.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều người dân đang lo lắng, ngừng tiêm để nghe ngóng, chờ đợi, thậm chí có người từ chối tiêm vắc xin, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục đưa con mình đi tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ chủ động cho trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin.
Đối với bệnh viêm gan B, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết việc tiêm chủng đã mang lại những hiệu quả lớn.
“Việc tiêm phòng 24 giờ sau sinh thực sự đã góp phần giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam, từ 15-20% vào những năm 1990 xuống còn 2% vào năm 2010, đạt mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây thái Bình Dương, và đang tiến tới khống chế tỷ lệ này xuống dưới 1% vào năm 2007, góp phần giảm tỷ lệ viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan ở Việt Nam trong tương lai”, ông Hiển nhấn mạnh.