Hà Nội, Đà Nẵng: Chưa xảy ra bao giờ
Việc CSGT Đồng Nai khi làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông trên quốc lộ 51 đã cho nam nhân viên tiếp thị sữa vào nghe bộ đàm, ghi chép biên bản và đánh người cự cãi khiến dư luận những ngày qua hết sức bức xúc.
Trao đổi với PV Đất Việt về việc này, ông Tô Văn Hiệp -Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng khẳng định:
"Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp như kiểu Đồng Nai xuất hiện ở Đà Nẵng cả, cũng không thấy các doanh nghiệp trong hiệp hội phản ánh.
CSGT Đà Nẵng luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện, văn minh nên việc để người lạ vào nghe điện thoại, ghi chép biên bản hộ là không có".
Cá nhân ông Hiệp cũng rất ngạc nhiên trước vụ việc xảy ra tại Đồng Nai và cho rằng cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này.
"Tối thấy rất lạ, không biết việc kiểm soát trong ngành giao thông ở Đồng Nai họ tiến hành như thế nào. Để người lạ vào trong khu vực làm việc của CSGT là không chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm khắc.
Tôi tin chắc rằng trong điều lệ ngành của CSGT đều có những quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của các cán bộ chiến sĩ. Quan trọng là những người thi hành công vụ họ chấp hành và tuân thủ ra sao thôi".
Lực lượng CSGT Đà Nẵng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông.
Cùng ngày, thông tin cho Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng khẳng định: "Người dân có thể phàn nàn về chuyện tắc đường, kẹt xe hay biển báo nhưng chuyện người lạ đứng cùng bốt với CSGT ở HN là không có.
Cá nhân tôi khi tham gia giao thông cũng hay quan sát, nhưng chưa bao giờ thấy trường hợp nào như phía CSGT ở Đồng Nai cả. Đây chỉ là trường hợp hi hữu, xảy ra ở một bộ phận CSGT có ý thức, trách nhiệm yếu kém khi thực thi nhiệm vụ".
Theo ông Liên, từ thực tế vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của những người thi hành công vụ hiện nay.
"Cần phải nâng cao trách nhiệm của CSGT khi thực hiện trách nhiệm mà cơ quan nhà nước giao phó để bảo vệ sự uy tín, danh dự của tổ chức đồng thời làm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
Người dân cũng như các tổ chức có quyền giám sát hoạt động của CSGT, trên cơ sở đảm bảo tôn trọng các quy định của pháp luật". Ông Liên cho biết.
TPHCM: Có hiện tượng nhưng cần thêm chứng cứ
Trong khi Hà Nội và Đà Nẵng khẳng định không có những trường hợp xảy ra như ở Đồng Nai thì tại TPHCM, tình trạng giao thông diễn ra phức tạp hơn.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM cho biết: "Chuyện như của Đồng Nai thì tôi chưa nghe thấy bao giờ nhưng hiệp hội cũng thấy người dân phản ánh hiện tượng cò mồi, bảo kê xe, xã hội đen tại TPHCM.
Tuy nhiên cụ thể chỗ nào, ở đâu thì chưa xác định được. Phía các doanh nghiệp vận tải cũng không có báo cáo gì cả. Chúng tôi chỉ nghe dư luận nói thôi chứ cũng không có bằng chứng cụ thể nào".
Nhắc đến câu chuyện vừa xảy ra với CSGT ở Đồng Nai, ông Quản khẳng định: "Những hiện tượng như thế thì không đúng, là vi phạm pháp luật.
Không có một quy định văn bản nào cho phép người dân thực hiện thay chức năng, nhiệm vụ của CSGT cả. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm vấn đề để giáo dục, dăn đe".
Người đứng đầu hiệp hội giao thông vận tải TPHCM cho rằng để tránh những tình trạng tiêu cực như trên thì cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng giám sát.
"Phía hiệp hội vận tải không có thẩm quyền và chức năng giám sát hoạt động của lực lượng CSGT. Các cơ quan nhà nước được phân công giám sát cần tích cực tiến hành các hoạt động theo dõi, nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm của CSGT.
Bên cạnh đó, trên cương vị người đứng đầu hiệp hội vận tải, tôi kêu gọi các nhà xe, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, lắp camera theo dõi và sử dụng các phương tiện thông tin như điện thoại để ghi âm, tăng cường giám sát của người dân với lực lượng tuần tra để nâng cao ý thức của những người thực thi công vụ" - ông Quản khẳng định.